Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 8/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Khắc phục bất cập của hệ thống pháp luật về thị trường chứng khoán
Phát biểu tại hội trường, các đại biểu bày tỏ sự tán thành đối với nhiều nội dung của các báo cáo, đồng thời đánh giá cao ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.
Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, đa số các đại biểu nhận định, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự; kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Nhiều vụ án lớn, phức tạp về kinh tế, tham nhũng được phát hiện, giải quyết kịp thời, đáp ứng mong mỏi của người dân.
Quan tâm đến việc xử lý các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đánh giá cao Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và các cơ quan chức năng đã khởi tố điều tra nhiều vụ án lớn, có vụ án gây rúng động thị trường chứng khoán Việt Nam, qua đó phát hiện nhiều hành vi, thủ đoạn như: mua bán cổ phiếu không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện hành vi giao dịch của các cổ đông lớn và người có liên quan; thao túng từ thủ đoạn trực tiếp mượn, thuê người mở nhiều tài khoản chứng khoán nhằm liên tục mua bán cổ phiếu giữa các tài khoản với nhau nhằm tạo cung cầu giả đẩy giá cổ phiếu, thu hút nhà đầu tư trên thị trường, sau đó bán thu lợi bất chính; làm giả hồ sơ tài liệu; tung tin giả trên mạng xã hội, lôi kéo các nhóm tư vấn mua bán cổ phiếu...
"Các hành vi và thủ đoạn nêu trên đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho nhiều nhà đầu tư, làm thị trường chứng khoán có những giai đoạn chao đảo, làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn, làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán. Hệ quả là làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua có nhiều biến động và nhiều rủi ro như đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội," đại biểu Phương Hoa nhấn mạnh.
Theo đại biểu, để xảy ra tình trạng trên có một số nguyên nhân chính. Thứ nhất là do sự sơ hở, bất cập của hệ thống pháp luật về thị trường chứng khoán và quản lý doanh nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng phạm tội lợi dụng các quy định của luật như việc nâng khống vốn điều lệ của doanh nghiệp trước khi niêm yết trên thị trường đã được các đối tượng thực hiện dễ dàng thông qua một loạt thủ thuật nhằm che mắt cơ quan chức năng.
Thứ hai là sự tinh vi, liều lĩnh, bất chấp mọi thủ đoạn của kẻ phạm tội, thậm chí lôi kéo cả người nhà, người thân tín thực hiện hành vi phạm tội.
Thứ ba là sự buông lỏng của một số cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong một số giai đoạn nhất định.
[Nâng cao hiệu quả quản lý, ổn định niềm tin trên thị trường tài chính]
Đáng lưu ý, có những hành vi, thủ đoạn đã xảy ra nhiều lần nhưng không bị phát hiện hoặc đã bị phát hiện nhưng chỉ bị xử lý vi phạm hành chính.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng chính điều này đã gây tâm lý "nhờn luật" đối với các đối tượng phạm tội. Gần đây, số đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham nhũng chứng khoán tăng lên.
Theo đại biểu, việc làm này của các cơ quan chức năng không những có tác dụng răn đe đối với các đối tượng có ý định tham nhũng trên thị trường mà còn giúp nhà đầu tư có thêm bài học cần thiết; đồng thời là tín hiệu cho thấy sự nỗ lực của cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng khác, giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng nhất trí với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Công an và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, đó là không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không hình sự hóa quan hệ dân sự kinh tế; xử lý nghiêm đối với những hành vi cố ý sai phạm song cũng tạo điều kiện cho người phạm tội khắc phục vi phạm.
Song song với công tác điều tra, thời gian qua, Bộ Công an đã kịp thời cung cấp thông tin và phản bác các tin đồn thất thiệt để giúp ổn định thị trường, ổn định tâm lý xã hội, góp phần bảo vệ doanh nghiệp.
Từ những phân tích của mình, đại biểu kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan đến thị trường chứng khoán và quản lý doanh nghiệp; xử lý nghiêm các cá nhân, thậm chí pháp nhân thương mại trực tiếp có liên quan nếu có đủ dấu hiệu vi phạm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát doanh nghiệp.
Đồng thời, các cơ quan tư pháp cần kịp thời thông tin tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về phương thức, thủ đoạn phạm tội để tăng cường tính cảnh báo, phòng ngừa.
Rà soát thường xuyên, kịp thời ngăn chặn "tham nhũng vặt"
Tán thành với các báo cáo đã trình bày trước đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) tập trung phân tích về tình trạng "tham nhũng vặt."
Theo đại biểu, "tham nhũng vặt" diễn ra với hình thức rất đa dạng và ngày càng tinh vi, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đến nơi đến chốn, không khách quan, không theo hướng tháo gỡ mà theo cách "bóp chặt"...
Theo đại biểu, tình trạng tham nhũng vặt hiện nay như vòi bạch tuộc, "vừa nhiều vòi vừa đeo bám chặt," gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp; làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với một bộ phận cán bộ vốn được coi là công bộc của nhân dân…
Bày tỏ mong muốn của cử tri và nhân dân tới Đảng, Nhà nước, Quốc hội về việc cần tập trung xử lý nạn tham nhũng vặt, chống tiêu cực mạnh mẽ hơn nữa, đại biểu cũng đánh giá cao những nỗ lực trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống tội phạm trong thời gian qua của các cơ quan nhà nước, góp phần ổn định xã hội, nhất là sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt, nghiêm minh của các cơ quan pháp luật từ khâu điều tra, xét xử, thi hành án đối với những vụ án lớn.
Bên cạnh những kết quả đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng hoạt động phòng, chống tham nhũng vặt "có vẻ chưa được xử lý nhiều."
Dẫn số liệu của năm 2022 có 477 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp bị xử lý, đại biểu đánh giá con số này còn quá khiêm tốn so với thực tế đang diễn ra.
Tuy nhiên, đại biểu cũng nhận định rằng chống tham nhũng vặt là rất khó vì tính phổ biến và đôi khi chỉ rất mơ hồ của các hành vi, và có thể chính người bị nhũng nhiễu lại cho qua không muốn đi đến tận cùng vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh phòng, chống tham nhũng chỉ có thể làm được tốt hơn, hiệu quả hơn khi có sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là của quần chúng nhân dân. Do đó, cần phổ biến chính sách pháp luật nhiều hơn, rộng hơn; phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan, nhất là cơ quan dân cử các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội.
Đặc biệt, Chính phủ, các ban, ngành, cơ quan cần coi chống tham nhũng vặt là việc quan trọng, rà soát thường xuyên hơn để phát hiện, ngăn chặn được tham nhũng vặt.
"Hy vọng việc phòng, chống tiêu cực, tham nhũng vặt ở Việt Nam sẽ bước sang một trang mới tốt hơn và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân," đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về nhiều nội dung khác như: công tác thi hành án, tính phức tạp của tình hình tội phạm về ma túy, tội phạm xâm hại trẻ em.../.