Đại biểu Quốc hội: Kỳ vọng vào thế trận an ninh nhân dân tại địa bàn

Các đại biểu nhất trí với việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, song cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về công tác giám sát, quản lý lực lượng này.
Lực lượng dân phòng là thành phần chủ chốt tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 27/10, Quốc hội thảo luận dự thảo về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Lực lượng này được thành lập dựa trên sự hợp nhất của đội bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách.

Đa số các đại biểu cho rằng việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết để hình thành thế trận an ninh nhân dân toàn diện, song cũng cần đánh giá kỹ hơn về mặt tổ chức và ngân sách.

‘Khiên giáp’ bảo vệ người dân ở địa bàn

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 5 chương với 34 điều.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật đồng thời nhấn mạnh rằng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tuy là lực lượng quần chúng được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân, nhưng căn cứ tính chất nhiệm vụ quy định trong dự thảo luật thì là lực lượng có vai trò, tầm quan trọng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, có mối quan hệ mật thiết với công an và các lực lượng khác.

Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh, trong tình hình an ninh phức tạp, vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở càng trở nên quan trọng.

[Điều tra, xử lý nghiêm đối tượng tấn công lực lượng dân phòng]

Nếu tổ chức tốt, lực lượng này có thể phát huy vai trò của mình trong nắm tình hình về an ninh trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, hỗ trợ đảm bảo trật tự xã hội, hỗ trợ tuần tra, bảo đảm an toàn giao thông, tăng cường đấu tranh tội phạm, hỗ trợ chính quyền giữ gìn an ninh chính trị.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.

Từ thực tiễn công tác tại các tỉnh Tây Nguyên trong suốt thời gian qua, đại biểu khẳng định dự án Luật đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn về bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, với thực trạng và tình hình đã và đang diễn biến phức tạp với nhiều loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật hiện nay.

Đại biểu Dương Khắc Mai bày tỏ sự tán thành với ý kiến tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tên dự thảo luật là Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là toàn diện và đầy đủ.

Đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về quyền hạn đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, cụ thể là bố trí, sắp xếp lực lượng, thành viên tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở ở mỗi tổ tại mỗi khu vực đô thị nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, khu vực có địa hình chia cắt, khu vực nhạy cảm về an ninh chính trị để phù hợp với vị trí địa lý, quy mô dân số.

Tránh tình trạng lạm quyền, sách nhiễu

Nhiều ý kiến nhất trí với vai trò của việc xây dựng lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở song cũng nhiều đại biểu đóng góp ý kiến về việc kiểm soát, quản lý, tránh tình trạng lạm dụng quyền hạn, sách nhiễu nhân dân.

Đại biểu Hoàng Anh Công, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại biểu Hoàng Anh Công, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cho rằng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở gồm 3 nhóm đối tượng mang tính tự nguyện cao nhưng vẫn cần có quy định để kiểm soát quản lý.

Theo đại biểu, dự luật này liên quan đến đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nên cần có những biện pháp kiểm soát, thanh tra để bảo đảm không có tình trạng lạm quyền, tham nhũng, sách nhiễu.

Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Anh Công cũng đề nghị tiếp tục rà soát bảo đảm tính chính xác của số liệu để có tính toán phù hợp, bảo đảm các chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở để họ yên tâm tham gia công việc chung của xã hội.

Đóng góp ý kiến tại hội trường, đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cũng đề nghị Chính phủ làm rõ khi dự án luật này được ban hành thì ngân sách nhà nước phải chi tăng thêm bao nhiêu trong khoản chi thường xuyên, vì với quy định của dự án luật, lực lượng này được hưởng mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, được bố trí địa điểm làm việc, bồi dưỡng, huấn luyện, trang bị trang phục, công cụ hỗ trợ…

Phát biểu trong phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng dự thảo luật cần xác định trách nhiệm chủ trì trong việc phối hợp giữa các lực lượng

Cụ thể, Khoản 2 quy định: Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo sự phân công, chỉ đạo của công an cấp xã phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận ở thôn, tổ dân phố; Hỗ trợ lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng và lực lượng khác ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; Phối hợp với đoàn thể, tổ chức quần chúng tự quản ở địa phương, hòa giải viên cơ sở, lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, giải quyết tranh chấp, mẫu thuẫn về an ninh, trật tự ở cơ sở.

“Tuy nhiên, mỗi lực lượng trong quy định này lại chịu sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan khác nhau. Vì vậy, cần làm rõ cơ chế phối hợp, xác định rõ lực lượng chủ trì trong quan hệ phối hợp công tác này để đảm bảo các chủ thể dễ triển khai khi thực hiện nhiệm vụ, xác định trách nhiệm khi xảy ra vấn đề mất an ninh, trật tự trên địa bàn đồng thời phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của thế trận an ninh nhân dân,” bà Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu./.

Theo báo cáo của Chính phủ, toàn quốc có gần 300.000 người đang tham gia trong lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng; kinh phí chi trả cho hoạt động của họ rơi vào khoảng 3.570 tỷ đồng/năm (tính theo mức lương cơ sở mới).

Cũng theo số liệu của Bộ Nội vụ, tính đến tháng 12-2022, toàn quốc có 84.721 thôn/tổ dân phố. Nếu mỗi thôn, tổ dân phố đều thành lập tổ bảo vệ an ninh trật tự, cần ít nhất 254.163 người tham gia (mỗi tổ cần ít nhất 3 người).

Tuy nhiên do dự thảo luật quy định mỗi tổ bảo vệ an ninh trật tự có thể phụ trách một hoặc một số thôn/tổ dân phố, nên tổng số tổ có thể giảm xuống, kéo theo tổng kinh phí cũng giảm.

Về lâu dài, tổng số lượng thôn/tổ dân phố tiếp tục giảm do sáp nhập nên các địa phương sẽ có điều kiện tập trung bảo đảm chế độ, chính sách tốt hơn cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục