Đại biểu Quốc hội: Không phải cứ tăng hình phạt là giảm tội phạm

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng, không phải phải cứ xử thật nặng, áp dụng nhiều hình phạt tử hình thì tội phạm ở Việt Nam sẽ giảm.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, phạt nặng trẻ em sẽ gây phản tác dụng. (Ảnh: Vietnam+)

Sáng 30/10, Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi). Bộ luật này cũng là một trong những nội dung làm “nóng” nghị trường trong phần thảo luận cũng như thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận.

Bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13, Đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã trao đổi với về một số nội dung của Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) lần này.

- Thưa Đại biểu Nguyễn Đình Quyền, có ý kiến cho rằng dường như các điều luật trong Bộ luật hình sự (sửa đổi) lần này giảm nhẹ cho nhiều tội. Trong khi đó, thời gian qua dư luận rất bức xúc với nhiều vụ án nghiêm trọng do các đối tượng vị thành niên gây ra. Do đó, việc "nương nhẹ" ​liệu có tạo cơ hội, kẽ hở cho tội phạm lộng hành?

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền: Tôi cho rằng hình phạt tử hình không phải là cứu cánh cho giảm vi phạm pháp luật ở Việt Nam. Thực tế đã chứng minh rằng không phải phải cứ xử thật nặng, áp dụng nhiều hình phạt tử hình thì tội phạm sẽ giảm.

Năm 1999 khi tội phạm về ma túy phát triển, lúc đó chúng ta tăng mức phạt ma túy đến mức cao nhất. Có những vụ, tòa án xử tới 5-7 án tử hình nhưng tội phạm ma túy không giảm.

Bởi thế, việc khi hoạch định chính sách đừng nghĩ tới việc tăng hình phạt lên mà phải xem hình phạt thế nào để tương xứng với hành vi nguy hiểm cho xã hội, đó mới là khoa học pháp lý về hình sự phải nghiên cứu.

Đối với trẻ em, khoa học hình sự trên thế giới đã chứng minh càng phạt nặng bao nhiêu càng phản tác dụng. Do đó, không phải phạt nặng đối với trẻ em mà chúng ta đạt được mục đích.

Đương nhiên, nói đến hình sự, hình phạt bao giờ cũng có tính răn đe. Nhưng răn đe phòng ngừa như nào là cả một vấn đề.

- ​Cũng có nhiều ý kiến xung quanh việc giảm án với tội danh tham nhũng trong trường hợp bị cáo dùng tiền để khắc phục hậu quả. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền: Giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lâu nay cho thấy, ở một số nơi khi người có hành vi tham nhũng chủ động khắc phục thì đình chỉ điều tra. Làm như vậy là sai.

Ở một số vụ, Ủy ban Tư pháp đã có công văn yêu cầu phục hồi điều tra. Bởi vì việc khắc phục hậu quả chỉ là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không thể miễn trách nhiệm hình sự.

Hiện nay, xuất phát từ thực tế thu hồi tài sản tham nhũng chiếm tỷ lệ thấp, trong khi xử án tham nhũng chúng ta vừa mất cán bộ lại mất cả tiền của nhà nước nên Bộ luật hình sự đưa ra trong trường hợp người phạm tội chủ động khắc phục thì giảm án.

Chủ động khắc phục ở đây là trước khi bị phát hiện thì có thể xem xét để giảm hoặc miễn trách nhiệm hình sự. Đây là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn để thu hồi tài sản cho nhà nước và nhân dân.

Tuy nhiên, đây chỉ là “có thể” thôi vì người ta còn phải xem xét tổng thể nhiều tình tiết khác nữa.

- Trong báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) được trình bày tại Quốc hội sáng nay, có vi phạm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân như “rải đinh hoặc vật sắc nhọn trên đường bộ” nhưng không quy định thành tội danh riêng. Tại sao lại như vậy, thưa ông?


Đại biểu Nguyễn Đình Quyền:
Hệ thống pháp luật của Việt Nam là thành văn nên có những yêu cầu rất cao về tính ổn định, khái quát… Do đó, không phải cứ có điều luật về rải đinh thì chúng ta mới xử được rải đinh.

Luật thành văn đòi hỏi nếu không muốn phải sửa đổi nhiều lần thì phải đảm bảo tính khái quát của nó. Một quy định có thể bao gồm nhiều hành vi vi phạm mà vẫn có thể xử lý được.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục