Đại hội đồng IPU-132: Việt Nam là thành viên tích cực trong IPU

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức cấp Nhà nước về Đại hội hội đồng IPU-132 trả lời phỏng vấn xung quanh sự kiện sẽ diễn ra tại Hà Nội từ 28/3 đến 1/4 này.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng phát biểu tại cuộc họp báo công bố chương trình và nội dung Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Việt Nam vinh dự được Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lựa chọn là nước chủ nhà đăng cai tổ chức kỳ Đại hội đồng lần thứ 132 tại Hà Nội từ ngày 28/3 đến ngày 1/4.

Trước sự kiện chính trị-ngoại giao có ý nghĩa hết sức to lớn này, phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức cấp Nhà nước về Đại hội hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132).

- Liên minh Nghị viện thế giới là một tổ chức liên nghị viện lâu đời nhất và lớn nhất thế giới, tập hợp 166 nghị viện quốc gia có chủ quyền, ông cho biết ý nghĩa của việc lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132?

Ông Trần Văn Hằng: Việc Việt Nam được chọn tổ chức Đại hội đồng IPU-132 và các hội nghị liên quan trong năm 2015 là sự kiện quan trọng của ngoại giao nghị viện Việt Nam nói riêng, ngoại giao Việt Nam nói chung thể hiện đường lối đối ngoại tích cực, chủ động do Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra.

Năm 2015 là năm then chốt thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XI, chuẩn bị cho Đại hội Đảng XII; là năm quan trọng của Việt Nam đánh giá 5 năm triển khai Cương lĩnh Đại hội Đảng XI, trong đó có chủ trương đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.”

Năm 2015 cũng là thời điểm Việt Nam có nhiều ngày kỷ niệm trọng đại, có ý nghĩa lịch sử to lớn như kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 70 năm thành lập nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Quốc hội Việt Nam được đăng cai tổ chức kỳ họp lần thứ 132, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới tại Hà Nội, tháng 3/2015 vào dịp kỷ niệm 36 năm Quốc hội Việt Nam gia nhập Liên minh Nghị viện thế giới (1979-2015) và kỷ niệm 126 năm thành lập Liên minh Nghị viện thế giới (1889-2015) là một sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử-ngoại giao hết sức to lớn, thể hiện tinh thần chủ động và tích cực hội nhập sâu rộng của Quốc hội Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm trong tổ chức liên nghị viện toàn cầu và vị thế của Việt Nam trên tr ường quốc tế.

- Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 là dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực ngoại giao nghị viện nói riêng và ngoại giao Việt Nam nói chung, để tạo được dấu ấn lần này, công tác chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội đồng IPU-132 ở Việt Nam như thế nào thưa ông?

 

Ông Trần Văn Hằng: Đại hội đồng IPU-132 tổ chức tại Việt Nam dự kiến sẽ thu hút sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao nhất của nghị viện các nước, các tổ chức liên nghị viện khu vực, các tổ chức quốc tế, các vị khách mời và phóng viên quốc tế.

Ban Tổ chức Đại hội đồng IPU-132 đã ban hành Kế hoạch tổng thể, cơ bản đề ra khung hoạt động cho toàn bộ công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội đồng IPU-132, chia thành ba giai đoạn bắt đầu từ tháng 1/2014 với các nhiệm vụ chính bao gồm thành lập và hoàn thiện bộ máy tổ chức hướng tới Đại hội đồng IPU-132 như Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Đại hội đồng IPU-132, Ban Thư ký Đại hội đồng IPU-132, các Tiểu ban về nội dung, thông tin tuyên truyền, lễ tân sự kiện, an ninh y tế, hậu cần tài chính với sự tham gia của các Bộ, ngành và địa phương liên quan; Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng ban hành các văn bản cần thiết kiện toàn bộ máy, hướng dẫn chi tiêu phục vụ cho Đại hội đồng IPU-132; tiến hành thiết kế biểu trưng (logo) của Đại hội đồng IPU-132, xây dựng website Đại hội đồng IPU-132 và thực hiện những cam kết của Quốc hội Việt Nam trong Thỏa thuận ký với Ban Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới.

Để đảm bảo thành công kỳ họp Đại hội đồng IPU và thực hiện tốt vai trò của Quốc hội Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà, Quốc hội Việt Nam đã đề ra phương châm tổ chức chu đáo, trọng thị, thiết thực và hiệu quả, với các mục tiêu cụ thể như sau:

Về nội dung, đóng góp tích cực vào phiên thảo luận chung và các cơ chế của IPU mà Quốc hội Việt Nam là thành viên, đảm bảo Đại hội đồng IPU-132 đạt kết quả tốt và phù hợp yêu cầu chính trị của Việt Nam.

Về công tác thông tin tuyên truyền, tổ chức chuyên nghiệp, bài bản, kịp thời, cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và toàn diện về đất nước, con người Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò ngày càng cao của Quốc hội Việt Nam, thành tựu đổi mới về mọi mặt của đất nước, đảm bảo thông tin đầy đủ, khách quan, trung thực và đa dạng về Liên minh Nghị viện thế giới, chương trình nghị sự và các phiên họp của Đại hội đồng IPU-132…

Về công tác tổ chức, lễ tân, khánh tiết, hậu cần, an ninh và y tế, cần bảo đảm tuân thủ các nghi thức ngoại giao chuẩn mực quốc tế, an toàn, tiết kiệm, tạo ấn tượng tốt cho các đại biểu; đảm bảo các yêu cầu theo quy định về tổ chức hội nghị quốc tế của Nhà nước ta và phù hợp với Thỏa thuận tổ chức Đại hội đồng IPU-132 cũng như thông lệ của Liên minh Nghị viện thế giới .

- Tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132, Việt Nam có những đóng góp, sáng kiến gì về nội dung để hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững thưa ông?

Ông Trần Văn Hằng: Chương trình nghị sự của kỳ họp Đại hội đồng IPU có nội dung rất sâu rộng, toàn diện liên quan đến nhiều lĩnh vực về hòa bình an ninh, chính trị, dân chủ, kinh tế, xã hội, môi trường…

Đây là diễn đàn mang tính toàn cầu, nơi các nghị sỹ thảo luận và góp phần thể hiện tiếng nói của nghị viện về các vấn đề cấp thiết trên thế giới và những vấn đề có mối liên hệ với chương trình nghị sự của Liên hợp quốc.

Do đó, Ban Tổ chức đã xác định công tác nội dung là mảng công việc cần được tập trung chú trọng và cần có sự phối hợp chặt chẽ với Liên minh Nghị viện thế giới, các cơ chế bên trong của Liên minh Nghị viện thế giới, các nghị viện thành viên, các tổ chức quốc tế, Hiệp hội Tổng thư k ý Nghị viện (ASGP).

Nhiệm vụ trọng tâm là lựa chọn, đề xuất và thúc đẩy các nội dung nghị sự phù hợp với ưu tiên của Liên minh Nghị viện thế giới, hài hòa lợi ích quốc gia với khu vực và quốc tế, có mối t ương quan với nội dung nghị sự của Liên hợp quốc và chuyển tải rõ góc độ nghị viện, phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế.

Với tinh thần đó, Ban Tổ chức đã chuẩn bị, nghiên cứu và đề xuất chủ đề thảo luận chung của Đại hội đồng IPU-132 và đã được Liên minh Nghị viện thế giới nhất trí đó là “Các Mục tiêu Phát triển Bền vững: Biến lời nói thành hành động.”

Đây là chủ đề lớn mang tính trọng tâm, vừa đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà các thành viên Liên hợp quốc đã cam kết mạnh mẽ từ năm 2000, vừa đề ra những khuôn khổ cho sự phát triển tiếp theo, thu hút sự quan tâm của hầu hết các nghị viện, nghị sỹ của các quốc gia.

Các mục tiêu phát triển bền vững nhằm thay thế các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ khi những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đã hoàn tất vào năm 2015, bao gồm 17 mục tiêu và 169 nhiệm vụ bao trùm các lĩnh vực phát triển bền vững, như xóa đói nghèo, nâng cao giáo dục đào tạo và sức khỏe, xây dựng các thành phố phát triển bền vững hơn, đấu tranh chống biến đổi khí hậu, bảo vệ rừng và đại dương.

Các Nghị viện có vai trò then chốt trong việc thực hiện những mục tiêu vì những lý do sau:

Thứ nhất, đó là các cơ quan lập pháp, giúp đưa những cam kết tự nguyện này vào các văn bản luật để thi hành.

Thứ hai, Nghị viện là cơ quan giám sát, giúp thúc đẩy Chính phủ các nước có trách nhiệm hơn đối với những chính sách ban hành và đảm bảo những chính sách này phù hợp với các mục tiêu đã đề ra.

Thứ ba, Nghị viện là cơ chế đại diện, kết nối với người dân, lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân về những chính sách được triển khai và quan trọng hơn cả, Nghị viện có vai trò thông qua ngân sách và pháp luật liên quan đến tài chính, thương mại và các chính sách giúp huy động các nguồn lực để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, để phát huy vai trò và góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, với tư cách là nước chủ nhà đăng cai Đại hội đồng IPU-132, Việt Nam đã đề xuất một số sáng kiến và cũng được Liên minh Nghị viện thế giới nhất trí như thảo luận chủ đề “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của nghị viện về vấn đề nước” tại Ủy ban về Phát triển bền vững, Tài chính và Thương mại.

Nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của nhân loại, là điều kiện sinh tồn của con người và động, thực vật, là trọng tâm của quá trình phát triển bền vững. Quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ nguồn nước từ lâu đã trở thành các nội dung quan trọng trên các diễn đàn về nước như các hội nghị thượng đỉnh về nước, diễn đàn tuần lễ nước hàng năm… và dần trở thành mục tiêu và tôn chỉ cho nhiều cơ chế hợp tác vùng, liên vùng và liên lục địa trên thế giới.

Tuy nhiên, hiện nay trước sức ép của quá trình phát triển kinh tế và gia tăng dân số, thế giới đang đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn về tài nguyên nước như cạn kiệt nguồn nước, thiếu nước, chất lượng nước bị suy giảm...

 

Việt Nam hiện cũng chuẩn bị và thảo luận với phía Ban Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới về nội dung văn bản của Đại hội đồng IPU-132, dự kiến là Thông cáo hoặc bản Tuyên bố Hà Nội.

Ngoài những sáng kiến, đề xuất này, Việt Nam cũng sẽ tham gia vào các Nghị quyết của Đại hội đồng trên các lĩnh vực khác của Liên minh Nghị viện thế gới như hòa bình và an ninh, dân chủ và nhân quyền, thúc đẩy hợp tác giữa Liên minh Nghị viện và Liên hợp quốc, nữ nghị sỹ, nghị sỹ trẻ của Liên minh Nghị viện thế giới...

- Trân trọng cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục