Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trong bối cảnh xung đột tại Ukraine, Indonesia sẽ khuyến khích thảo luận các vấn đề hòa bình và an ninh thế giới tại Đại Hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 144 và các cuộc họp liên quan do nước này đăng cai tổ chức.
Ngày 18/3, phát biểu khai mạc cuộc họp Ban chấp hành IPU (Excom), Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani nhấn mạnh: “Thúc đẩy hòa bình và an ninh quan trọng để trở thành mối quan tâm chung và là cách để nghị viện đóng góp vào việc xây dựng lòng tin giữa các bên xung đột.”
Theo bà Puan, diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và các động lực toàn cầu biến động, IPU-144 là cơ hội để nghị viện các nước thảo luận về các vấn đề quan tâm của cộng đồng toàn cầu.
Bên cạnh đó, sự kiện cũng sẽ khuyến khích nghị viện các nước đề xuất giải pháp để giải quyết các thách thức.
[Đại Hội đồng IPU-144 thúc đẩy hành động chống biến đổi khí hậu]
Chủ tịch Hạ viện Indonesia khẳng định: “Đại dịch COVID-19 đang ở năm thứ ba, trong khi xung đột địa chính trị và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng trong những năm qua. Do đó, IPU cần đóng góp vào việc giải quyết những vấn đề này.”
Theo bà, chủ đề “Hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 - Vận động nghị viện hành động chống biến đổi khí hậu” của IPU-144 nhằm thúc đẩy các nghị viện giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu như một thách thức đối với sự sống còn của loài người trong tương lai.
Bà Puan nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng IPU-144 sẽ là diễn đàn để thảo luận mang tính xây dựng nhằm thông qua Tuyên bố Nusa Dua và huy động nghị viện các nước nhằm giảm thiểu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.”
Excom là cơ quan thường trực thuộc IPU chịu trách nhiệm thảo luận và triển khai các quyết định khác nhau của Hội đồng IPU.
Tại cuộc họp ngày 18/3, Excom đã thảo luận về các cuộc họp của Đại Hội đồng IPU-144, cũng như các vấn đề sẽ được thảo luận tại sự kiện quan trọng này.
Ngoài đề xuất thảo luận về các vấn đề hòa bình và an ninh, một vấn đề quan trọng khác được Chủ tịch Hạ viện Indonesia đề xuất là thảo luận về các nỗ lực thúc đẩy ứng phó với đại dịch COVID-19 thông qua việc đảm bảo bình đẳng vaccine giữa tất cả các quốc gia.
Bà Puan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường dân chủ và tôn trọng nhân quyền vốn đối mặt với nhiều thách thức trong đại dịch.
Theo nhà lãnh đạo này, vai trò của IPU là thu hẹp khoảng cách phục hồi kinh tế, cũng như khắc phục các vấn đề xã hội do đại dịch gây ra.
Bà Puan cũng đề nghị IPU-144 thảo luận về sự tham gia của phụ nữ và thanh niên vào quá trình ra quyết định ở các cơ quan nhà nước, cho rằng điều này rất quan trọng để đảm bảo rằng thế hệ lãnh đạo tiếp theo gồm những người trẻ tuổi có năng lực, không phân biệt giới tính.
Được thành lập năm 1889 với trụ sở chính đặt tại Thụy Sĩ, IPU là một trong những tổ chức đa phương lâu đời nhất thế giới.
Hiện IPU quy tụ 178 quốc hội thành viên và 14 tổ chức nghị viện khu vực với sứ mệnh thúc đẩy dân chủ và giúp các nghị viện trở nên mạnh mẽ hơn, trẻ hơn, cân bằng giới tính và đa dạng hơn.
IPU-144 sẽ diễn ra từ ngày 20-24/3 tới tại Bali (Indonesia) với sự tham dự của các đại biểu đến từ 132 quốc gia, trong đó có 33 Chủ tịch và 35 Phó Chủ tịch Quốc hội./.