Đại hội Biển Đông Á: Hợp tác bảo vệ tài nguyên, môi trường biển

Thông điệp mà Việt Nam muốn chuyển tới tất cả các nước trong khu vực, bạn bè quốc tế là hợp tác bảo vệ tài nguyên môi trường biển-lợi ích của chúng ta.
Các đại biểu tham dự diễn đàn. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Trong khuôn khổ Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5 năm 2015 đang diễn ra tại Đà Nẵng, cuộc họp Hội đồng đối tác Biển Đông Á và Diễn đàn “Quản lý tổng hợp vùng bờ (ICM) và Hội thảo thông điệp Việt Nam” với chủ đề “Các thực hành tốt và rào cản trong triển khai quản lý tổng hợp vùng bờ tại Việt Nam và hợp tác bảo vệ tài nguyên, môi trường biển các Biển Đông Á-Lợi ích của chúng ta” đã diễn ra.

Cùng hợp tác bảo vệ tài nguyên môi trường biển

Chủ trì và phát biểu chào mừng tại Cuộc họp Hội đồng đối tác biển Đông Á, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết sự kiện này rất đặc biệt, được tổ chức trong khuôn khổ Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5, nơi sẽ chứng kiến việc ký kết Bản thỏa thuận Đà Nẵng và thông qua một loạt các văn kiện chiến lược, như Bản Đánh giá khu vực và Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á trong giai đoạn 2016-2021, kế hoạch thực hiện chuyển đổi PEMSEA thành tổ chức tự chủ, góp phần định hướng chính sách quản lý môi trường biển của các quốc gia trong khu vực trong những năm tới.

Trong thời gian qua, việc cùng nhau xây dựng, thông qua và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á cũng như việc áp dụng một phương thức quản lý mới-phương thức quản lý tổng hợp để giải quyết các vấn đề đang tồn tại ở biển, vùng bờ biển và hải đảo các khu vực biển Đông Á nhằm khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển, vùng bờ biển và hải đảo phục vụ phát triển bền vững đã đạt những thành công ban đầu.

Trên cơ sở sử dụng cách tiếp cận tổng hợp, Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á đã phản ánh tầm nhìn chung của các nước Đông Á, thúc đẩy hợp tác để giải quyết các vấn đề có tính chất khu vực thông qua các nỗ lực của địa phương.

Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển nhấn mạnh thông điệp mà Việt Nam muốn chuyển tới tất cả các nước trong khu vực, bạn bè quốc tế là hợp tác bảo vệ tài nguyên môi trường biển-lợi ích của chúng ta.

Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam luôn coi trọng việc hợp tác với PEMSEA đồng thời đánh giá cao vai trò và đóng góp của PEMSEA trong phát triển bền vững trong khu vực các biển Đông Á; luôn mong muốn hợp tác với PEMSEA trong việc thúc đẩy Chiến lược phát triển bền vững trong khu vực các biển Đông Á để cải thiện việc lập quy hoạch tổng hợp khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển, vùng bờ biển và hải đảo; ngăn chặn, khắc phục xu thế suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường do hậu quả của sự phát triển nóng về kinh tế-xã hội và xây dựng nền kinh tế xanh.

Đối với Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo vừa được Quốc hội thông qua tháng 6/2015 sẽ là cơ sở pháp lý đầy đủ nhất cho các hoạt động khai thác, sử dụng, quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Luật này cùng các văn bản khác như Chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ quốc gia tới năm 2020, tầm nhìn 2030... sẽ tạo ra nền tảng thuận lợi để triển khai các hoạt động quản lý tổng hợp vùng bờ, góp phần đảm bảo thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á.”

Các nội dung quan trọng được nêu ra và thảo luận tại cuộc họp Hội đồng, bao gồm giới thiệu Đánh giá khu vực về Chiến lược phát triển bền vững khu vực biển Đông Á giai đoạn 2003-2015; lộ trình xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển bền vững khu vực biển Đông Á cho giai đoạn 2016-2021; lộ trình liên quan việc xây dựng và báo cáo thực trạng vùng bờ khu vực; việc ra mắt Hệ thống các trung tâm học tập PEMSEA.

Các đối tác và nhà tài trợ đã thống nhất đưa ra thông điệp và đánh giá về hợp tác với PEMSEA, định hướng tương lai của PEMSEA phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững khu vực biển Đông Á và mục tiêu sau năm 2015, sẽ được thông qua tại Diễn đàn Bộ trưởng.

Việt Nam nỗ lực phát triển bền vững vùng bờ

Năm 2000, Việt Nam đã thiết lập các dự án điểm trình diễn ICM quốc gia tại thành phố Đà Nẵng với sự hỗ trợ của PEMSEA. Bên cạnh đó có 3 điểm thí điểm tại Nam Định, Thừa Thiên-Huế và Bà Rịa-Vũng Tàu thuộc Dự án Quản lý Tổng hợp dải ven bờ (ICZM) Việt Nam-Hà Lan được thiết lập và triển khai vào năm 2000; dự án giữa Cơ quan quản lý khí quyển và đại dương Hoa Kỳ (NOAA), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Việt Nam về xây dựng năng lực ICM vùng vịnh Bắc Bộ, được khởi xướng vào năm 2002.

Những nỗ lực gần đây như Chương trình quản lý tích hợp ven biển (GIZ), Rừng ngập mặn cho tương lai (Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế -IUCN) cũng góp phần đáng kể vào việc nâng cao nhận thức, sự hiểu biết và năng lực về ICM cho Việt Nam.

Trở thành chính sách ưu tiên trong phát triển vùng bờ của Việt Nam, ICM đã góp phần nâng cao nguồn nhân lực ở cả cấp Trung ương và địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 158/2007 phê duyệt Chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (bao gồm 14 tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam từ Thanh Hóa đến Bình Thuận.

Kể từ khi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) được thành lập, Tổng cục đã triển khai có hiệu quả nhiều nhiệm vụ quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về tài nguyên môi trường biển và hải đảo, bao gồm việc phát triển các chính sách và luật biển, tiến hành điều tra cơ bản, theo dõi, nghiên cứu về biển và vùng bờ. Đặc biệt, việc phê duyệt Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ tháng 12/2014 đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong nỗ lực theo đuổi phát triển bền vững vùng bờ.

Các tham luận chính tại diễn đàn tập trung vào việc xem xét, đánh giá các nhu cầu và cơ hội hợp tác trong việc bảo tồn và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường tại các biển Đông Á; quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản ở Việt Nam; hợp tác Việt Nam-Philippines về ngăn ngừa và ứng phó sự cố tràn dầu; triển khai Kế hoạch hành động quốc gia cho quá trình thực hiện Chiến lược ICM Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về nhu cầu, cơ hội và thách thức trong việc thúc đẩy và tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia vùng biển Đông Á khác, trong việc bảo tồn và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường cho phát triển bền vững các biển Đông Á.

Thông qua Diễn đàn đã có nhiều kiến nghị, đề xuất được thảo luận liên quan tới việc thực hiện ICM; quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường các biển Đông Á; hành động chiến lược cho việc thực hiện Chiến lược quốc gia ICM và kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á ở Việt Nam (chính sách, thể chế; phát triển năng lực; kiến thức, quản lý thông tin và nâng cao nhận thức; tài chính và cơ chế đầu tư; các hỗ trợ khoa học và hợp tác quốc tế); Tuyên bố và cam kết nhằm hợp tác trong việc bảo tồn và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường cho phát triển bền vững các biển Đông Á./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục