Đại học Luật Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Đại học Luật Hà Nội chủ động, tích cực nghiên cứu vượt trước về pháp lý, làm tiền đề cho việc xây dựng và hoạch định chính sách, chiến lược lớn.
Đại học Luật Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai. (Ảnh: Đại học Luật Hà Nội)

Ngày 10/11, Đại học Luật Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai.

Được Hội đồng Chính phủ ban hành quyết định thành lập ngày 10/11/1979 với tên gọi Trường Đại học Pháp lý Hà Nội với cơ cấu tổ chức khiêm tốn ban đầu với 67 cán bộ biên chế, đến nay Đại học Luật Hà Nội đã có cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh với tổng biên chế hơn 400 người. Trường có 308 giảng viên, là cơ sở có nhiều giảng viên có trình độ tiến sỹ và học hàm nhất trong các cơ sở đào tạo luật của Việt Nam với 4 giáo sư, 38 phó giáo sư, 81 tiến sỹ luật. 

Đại học Luật Hà Nội cũng là cơ sở đào tạo luật duy nhất có đầy đủ các chuyên ngành đào tạo luật ở bậc cao học và nghiên cứu sinh. Ngoài chương trình đào tạo trong nước, trường còn có các chương trình đào tạo liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín trên thế giới. Từ quy mô đào tạo ban đầu với chỉ 1.000 sinh viên, học viên, đến nay, quy mô đào tạo của trường là hơn 15.000 sinh viên.

Bên cạnh hoạt động đào tạo, trường còn đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, truyền bá pháp lý.

Trong 40 năm hình thành và phát triển, Đại học Luật Hà Nội đã đào tạo trên 100.000 lượt cán bộ pháp luật cho cả nước. Các thế hệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp các hệ đào tạo của trường hiện đang công tác và có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực pháp luật, tư pháp của cả nước.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận và biểu dương những kết quả tích cực và đóng góp to lớn của nhà trường trong công tác đào tạo cán bộ về pháp luật cho đất nước.

[Hai học giả Việt Nam được trao tặng Huân chương Hiệp sỹ của Pháp]

Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong giai đoạn phát triển mới, hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và những biến chuyển ngày càng nhanh của các quan hệ xã hội, kinh tế, dân sự, nhiệm vụ cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là hết sức quan trọng, đòi hỏi đổi mới cách tiếp cận, tư duy pháp lý trong đào tạo, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề thực tiễn trước mắt và tương lai.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Đại học Luật Hà Nội cần tiếp tục khẳng định và giữ vai trò tiên phong trong việc nghiên cứu và phát triển khoa học pháp lý; hình thành trường phái nghiên cứu khoa học pháp lý với những thế mạnh sẵn có. Nhà trường cần chủ động, tích cực, phối hợp với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo khác để triển khai các nghiên cứu khoa học pháp lý cơ bản, phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền quốc gia, thực hiện các cam kết và hội nhập quốc tế; nghiên cứu vượt trước làm tiền đề cho việc xây dựng và hoạch định chính sách, chiến lược lớn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục