Đại diện Cục Địa chất đề xuất ưu tiên vốn cho điều tra khoáng sản

Theo quy hoạch, đến hết năm 2020 Bộ Tài nguyên và Môi trường phải hoàn thành 56 đề án đánh giá khoáng sản nhưng hiện mới hoàn thành 22 đề án; địa chất khoáng sản biển mới hoàn thành 41.100/97.431 km2.
Công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến năm 2020 không hoàn thành mục tiêu. (Ảnh minh họa. Nguồn: PV/Vietnam+)

Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - ông Trần Mỹ Dũng cho biết điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản là giải pháp quan trọng để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản, phát triển bền vững công nghiệp khai khoáng và bảo vệ môi trường của đất nước.

Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đã không hoàn thành mục tiêu. Một trong những lý do chính - đó là công tác điều tra không được cấp đủ vốn.

Hàng loạt hạn chế, bất cập trong quản lý

Theo báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW vừa được Cục Địa chất Việt Nam gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2012 đến năm 2021, cơ quan này đã triển khai và hoàn thành 22 đề án đánh giá khoáng sản từ ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Cục Địa chất Việt Nam đang triển khai các đề án đánh giá tổng thể khoáng sản vùng Tây Bắc và vùng Trung Trung Bộ, trong đó có các đề án điều tra, đánh giá khoáng sản tại các tỉnh phía Bắc, cát trắng dải ven biển miền Trung.

Về tiến độ, theo quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến hết năm 2020 phải hoàn thành 56 đề án đánh giá khoáng sản. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy đến nay mới hoàn thành 22/56 đề án (đạt 39,2%).

Đối với công tác điều tra địa chất khoáng sản biển, từ năm 2012 đến năm 2021, công tác điều tra địa chất, khoáng sản, địa chất môi trường và tai biến địa chất vùng biển Việt Nam từ 0-30m nước tỷ lệ 1:100.000 đã hoàn thành 5 dự án với trên diện tích 18.388 km2.

Ngoài ra, Cục Địa chất Việt Nam đã hoàn thành dự án “Điều tra địa mạo, địa chất, khoáng sản một số đảo và cụm đảo lớn, quan trọng.”

Như vậy, tổng cộng, tính cả trước năm 2012, công tác điều tra địa chất khoáng sản biển mới hoàn thành 41.100 km2, đạt 42,19% (trong khi tổng diện tích biển ven bờ 0-30m nước là 97.431 km2). Kết quả này đã không hoàn thành mục tiêu đề ra.

Tình trạng sạt lở do hoạt động khai thác cát trái phép tại tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Thẳng thắn chỉ ra hạn chế, yếu kém và nguyên nhân khiến công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 không hoàn thành mục tiêu đề ra, ông Dũng cho rằng một trong những nguyên nhân chính là không đủ vốn cấp.

Nêu con số dẫn chứng, ông Dũng cho biết ngân sách Nhà nước mới chỉ đáp ứng được 52,82% nhu cầu thực tế cho công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản. Trong khi công tác điều tra địa chất, khoáng sản biển trên toàn diện tích khó khả thi do thiếu phương tiện, thiết bị, vốn điều tra và do tình hình Biển Đông phức tạp.

Bên cạnh đó, mục tiêu khuyến khích hợp tác điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến một số loại khoáng sản ở nước ngoài cũng không đạt kỳ vọng mong muốn. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp còn thiếu thông tin, thiếu vốn và năng lực, cũng như các chính sách, yêu cầu của các nước sở tại còn nhiều khó khăn.

Mặt khác, chính sách bảo vệ, sử dụng và dự trữ tài nguyên khoáng sản cũng không được thực hiện triệt để bởi thiếu sự phối hợp giữa chính quyền các cấp, các ngành, các địa phương lân cận trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, không phép, khai thác không đúng với giấy phép được cấp.

Ngoài ra, chính sách bảo vệ môi trường thực hiện chưa triệt để. Nguyên nhân là bởi công nghệ chế biến khoáng sản ở nước ta phần lớn lạc hậu; khai thác khoáng sản trái phép (nhất là khai thác cát trái phép) xảy ra trên phạm vi nhiều tỉnh không được kịp thời ngăn chặn; chưa có chế tài nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp chưa thực hiện triệt để các giải pháp bảo vệ môi trường đã được phê duyệt...

Điều tra cơ bản phải đi trước một bước

Đưa ra lời giải cho thực trạng trên, Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam - ông Trần Mỹ Dũng cho rằng điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản cần phải đi trước một bước và phải được tiến hành trên toàn bộ phần đất liền và vùng biển, thềm lục địa Việt Nam. Đây cũng là yêu cầu để điều tra, đánh giá đầy đủ các điều kiện địa chất, tiềm năng tài nguyên khoáng sản và các tài nguyên địa chất khác.

Theo đó, Cục Địa chất Việt Nam kiến nghị sửa đổi Luật Khoáng sản nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về khoáng sản, cũng như thúc đẩy hoạt động điều tra cơ bản về địa chất, địa chất về khoáng sản và hoạt động khoáng sản trong giai đoạn mới.

Cần ưu tiên đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Cụ thể, luật cần bổ sung, hoàn thiện quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp và khả thi để thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; xây dựng bổ sung các quy định về kỹ thuật đối với nhiệm vụ điều tra địa chất đô thị, điều tra tai biến địa chất, địa chất công trình, lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 vùng đồng bằng và ven biển.

Cùng với đó, luật cần hoàn thiện định mức kinh tế kỹ thuật, bộ đơn giá sản phẩm phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, công nghệ khi thực hiện các nhiệm vụ điều tra, nhất là các dạng công việc chưa có quy định đầy đủ, phù hợp, theo hướng khuyến khích người lao động nâng cao chất lượng, tập trung điều tra chuyên môn sâu…

Song song với việc sửa đổi cơ chế chính sách, Cục Địa chất Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ có kế hoạch bố trí vốn để thực hiện các nhiệm vụ; đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản của Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch 680) nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng, mục tiêu đề ra.

Trong đó, Chính phủ cần ưu tiên đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ cấp thiết, nhiệm vụ trọng tâm để đảm bảo thực hiện theo tiến độ quy hoạch; sử dụng vốn ngân sách nhà nước cho các hoạt động điều tra địa chất phục vụ cộng đồng, phát triển kinh tế-xã hội như: Lập bản đồ địa chất, điều tra tai biến địa chất, địa chất môi trường, di sản địa chất, điều tra khoáng sản sơ bộ.

Ngoài ra, thời gian tới, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh hơn nữa trong công tác hợp tác quốc tế về nghiên cứu và dự báo khoáng sản đối với các cấu trúc sâu có tiềm năng khoáng sản; điều tra địa chất khoáng sản các vùng biển, điều tra địa chất đô thị; ứng dụng công nghệ số; tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút nguồn vốn, công nghệ của các nước tiên tiến trong điều tra địa chất, khoáng sản.

“Đặc biệt là tăng cường mua sắm các trang thiết bị, phương tiện phục vụ có hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ, nhất là phương tiện, thiết bị điều tra thực địa, đo địa vật lý có khả năng điều tra thu thập dữ liệu, lấy mẫu các vùng biển sâu, dự báo khoáng sản ở các cấu trúc sâu,” đại diện Cục Địa chất Việt Nam đề xuất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục