Trong nỗ lực tìm ra những đột phá trong phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trường Đại học tổng hợp Oxford của Anh ngày 3/2 thông báo sẽ khởi động một thử nghiệm y tế, theo đó sẽ tiêm xen kẽ các liều vắcxin ngừa COVID-19 của các nhà sản xuất khác nhau.
Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu tiến hành thử nghiệm kiểu này, nhằm theo dõi xem liệu các liều vắcxin ngừa COVID-19 khác nhau, có thể sử dụng thay thế nhau, cho phép tạo sự linh hoạt hơn trong bối cảnh nguồn cung vắcxin đang khan hiếm và khó khăn hiện nay.
Phó Giám đốc Cơ quan Y tế của Chính phủ Anh, Jonathan Van-Tam cho biết thử nghiệm sẽ mang lại "cái nhìn sâu hơn" về việc sử dụng các loại vắcxin ngừa COVID-19.
Ông Van-Tam nói: "Trước những thách thức lớn trong việc chủng ngừa cho một lượng lớn dân số cùng một lúc, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu không đủ đáp ứng, sẽ có nhiều lợi ích nếu chúng ta có các dữ liệu giúp tiến hành chương trình tiêm chủng linh hoạt hơn. Thậm chí có thể bằng cách kết hợp vắcxin, phản ứng miễn dịch có thể được tăng cường nhờ lượng kháng thể được tạo ra nhiều hơn và tồn tại lâu hơn."
Nghiên cứu kéo dài 13 tháng sẽ so sánh các sự kết hợp khác nhau giữa các liều cơ bản và liều tăng cường của vắcxin của AstraZeneca (của Thụy Điển và Anh) và Pfizer/BioNTech (của Mỹ và Đức) cách nhau 4 và 12 tuần.
Anh, một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai chương trình tiêm chủng, đã đi trước xu hướng quốc tế bằng cách kéo dài thời gian giữa 2 mũi tiêm lên 12 tuần nhằm có thêm nhiều người được tiêm mũi đầu tiên.
Giáo sư Matthew Snape thuộc trường Đại học Oxford gọi nghiên cứu này là "cực kỳ thú vị," cho rằng thử nghiệm mang đến những "thông tin quan trọng cho việc triển khai vắcxin ở Anh nói riêng và trên toàn cầu nói chung."
[EU có thể thiệt hại gần 110 tỷ USD do chậm tiến độ tiêm vắcxin]
Nếu nghiên cứu cho kết quả khả quan, cơ quan quản lý dược phẩm của Anh sẽ chính thức đánh giá về mức an toàn và hiệu quả của mọi loại vắcxin mới trước khi dùng cho bệnh nhân.
Bất đồng giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) về nguồn cung cấp vắcxin trở nên gay gắt trong những tuần gần đây với việc Brussels hạn chế xuất khẩu vắcxin do tiến trình giao hàng không đúng kế hoạch.
Ngày 29/1 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã công bố biện pháp nhằm tiến tới giám sát và trong một số trường hợp có thể cấm xuất khẩu vắcxin ngừa COVID-19 tại các nhà máy sản xuất đặt tại các nước thành viên EU, trong bối cảnh căng thẳng giữa khối này và hãng dược phẩm AstraZeneca gia tăng liên quan đến vấn đề giao nhận vắcxin.
Động thái này của EC đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và có nguy cơ châm ngòi mâu thuẫn với Anh, vài tuần sau khi Anh chính thức hoàn tất việc rút khỏi EU.
Căng thẳng giữa EU và AstraZeneca phát sinh sau khi hãng dược phẩm này tuyên bố cắt giảm 60% số lượng vắcxin cung cấp cho EU trong quý đầu năm 2021 do vấn đề trong khâu sản xuất.
Giới chức EU đề nghị AstraZeneca chuyển một phần trong số vắcxin sản xuất tại Anh sang cho EU. Tuy nhiên, Giám đốc Điều hành AstraZeneca, Pascal Soriot cho biết các thỏa thuận hợp đồng với Anh không cho phép công ty làm việc này.
Theo số liệu thống kê mới nhất, cho đến nay Anh đã tiến hành tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho hơn 10 triệu người, trong đó có 498.962 người được tiêm mũi thứ hai. Thủ tướng Anh Boris Johnson đặt chỉ tiêu tiêm cho 15 triệu người nằm trong đối tượng ưu tiên nhất vào giữa tháng 2 này./.