Đại dịch COVID-19 gây chia rẽ chính trị nước Mỹ như thế nào?

Những người thuộc đảng Dân chủ của Mỹ cho rằng việc đưa mọi người trở lại làm việc và hoạt động trong các cộng đồng sẽ sớm dẫn đến sự bùng phát của virus SARS-CoV-2.
Đại dịch COVID-19 gây chia rẽ chính trị nước Mỹ như thế nào? ảnh 1Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 6/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo AP, các vấn đề mang tính sống còn đã gây chia rẽ chính trị sâu sắc ở nước Mỹ. Các thống đốc thuộc đảng Cộng hòa, được hối thúc bởi Tổng thống Donald Trump, đang thực hiện những bước đầu tiên nhằm mở lại các thành phần kinh tế ở bang của họ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn và không tuân thủ các hướng dẫn riêng của tổng thống.

Các thống đốc thuộc đảng Dân chủ chủ yếu giữ nguyên các lệnh “ở nhà” nghiêm ngặt và đóng cửa kinh doanh không cần thiết, chống lại các nhóm phản đối nhỏ ủng hộ ông Trump và áp lực công khai từ tổng thống.

Sự rạn nứt này rất quen thuộc, phơi bày những chia rẽ khu vực và nhân khẩu học giống nhau mà ngày càng giúp xác định hoạt động chính trị của nước Mỹ, cũng như sự khác biệt rõ ràng theo các cách mà các đảng phái nhìn nhận về vai trò của chính phủ đối với đời sống của người dân Mỹ.

Tuy nhiên, lợi ích của nó còn vượt xa hơn các rủi ro và thành quả thông thường của một chu kỳ bầu cử khi đặt y tế và phúc lợi của hàng triệu người Mỹ vào thế cân bằng.

Ông Julian Zelizer, Giáo sư lịch sử chính trị tại trường Đại học Princeton, nói: “Chúng ta hãy tưởng tượng rằng trong thời kỳ khủng hoảng, điều đó sẽ làm giảm bớt một số sự chia rẽ chính trị mà chúng ta thấy trong thời kỳ bình thường. Tuy nhiên, mỗi khi chúng ta trải qua một cuộc khủng hoảng, dù đó là khủng hoảng nhỏ hay nghiêm trọng, sự chia rẽ chính trị ngay lập tức xuất hiện trở lại."

Có thể mất vài tháng trước khi hậu quả cuối cùng của các lệnh phong tỏa và mở cửa trở lại sẽ được cảm nhận thấy. Các quan chức y tế thừa nhận rằng không có một biện pháp chung nào tồn tại và các quyết định được đưa ra bởi các bang phụ thuộc vào các yếu tố như mật độ dân số, các nguồn lực y tế và năng lực xét nghiệm.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận cũng có lúc diễn ra các cuộc tranh luận chính trị về việc khi nào và làm thế nào các bang nên bắt đầu nới lỏng các hạn chế xã hội. Và phần lớn các bang chịu ảnh hưởng bởi ông Trump, người bắt đầu thảo luận nối lại hoạt động của các doanh nghiệp gần như ngay khi chúng bị đóng cửa, nhận thức rõ rằng triển vọng tái cử của Trump vào tháng 11 tới có thể phụ thuộc vào sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.

Đảng Dân chủ cho biết họ cũng quan tâm đến sức khỏe kinh tế của quốc gia và muốn hàng triệu người Mỹ trở lại với công việc. Tuy nhiên, hầu hết những người thuộc đảng Dân chủ đang theo sát các cảnh báo của các quan chức y tế hàng đầu, cho rằng việc đưa mọi người trở lại làm việc và hoạt động trong các cộng đồng sẽ sớm dẫn đến sự bùng phát của virus và nhiều người chết hơn.

[Số ca mắc dịch bệnh COVID-19 tại Mỹ vượt mốc 1 triệu người]

Thống đốc bang Michigan, bà Gretchen Whitmer, hôm 21/4 phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP: “Điều tồi tệ nhất là chúng ta nghĩ mình đã ra khỏi vùng nguy hiểm, nhưng rồi lại nhận thấy một đỉnh dịch khác của COVID-19."

Bình luận của bà Whitmer diễn ra một ngày sau khi các thống đốc đảng Cộng hòa ở Georgia, Nam Carolina và Tennessee - tất cả đều là đồng minh trung thành của ông Trump - đưa ra các bước đi để bắt đầu cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại trong vài ngày tới.

Họ đi trước một vài bước so với các thống đốc khác của đảng Cộng hòa, những người cũng đã thúc đẩy mở cửa trở lại các doanh nghiệp.

Một ngoại lệ là bang Colorado, nơi Thống đốc đảng Dân chủ Jared Polis có kế hoạch cho phép các đơn đặt hàng tại chỗ trên toàn bang kéo dài đến ngày 26/4.

Ông Polis nói: “Mỗi doanh nghiệp đều quan trọng. Tất cả những gì người dân làm là cần thiết. Việc đặt mọi thứ vào những chiếc rổ quan trọng và không quan trọng thực sự là khó chịu. Không ai nghĩ thế giới lại hoạt động như thế này."

Trong một cuộc thăm dò dư luận do hãng tin AP và Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Công cộng NORC đồng thực hiện và công bố trong tháng này, 78% người dân Mỹ ủng hộ các hạn chế giãn cách xã hội để giảm bớt đại dịch. Tuy nhiên, các chính trị gia ở cả hai đảng đều nhận ra rằng sự kiên nhẫn của dân chúng có thể giảm dần trong những tuần và tháng tới khi họ tiếp tục bị mất việc làm và khó khăn kinh tế chồng chất hơn.

Về mặt chính thức, ông Trump cho phép các thống đốc bang đưa ra các quyết định nới lỏng hạn chế. Tuần trước, Trump đã công bố một loạt hướng dẫn cho các bang khuyến nghị mở lại các ngành nghề kinh tế dựa trên tỷ lệ nhiễm bệnh của bang mình cũng như các hệ thống xét nghiệm và theo dõi mạnh mẽ mà sẽ cho phép các bang nhanh chóng thiết lập các lệnh hạn chế trở lại nếu dịch bệnh mới xảy ra.

Tuy nhiên, tổng thống gần như ngay lập tức “cắt xén” hướng dẫn của chính mình, khuyến khích những người ủng hộ trên Twitter “giải phóng” cho một số bang chưa đáp ứng điều kiện cho việc mở cửa trở lại theo giai đoạn. Tất cả các bang mà ông Trump chọn đều do các thống đốc đảng Dân chủ lãnh đạo: Michigan, Minnesota và Virginia, nơi ông cũng liên kết vấn đề này với quyền sở hữu súng đạn. Không ai cho đến nay chấp nhận yêu cầu của ông Trump.

Cách người dân Mỹ đang trải qua đại dịch được định hình bởi nơi họ sinh sống. Nhiều khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nơi lệnh “ở nhà” là chặt chẽ nhất, đều là các thành phố đông dân của các bang tự do, bao gồm New York và California. Những bang ít dân hơn, có khuynh hướng bảo thủ, cho đến nay tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn và thường có ít hạn chế hơn. Tuy nhiên, virus đã không lan mạnh ở các bang chủ chốt của các đảng.

Theo dữ liệu do Đại học Johns Hopkins tổng hợp, 15 bang có số người nhiễm và tử vong hàng đầu vì COVID-19 bao gồm các bang nghiêng về đảng Dân chủ, các bang nghiêng về đảng Cộng hòa và các bang do dự giữa hai đảng trong các cuộc bầu cử liên bang và tổng thống.

Trong số những bang này, Georgia đã ghi nhận gần 20.000 ca nhiễm và hơn 770 ca tử vong. Ngày 20/4, Thống đốc bang Georgia thuộc đảng Cộng hòa Brian Kemp tuyên bố rằng các phòng tập thể dục, tiệm làm tóc, sân chơi bowling và các doanh nghiệp khác có thể bắt đầu mở cửa trở lại vào cuối tuần này và nhiều hạn chế hơn sẽ được dỡ bỏ trong những ngày tới.

Quyết định của ông Kemp, một người ủng hộ trung thành của Trump ở một bang đang ngày càng tiến đến trở thành tâm dịch, đã vấp phải sự tức giận của những người thuộc đảng Dân chủ ở bang này.

Bà Stacey Abrams, người thua sát nút ông Kemp trong năm 2018 và được coi là một lựa chọn cho chức phó tổng thống nếu ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng, đã nói về quyết định của Thống đốc Kemp: “Điều này là không thể hiểu nổi."

Khi công bố quyết định của mình, ông Kemp thừa nhận rằng Georgia có khả năng chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm virus và tử vong, khi các doanh nghiệp bắt đầu mở cửa. Ông thừa nhận mạo hiểm bao giờ cũng có cái giá của nó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.