Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn mở 3 ngành đào tạo chất lượng cao

Năm 2019, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ bắt đầu đào tạo chương trình chất lượng cao xã hội hóa, với mức học phí từ 30 đến 35 triệu đồng/năm.
Phó hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn trao quyết định mở chương trình đào tạo chất lượng cao xã hội hóa ngành Báo chí cho Viện trưởng Viện Báo chí và Truyền thông Đặng Thị Thu Hương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sáng nay, ngày 2/5, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chính thức công bố quyết định mở ba ngành đào tạo chất lượng cao theo hướng xã hội hóa. Các ngành gồm Báo chí, Khoa học Quản lý và Quản lý thông tin.

Đây là lần đầu tiên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn mở ngành đào tạo xã hội hóa.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng nhà trường, các ngành đào tạo này sẽ được đầu tư về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, ưu tiên trong chế độ học bổng, đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của xã hội.

Cụ thể, ở ngành Khoa học Quản lý sẽ áp dụng hình thức song giảng, với sự kết hợp một giảng viên lý thuyết và một giảng viên chuyên về thực tiễn, ở trong từng môn học. Chương trình đảm bảo 50% lý thuyết và 50% thực tiễn. Hàng tháng, quý sẽ có các buổi trao đổi giữa sinh viên và các chuyên gia về các vấn đề nóng trong thực tiễn quản lý.

[Ra mắt Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học KHXH&NV]

Phó giáo sư Đào Đình Tùng, Trưởng khoa Khoa học Quản  lý cho hay, các sinh viên ở hệ chất lượng cao xã hội hóa sẽ được đi thực tế tại nước ngoài từ hai đến 3 tuần để phát triển năng lực hội nhập quốc tế, điều chưa từng được triển khai trước đây. Khoa cũng sẽ ký hợp tác với Văn phòng Quốc hội, hợp tác với ủy ban nhân dân các tỉnh để các sinh viên có cơ hội thực tập, tiếp cận với các vấn đề “bếp núc” của việc làm chính sách.

Với ngành Quản lý thông tin, thuộc Khoa Thông tin thư viện, việc đào tạo gắn với thực tế cũng được nhấn mạnh. Trong chương trình đào tạo sẽ có một học kỳ doanh nghiệp. Thời lượng đào tạo thực tế chiếm 20 tín chỉ. Ngành cũng chú trọng đào tạo ngoại ngữ với mục tiêu đầu ra đạt trình độ tiếng Anh mức C1, ielts từ 6 đến 6.5 điểm, vượt so với quy định chung là trình độ B2.

Với ngành Báo chí, theo tiến sỹ Nguyễn Sơn Minh, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, chương trình đào tạo chất lượng cao sẽ có 20% thời lượng được giảng dạy bằng tiếng Anh. Sinh viên được đào tạo theo hướng có khả năng tác nghiệp đa loại hình báo chí và được tiếp cận thực tế ngay từ năm đầu tiên.

Định hướng đào tạo chất lượng cao với kinh phí xã hội hóa, Phó hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn cho hay, mức học phí cho các chương trình đào tạo này từ 30 đến 35 triệu đồng/năm. Số lượng tuyển trong mùa tuyển sinh đầu tiên, năm 2019, là 30 chỉ tiêu cho mỗi ngành.

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) là trường đại học hàng đầu cả nước về lĩnh vực khoa học xã hội. Hiện trường có 25 ngành và chương trình đào tạo.

Với việc mở thêm ba chương trình đào tạo chất lượng cao xã hội hóa, trường đã nâng tổng số chương trình đào tạo lên 28 chương trình, với ba loại hình đào tạo đại học chính quy, gồm đào tạo đại trà, đào tạo chất lượng cao và đào tạo chất lượng cao xã hội hóa. Tổng quy mô tuyển sinh của trường năm 2019 là gần 2.000 chỉ tiêu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục