Sáng 28/10, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13, Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang đã trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Trong đó, một nội dung rất được quan tâm là vấn đề trẻ vị thành niên phạm tội nghiêm trọng.
Bên lề Quốc hội, Đại biểu Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội - đã trao đổi về vấn đề này.
- Thưa Đại biểu Lê Như Tiến, thời gian gần đây, dư luận rúng động bởi các vụ việc trẻ vị thành niên phạm tội, đặc biệt có những vụ việc nghiêm trọng, có tính chất dã man. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này?
Đại biểu Lê Như Tiến: Hiện nay, việc bùng nổ công nghệ thông tin, đặc biệt là Internet, phim ảnh, game online có nội dung bạo lực dễ làm cho giới trẻ vốn có sức đề kháng kém đã bị nhiễm và học theo.
Bên cạnh đó, có nguyên nhân về gia đình. Người lớn vì miếng cơm manh áo, tập trung vào làm ăn mà xao lãng giáo dục trong gia đình, đặc biệt là giáo dục lễ độ, hướng thiện. Ngày trước, thế hệ cha ông của chúng ta dạy con cái phải biết tôn trọng người lớn, chia sẻ tình yêu thương.
Thậm chí, trong gia đình, có thể bố mẹ đánh nhau, văng tục chửi bậy. Như thế, người lớn không là tấm gương sáng còn là là tấm gương mờ cho trẻ nhỏ.
Khi đến trường học, các em va chạm với tệ nạn xã hội trong học đường, bạo lực học đường. Có một số ít thầy cô là tấm gương xấu. Nhiều trường giương khẩu hiệu tiên học lễ hậu học văn nhưng thực tế có thế không? Nữ học sinh thì bị đánh hội đồng, người lớn nhìn thấy thì lờ đi không vào can thiệp cũng như có giải pháp kịp thời…
Ngoài xã hội, người lớn cũng chưa làm gương cho trẻ em. Chỉ cần va chạm một chút là dùng vũ lực thay cho lời nói cảm ơn và xin lỗi. Trong khi, nhân cách được hình thành ngay từ lúc vừa lớn lên… Đó là lý do xảy ra tình trạng lứa tuổi vị thành niên gây tội ác rất nghiêm trọng, thậm chí có những hành vi man rợ…
- Thực trạng và giải pháp trẻ vị thành niên phạm tội nghiêm trọng đã được nói tới rất nhiều, thế nhưng có vẻ tình hình này ngày càng nghiêm trọng hơn. Liệu có phải xã hội đang lơ là và cơ quan chức năng chưa thực hiện đúng các giải pháp đã đề ra, thưa ông?
Đại biểu Lê Như Tiến: Đúng là có nguyên nhân đó.
Hơn ai hết, chính các cơ quan chức năng phải phòng ngừa và răn đe để cho trẻ vị thành niên không gây ra những tội ác nghiêm trọng. Phải tuyên truyền để cho trẻ em thấy đó là việc không nên làm…
Khi trẻ vị thành niên vi phạm, cần phải xử lý nghiêm minh. Không nên căn cứ vào việc trẻ em ở độ tuổi vị thành niên phạm tội thì phải giảm nhẹ…
- Theo ông, chính sách hình sự với trẻ em phạm tội đã phù hợp chưa?
Đại biểu Lê Như Tiến: Qua dư luận xã hội và đi tiếp xúc cử tri một số nơi, chúng tôi thấy cử tri đồng tình việc phải sửa Luật Hình sự. Cần có chính sách hình sự nghiêm khắc hơn đối với trẻ em phạm tội, đặc biệt là những tội đặc biệt nghiêm trọng, có hành vi man rợ.
Sắp tới Luật Hình sự sửa đổi, chúng tôi thấy cần phải bổ sung chế định đối với hành vi như thế thì mới ngăn chặn được tình trạng trên.
- Theo ông, nên hạ độ tuổi hay tăng trách nhiệm hình sự đối với trẻ vị thành niên phạm tội?
Đại biểu Lê Như Tiến: Phải nghiên cứu kỹ vấn đề này, nhưng có thể là cả hai.
Vừa rồi, trong luật của chúng ta định nghĩa trẻ em là những người dưới 18 tuổi chứ không phải dưới 16 tuổi như trước để phù hợp thông lệ quốc tế. Thế thì trẻ em dưới 18 tuổi bản thân đã chịu đầy đủ năng lực hành vi chưa? Luật Hình sự phải nghiên cứu và đưa vào.
Tôi nghĩ, hiện nay trẻ em 15-16 tuổi trở lên đã có nhận thức khác với trẻ em thế hệ trước. Yếu tố xã hội đã ào ạt vào khiến các em trở thành người lớn sớm. Do đó, bên cạnh bảo vệ quyền của trẻ em thì phải nghiêm khắc với trẻ em phạm tội. Nếu không, ai sẽ bảo vệ những người dân thường, xã hội?
- Xin cảm ơn ông!