Cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra cho nền kinh tế toàn cầu có thể rất lớn, song mới chỉ là phần nổi nhìn thấy được của tảng băng chìm. Những tác động xã hội, hay nói cách khác là những biến động trong cuộc sống con người trên toàn cầu trong “kỷ nguyên” COVID-19 không chỉ nặng nề mà còn để lại hệ quả lâu dài cho nhiều thế hệ sau.
Đại dịch COVID-19 có thể coi là cú đòn hiểm hóc nhằm vào lộ trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc, đặc biệt là mục tiêu cơ bản nhất - giảm đói nghèo. COVID-19 đã làm suy kiệt nguồn lực của những quốc gia nghèo nhất thế giới, hủy hoại những nỗ lực chống đói nghèo mà thế giới đã vất vả đạt được những năm qua.
Trong báo cáo tổng kết năm 2020, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thừa nhận thế giới có thêm khoảng 100 triệu người bị đẩy trở lại tình trạng đói nghèo và đây cũng là lần đầu tiên chỉ số nghèo đói trên toàn cầu tăng kể từ năm 1998.
Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định đại dịch COVID-19 có thể đẩy 150 triệu người trên thế giới vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2021. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cảnh báo 207 triệu người có nguy cơ bị đẩy vào cảnh nghèo đói cùng cực trước năm 2030 nếu quá trình phục hồi kinh tế phải mất nhiều thời gian.
Khi đại dịch COVID-19 cản trở các hệ thống cung ứng lương thực, nạn đói càng trở nên trầm trọng hơn tại nhiều khu vực. Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) nhấn mạnh đại dịch sẽ khiến khoảng 83-132 triệu trẻ bị suy dinh dưỡng.
Liên hợp quốc dự báo năm 2021, cứ 33 người thì sẽ có 1 người cần được viện trợ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản như lương thực, nước sạch và vệ sinh, tăng 40% so với năm nay - năm có tỷ lệ người cần viện trợ cao nhất trong nhiều thập niên qua.
Giáo dục là một trong những lĩnh vực chịu hệ lụy nặng nề nhất khi đại dịch tạo ra sự gián đoạn hệ thống giáo dục lớn nhất trong lịch sử, ảnh hưởng tới gần 1,6 tỷ học sinh-sinh viên (chiếm khoảng 94%) trên toàn thế giới. Theo Liên hợp quốc, gần 24 triệu trẻ em có nguy cơ không thể quay lại trường học trong năm 2020.
COVID-19 đã tước đoạt cơ hội học tập của trẻ em tại các quốc gia nghèo, bởi học sinh tại các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp hầu như không có khả năng tiếp cận các phương pháp giáo dục từ xa. Riêng châu Phi, số trẻ em thiệt thòi này chiếm hơn 50% trong khoảng 65 triệu trẻ em phải ở nhà do trường đóng cửa. Ngay cả khi trường mở cửa trở lại, gánh nặng kinh tế khiến đa số các em phải bỏ học.
Cuộc khủng hoảng dịch bệnh khiến thế giới phải chứng kiến tình trạng thất học, bạo lực, lao động trẻ em, nạn tảo hôn, mang thai ở tuổi vị thành niên và suy dinh dưỡng… tăng mạnh, đặc biệt ở trẻ em châu Phi. Về dài hạn, do tình trạng không được tới lớp và tỷ lệ bỏ học tăng cao, thế hệ học sinh hiện tại có nguy cơ mất khoản 10 tỷ USD thu nhập trong tương lai, tương đương 10% GDP toàn cầu.
Nếu như COVID-19 gây ra tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu tồi tệ nhất mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải đối mặt, thì những hệ lụy lâu dài của đại dịch đối với mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn cầu còn khủng khiếp hơn cản trở quyền tiếp cận dịch vụ y tế của hàng triệu người.
Một khảo sát do WHO tiến hành tại hơn 100 quốc gia cho thấy COVID-19 tác động nhiều nhất tới dịch vụ tiêm chủng định kỳ (70%), tiếp đó là kế hoạch hóa gia đình (68%), chẩn đoán và điều trị ung thư (55%). COVID-19 đang làm đình trệ hầu hết các chiến dịch tiêm chủng định kỳ trên toàn cầu.
WHO cảnh báo tỷ lệ tiêm chủng vắcxin ở trẻ em nhằm phòng ngừa các căn bệnh nguy hiểm như sởi, uốn ván, bạch hầu... đã giảm ở mức đáng báo động, dẫn tới nguy cơ số trẻ mắc bệnh và tử vong do không được tiêm phòng đầy đủ chống những căn bệnh trên sẽ nhiều hơn do virus SARS-CoV-2. Ít nhất 30 chiến dịch tiêm phòng sởi đã phải hủy bỏ, đồng nghĩa khoảng 100 triệu trẻ em trên thế giới bị tước cơ hội được bảo vệ mạng sống trước căn bệnh gây chết người này.
Trong đại dịch COVID-19, áp lực kinh tế và xã hội cùng với các biện pháp hạn chế di chuyển đã làm tỷ lệ phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới bị bạo lực gia tăng từ 30-300%, theo thống kê mới nhất của Liên hợp quốc.
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tuyên bố đẩy lùi nạn bạo hành phụ nữ và trẻ em trở thành một phần quan trọng trong công tác ứng phó với đại dịch COVID-19, bởi tình trạng này chính là “đại dịch bóng tối” đe dọa sức khỏe, tinh thần và cả sinh mạng của phụ nữ và trẻ em ngay trong chính ngôi nhà của họ.
[Đại dịch COVID-19: Những điều chưa từng có tiền lệ]
Vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em thông qua các trang mạng xã hội cũng gia tăng đáng báo động. Các nhà điều tra Australia đã ghi nhận số vụ trẻ em bị lạm dụng tình dục trực tuyến tăng tới 136%. Chỉ từ tháng 3 đến tháng 5, số vụ việc này thậm chí tăng 260% ở Philippines.
Ngay cả đời sống tinh thần của con người cũng chịu tác động của đại dịch. Không chỉ hoạt động đi lại, giao tiếp bị đình trệ do các biện pháp hạn chế chống dịch mà đến lĩnh vực văn hóa-thể thao, vốn thu hút hàng triệu người tham gia, cũng bị “đóng băng” hàng loạt.
Đại hội Thể thao thế giới Olympic Tokyo 2020 phải lùi một năm (tới ngày 23/7/2021), tương tự là Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2020) và Giải vô địch bóng đá Nam Mỹ Copa America. Lần đầu tiên trong lịch sử 124 năm tồn tại, giải chạy marathon lâu đời nhất thế giới Boston Marathon bị hủy. Giải đua xe Công thức 1 (F1) đã không thể tổ chức chặng đua tại Hà Nội (Vietnam Grand Prix), Thượng Hải (Trung Quốc) hay Melbourne (Australia)...
Các sự kiện văn hóa lớn như lễ trao các giải thưởng Nobel, Oscar, Quả cầu Vàng, Emmy…hay các buổi biểu diễn nghệ thuật đều phải thay đổi. COVID-19 cũng đã "khóa chặt" các rạp chiếu phim trên thế giới từ giữa tháng 3/2020. Tới nay, vẫn còn tới 64% các rạp chiếu ở Bắc Mỹ - thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới - vẫn đang đóng cửa.
Có thể ví COVID-19 như một cơn địa chấn làm chao đảo xã hội, tác động mạnh tới nhiều khía cạnh cuộc sống của con người, để lại những hệ lụy nặng nề, đặc biệt đối với nhóm người yếu thế và dễ bị tổn thương. Điều quan trọng hơn, những tác động này càng làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, khoét sâu thêm những hố sâu ngăn cách giàu nghèo.
Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực, COVID-19 buộc con người phải thay đổi cách thức làm việc, sinh hoạt và giao tiếp để thích nghi với trạng thái bình thường mới, đồng thời thay đổi cả nhận thức.
Đó là lý do khiến Liên hợp quốc coi việc hỗ trợ hàng triệu người ít có khả năng tự bảo vệ mình nhất là vấn đề cốt yếu trong cuộc chiến chống đại dịch. Theo Tổng thư ký Antonio Guterres, trong bất kỳ bước thay đổi nào để thích nghi với dịch COVID-19, các nhóm đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương cần được ưu tiên. Ở quy mô quốc gia, nhiều nước đã triển khai các chính sách hỗ trợ phù hợp giúp người dân vượt qua những cú sốc xã hội do COVID-19.
Mỹ đã dành phần lớn gói cứu trợ trị giá 2.200 tỷ USD để trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ người ngheò bị ảnh hưởng của đại dịch. Nhật Bản cũng thông qua hai gói cứu trợ tổng giá trị lên đến 2.200 tỷ USD, tập trung vào ứng phó những tác động tiêu cực của dịch đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp. Italy ngay tháng 3 đã công bố gói biện pháp cung cấp tem phiếu mua sắm, cung cấp thực phẩm... trị giá 4,7 tỷ euro hỗ trợ những người bị dịch bệnh tác động nhiều nhất..
Tại Việt Nam, bên cạnh các biện pháp chống dịch quyết liệt nhằm bảo đảm sức khỏe và mạng sống của người dân, Chính phủ đặc biệt ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo an ninh lương thực và cuộc sống tối thiểu, ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt là người nghèo, người thất nghiệp và các nhóm dễ bị tổn thương khác.
Chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đã được cụ thể hóa thông qua gói an sinh xã hội có quy mô gần 62.000 tỷ đồng được triển khai từ đầu tháng 4. Việt Nam cũng tiếp tục nỗ lực phục hồi kinh tế hậu đại dịch, hướng tới thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững, với cam kết không để ai lại phía sau.
Tuy nhiên, trên quy mô toàn cầu, Liên hợp quốc vẫn kêu gọi những nỗ lực toàn diện và bao trùm hơn nữa, đặc biệt là cam kết của các nước giàu trong hỗ trợ các nước nghèo, từ việc hoãn nợ tới phân phối vắcxin ngừa COVID-19.
Tổng thư ký Guterres đã khẳng định COVID-19 là thách thức nghiêm trọng nhất cộng đồng quốc tế phải đối mặt với kể từ sau Chiến tranh thứ giới thứ Hai bởi nó đã đe dọa tới tất cả mọi người trên thế giới. Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về ứng phó với đại dịch COVID-19 thông qua ngày 11/9 xác định, hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương và tinh thần đoàn kết là cách thức duy nhất để thế giới ứng phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng toàn cầu này.
Trong những ngày cơn địa chấn COVID-19 làm chao đảo cuộc sống của hàng triệu người, tại Italy, khi những đường phố như thể bị bỏ hoang vì lệnh phong tỏa toàn quốc, chiều chiều, người dân vẫn ra ban công trò chuyện và hát cùng nhau, vỗ tay theo giai điệu để thể hiện sự tri ân với các y bác sĩ tuyến đầu. Phong trào “ban công hy vọng” trong thời điểm Italy đi đại dịch tàn phá nặng nề đã khơi dậy tinh thần mạnh mẽ của người dân trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Chỉ trong 2 ngày, hơn 1.000 người từ 18 quốc gia trên thế giới đã cùng hát "They Long To Be (Close To You)", một bản ballad bất hủ của ban nhạc The Carpenters. Những video clip tưởng chừng như rời rạc do có quá nhiều điểm cầu này sau đó đã được tập hợp lại thành một bản đồng ca giàu ý nghĩa, phát đi một thông điệp: cùng nhau vượt qua.
Tại Việt Nam, hơn 30 nghệ sỹ và chuyên gia truyền cảm hứng đã thực hiện chương trình hòa nhạc trực tuyến marathon "Hồi sinh" kéo dài liên tục 6 giờ, với mong muốn lan tỏa thông điệp sẻ chia đến với toàn xã hội, kêu gọi và khơi dậy lòng hảo tâm của mỗi người dành cho những người yếu thế, gặp khó khăn trong và sau đại dịch.
Đại dịch có thể khiến mọi người không được gặp mặt trực tiếp, nhưng không thể ngăn cản con người trên toàn cầu kết nối với nhau, để động viên lẫn nhau và cùng khẳng định rằng thế giới đang cùng đối mặt và cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 chưa từng có tiền lệ bằng tinh thần sẻ chia./.
Đại dịch COVID-19: Những điều chưa từng có tiền lệĐại dịch COVID-19: “Sát thủ vô hình” tàn phá nền kinh tế thế giới