Chi bồi dưỡng bảo vệ an ninh ở cơ sở cần phải rõ ràng, tránh so bì

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần rà soát chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để bảo đảm sự công bằng, tránh so bì với các lực lượng khác.
Chi bồi dưỡng bảo vệ an ninh ở cơ sở cần phải rõ ràng, tránh so bì ảnh 1Quang cảnh Hội nghị Đại biểu Quốc hội Hoạt động Chuyên trách. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 28/8, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến dự án Luật Lực lượng Tham gia Bảo vệ An ninh, Trật tự ở Cơ sở.

Trước khi thảo luận, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 1), ông Lê Tấn Tới cho biết theo quy định tại Điều 46 Hiến pháp năm 2013, mọi công dân đều có nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Luật Công an Nhân dân quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ Công an Nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật.

[Quốc hội thảo luận dự án Luật Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở]

Trên thực tế, có nhiều lực lượng tình nguyện, tự quản tham gia hỗ trợ Công an Nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, nhưng hỗ trợ có tính chất thường xuyên, nòng cốt, có quá trình thực hiện lâu dài trên phạm vi toàn quốc thì chỉ có 3 lực lượng, đó là bảo vệ dân phố, dân phòng và Công an xã bán chuyên trách.

Mục tiêu của việc xây dựng Luật này là tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, kiện toàn lại 3 lực lượng sẵn có thành một tổ chức với chức năng, nhiệm vụ tập trung, làm nòng cốt trong hỗ trợ Công an chính quy bảo vệ an ninh trật tư ở cơ sở.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội không mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật.

Đối với việc bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, do quần chúng nhân dân tự nguyện tham gia, dưới sự quản lý và do chính quyền cơ sở bảo đảm kinh phí chi trả chế độ, chính sách.

Nếu quy định “cứng” trong Luật về khung mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng và khung mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế sẽ không phù hợp với thực tế, nhất là ở các địa phương còn khó khăn về kinh tế, xã hội và có thể là áp lực về ngân sách đối với các địa phương chưa tự chủ được ngân sách.

Về nội dung này trong quá trình hoàn thiện dự án Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã trao đổi, xin ý kiến và các địa phương thống nhất quy định theo hướng mở như thể hiện trong dự thảo Luật.

Do đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cho quy định theo hướng mở để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, quyết định mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương và bảo đảm tính khả thi của Luật.

Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, mặc dù dự thảo Luật không quy định cụ thể mức bồi dưỡng, nhưng theo đại biểu, thấp nhất cũng phải bằng mức lương ở cơ sở.

Bên cạnh đó, người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở còn được bồi dưỡng khi được cử đi tập huấn, huấn luyện hoặc được khen thưởng của các cấp có thẩm quyền. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc thận trọng nội dung này, tránh khi Luật ban hành thì sẽ khó áp dụng ở địa phương.

Đại biểu cũng nêu thực tế lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương có chế độ giống với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhưng lại không có chế độ bồi dưỡng hàng tháng. Trong khi đó, lực lượng dân quân tự vệ hoạt động giống như lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, phối hợp với lực lượng công an trực và làm nhiệm vụ.

Cho rằng như vậy có sự bất cập, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cân nhắc lại nội dung này, cần quy định chế độ bồi dưỡng sao cho rõ ràng, rành mạch, không có sự so bì ở địa phương.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cũng cho rằng việc quy định chế độ vừa phải phù hợp khả năng của ngân sách, vừa phải động viên các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Điều 10 dự thảo Luật nêu rõ hỗ trợ cùng công an cấp xã nắm thông tin nhân khẩu, kiểm tra nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng, giấy tờ tuỳ thân của người đến làm ăn, sinh sống trên địa bàn phụ trách.

Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng nếu quy định như vậy sẽ dễ bị lạm dụng, không rõ trách nhiệm nếu sai phạm xảy ra. Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ nhiệm vụ của lực lượng này khi tham gia hỗ trợ công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ tiếp tục tính toán tổ chức biên chế, đánh giá tổng dự toán ngân sách bảo đảm hàng năm để báo cáo cụ thể với Quốc hội; rà soát chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để bảo đảm sự công bằng, tránh so bì với các lực lượng khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục