Thủ tướng Australia Scott Morrison vừa tuyên bố nước này vẫn còn "rất nhiều tuần nữa" mới có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
"Nội các Quốc gia Australia" thành lập ngày 13/3 gồm Thủ tướng Morrison cùng các bộ trưởng và các nhà lãnh đạo vùng lãnh thổ, dự kiến sẽ nhóm họp trong tuần này để "xem xét các điều kiện tiên quyết."
Tuy nhiên, phát biểu trên kênh truyền hình Nine Network sáng 14/4, Thủ tướng Morrison nhấn mạnh trong "nhiều tuần tới" sẽ chưa bãi bỏ các biện pháp được ban hành nhằm làm chậm tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19, trong đó có thời hạn cách ly bắt buộc, các quy định về giãn cách xã hội và tạm ngừng các hoạt động kinh doanh không thiết yếu.
Thủ tướng Morrison nêu rõ đang xem xét các điều kiện, cũng như cân nhắc để tránh phạm phải sai lầm trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Ông cũng khẳng định chính phủ liên bang, chính quyền các bang và vùng lãnh thổ sẽ tích cực làm việc để nâng cao chất lượng hệ thống y tế của Australia trước khi nới lỏng bất kỳ biện pháp hạn chế nào.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt đã nêu 3 phép thử mà nước này cần phải vượt qua trước khi chính phủ dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội nhằm chống đại dịch COVID-19.
Phép thử thứ nhất là giảm bền vững các ca nhiễm COVID-19. Tốc độ lây lan đại dịch tại Australia đã chậm lại đáng kể trong tháng Tư này khi tỷ lệ tăng số ca nhiễm mới trong ngày giảm dưới 2% so với mức hơn 20% ghi nhận hồi tháng Ba.
Số ca mắc bệnh tăng ở mức dưới 50% trong ngày thứ 2 liên tiếp khi tính tới sáng 14/4, Bộ Y tế nước này ghi nhận tổng cộng 6.366 ca nhiễm bệnh, tăng 44 ca so với ngày 13/4, trong khi số ca tử vong vẫn ở mốc 61. Hơn một nửa trong 6.366 ca đã khỏi bệnh.
Tuy nhiên, giới chức y tế nước này cảnh báo sẽ phải mất vài tuần trước khi có thể đánh giá đúng mức độ thành công của Australia trong việc ngăn chặn dịch bệnh.
Phép thử thứ hai là khả năng phản ứng nhanh trong việc phát hiện, ứng phó, kiểm soát, cách ly và theo dõi bất kỳ ổ dịch tiềm năng nào.
Phép thử thứ ba là xây dựng một kế hoạch "thoát hiểm," trong đó có khả năng một số tiểu bang và vùng lãnh thổ có thể cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại sớm hơn các nơi khác.
Bộ trưởng Greg Hunt tiết lộ Australia đang tham khảo kế hoạch ứng phó với COVID-19 của các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore, song ông khẳng định việc cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại sẽ được tính toán kỹ, thực hiện theo từng bước để đảm bảo không có sự gia tăng đột biến các ca nhiễm bệnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg cảnh báo do đại dịch COVID-19, tỷ lệ thất nghiệp của nước này sẽ ở mức 10% trong quý kết thúc vào tháng 6/2020, tăng gần gấp đôi so với mức 5,1% theo số liệu dự báo gần nhất.
Theo dự báo của Bộ Ngân khố, nếu không nhờ tới gói trợ cấp lương JobKeeper của Chính phủ Australia trị giá 130 tỷ AUD (83,2 tỷ USD) - có hiệu lực vào tháng Năm tới, tỷ lệ thất nghiệp thậm chí có thể ở mức cao kỷ lục là 15%.
Bộ trưởng Frydenberg nhận định số liệu trên chứng tỏ các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ nước này đang phát huy hiệu quả.
Ông cũng cho biết thêm Chính phủ Australia gần đây đã trích 320 tỷ AUD (205,34 tỷ USD), tương đương 16,4% trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), để hỗ trợ hệ thống tài chính, các doanh nghiệp, hộ gia đình và các cá nhân tại Australia chịu tác động do COVID-19.
Tổ hợp truyền thông Australia dẫn nhiều báo cáo nêu rõ tỷ lệ thất nghiệp 10% sẽ tương đương với 1,4 triệu công dân nước này không có việc làm. Và đây sẽ là lần đầu tiên tỷ lệ thất nghiệp tại Australia tăng cao gấp đôi so với các mốc ghi nhận từ tháng 4/1994.
Cũng tại Australia, đại diện nhiều trường đại học dự đoán cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ làm mất đi tới 21.000 việc làm trong vòng 6 tháng tới.
Bộ trưởng Giáo dục Australia Dan Tehan ngày 12/4 tuyên bố dành gói hỗ trợ 18 tỷ AUD (11,5 tỷ USD) cho bậc đại học.
Thông báo này đã nhận được sự hoan nghênh của 39 trường đại học, song các trường cho rằng điều đó là chưa đủ để có thể giúp bảo vệ việc làm cho người lao động.
Trong khi đó, báo The Australian dẫn thông tin tiết lộ hồi tháng 4 này của Đại học Melbourne - nằm trong danh sách các trường đại học tốp đầu của Australia và đứng thứ 32 trường tốt nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Times năm 2020, cho thấy doanh thu của nhà trường có thể sẽ sụt giảm 500 triệu AUD (319,6 triệu USD) chỉ riêng trong năm nay./.