Singapore đã trở thành quốc gia châu Á đầu tiên cấp phép sử dụng vắcxin phòng bệnh COVID-19 do hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) điều chế.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, ngày 3/2, Cơ quan Khoa học y tế (HSA) Singapore cho biết đã phê duyệt và cấp phép sử dụng vắcxin của Moderna và lô hàng đầu tiên dự kiến sẽ tới nước này vào tháng 3 tới.
Quyết định được đưa ra sau khi HSA đánh giá các dữ liệu lâm sàng sẵn có và kết luận rằng vắcxin của Moderna đã chứng minh hiệu quả phòng bệnh cao tới 94%, với lợi ích vượt trội so với nguy cơ rủi ro. Con số này dựa trên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được thực hiện trên 30.000 người trong độ tuổi từ 18 tới 95.
Uỷ ban Chuyên gia về tiêm chủng ngừa COVID-19 của Singapore cũng cho biết họ đã tiến hành đánh giá độc lập về mức độ an toàn của vắcxin của Moderna cũng như tính an toàn và hiệu quả đối với các nhóm dân cư khác nhau tại Singapore. Cơ quan này cũng đã được HSA báo cáo về việc cân nhắc cấp phép sử dụng tạm thời loại vắcxin này.
Vắcxin của Moderna là loại vắcxin phòng COVID-19 thứ hai được cấp phép sử dụng tại Singapore, sau vắcxin của hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức). vắcxin của Pfizer/BioNTech đã được đưa vào chương trình tiêm chủng tại Singapore.
Theo Bộ Y tế nước này, tính tới ngày 2/2, đã có hơn 175.000 người được tiêm mũi đầu tiên của vắcxin Pfizer/BioNTech, trong đó có 6.000 người đã được tiêm mũi thứ hai.
Giới chức y tế Hàn Quốc đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình phê duyệt vắcxin phòng COVID-19 và phương pháp điều trị trong bối cảnh quốc gia Đông Bắc Á này đang đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 thứ ba.
Ngày 3/2, Bộ trưởng An toàn dược phẩm và thực phẩm Kim Gang-lip cho biết nước này đã phê duyệt quy trình nhập khẩu đặc biệt vắcxin của Pfizer/BioNTech và sẽ tiếp nhận 117.000 mũi vắcxin đủ để tiêm cho khoảng 60.000 người trong tháng này.
Quy trình trên cho phép nhập khẩu các loại thuốc cần thiết, nhưng chưa được cấp phép để đối phó với các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Remdesivir, một loại thuốc điều trị COVID-19, cũng đã được Hàn Quốc nhập khẩu theo cơ chế này.
Dự kiến, Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm cũng có kế hoạch tổ chức một cuộc họp vào ngày 6/2 tới để phê duyệt thuốc điều trị COVID-19 của tập đoàn dược phẩm khổng lồ của Hàn Quốc Celltrion Inc.
Trước đó, công ty này đã nộp đơn xin cấp phép lưu hành có điều kiện đối với thuốc điều trị COVID-19 bằng kháng thể đơn dòng CT-P59. Các kết quả nghiên cứu lâm sàng trên toàn cầu đối với CT-P59 cho thấy loại thuốc này giúp giảm đáng kể nguy cơ nhập viện và phải thở máy.
Hàn Quốc có kế hoạch bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắcxin phòng COVID-19 trong tháng này, ưu tiên các nhân viên y tế tuyến đầu.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đã thông báo các chuyên gia y tế điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại các bệnh viện và trung tâm điều trị y tế ở khu vực Seoul rộng sẽ chủng ngừa mũi đầu tiên của vắcxin phòng COVID-19.
Nhà chức trách ước tính khoảng 50.000 nhân viên y tế sẽ được tiêm chủng, tiếp theo là 780.000 người khác, bao gồm bệnh nhân tại các viện điều dưỡng và viện dưỡng lão.
[Nhật Bản gia hạn tình trạng khẩn cấp để giảm áp lực cho hệ thống y tế]
Nhằm chuẩn bị tốt cho chương trình tiêm chủng vắcxin phòng COVID-19, cùng ngày, Hàn Quốc đã tổ chức diễn tập tại sân bay quốc tế Incheon, phía Tây thủ đô Seouk, huy động các xe tải chở những thùng cấp đông đặc biệt dành cho vắcxin của Pfizer/BioNTech và Moderna và thực hiện các tình huống giả định như tấn công khủng bố, trộm cắp và sai sót trong khâu vận chuyển.
Một thùng cấp đông có thể chứa tới 60.000 liều vắcxin ở nhiệt độ âm 18 độ C trong 100 giờ. Phát biểu trong cuộc diễn tập, Tổng thống Moon Jae-in kêu gọi cần hoàn thành nhiệm vụ trong việc vận chuyển, lưu trữ và phân phối vắcxin để không xảy ra bất kỳ sai sót nào.
Trong ngày 3/2, KDCA thông báo có thêm 467 ca mắc. Nhà chức trách đã gia hạn thêm hai tuần yêu cầu giám sát việc tuân thủ giãn cách xã hội, kêu gọi người dân cảnh giác trước thềm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi hàng chục triệu người Hàn Quốc thường xuyên di chuyển trên khắp cả nước. Tuy nhiên, nếu tình hình cải thiện, chính phủ có thể nới lỏng một số biện pháp vào cuối tuần này, bao gồm cả lệnh giới nghiêm đối với nhà hàng.
Ngày 3/2, Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Agnes Pannier-Runacher cho biết một phòng thí nghiệm trong nước sẽ bắt đầu sản xuất các vắcxin phòng COVID-19 của Moderna và Pfizer/BioNTech vào tháng 3 và 4 tới.
Cuộc khủng hoảng y tế đã khiến chính phủ các nước thúc đẩy việc sản xuất các vắcxin sẵn có, vượt qua sự phản đối gay gắt về chia sẻ các bí mật sở hữu trí tuệ. Theo Đài phát thanh RTL, Bộ trưởng Pannier-Runacher cho biết một phòng thí nghiệm của hãng dược phẩm Recipharm sẽ bắt đầu sản xuất vắcxin của Moderna vào tháng 3 tới, tiếp đó đến vắcxin của Pfizer/BioNTech vào tháng 4.
Trong tháng 5, phòng thí nghiệm của hãng dược Fareva dự định sẽ sản xuất vắcxin của CureVac (Đức), vốn đang chờ được cấp phép. Cũng theo quan chức này, trong quý II, phòng thí nghiệm của hãng dược Sanofi (Pháp) sẽ bắt đầu sản xuất vắcxin của Pfizer/BioNTech.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết vắcxin Sputnik V của Nga có thể được sử dụng tại Pháp miễn là đáp ứng "tiêu chuẩn khoa học" và "các tiêu chuẩn châu Âu". Nếu Sputnik V được Cơ quan Dược phẩm châu Âu và cơ quan y tế hàng đầu của Pháp phê chuẩn, việc phân phối chế phẩm sinh học này sẽ không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Pháp đang hy vọng sẽ tránh tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 liên tục tăng. Trong ngày 2/2, nước này ghi nhận 404 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, trong khi số bệnh nhân cần được điều trị tích cực cũng tăng lên 3.270 người./.