Ngày 13/10, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức phê chuẩn đề cử của Hội đồng Bảo an chọn cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres trở thành người đứng đầu Liên hợp quốc thay cho Tổng Thư ký Ban Ki-moon sẽ mãn nhiệm vào cuối năm nay.
Mở đầu cuộc họp, toàn thể Đại hội đồng đã có một phút mặc niệm tưởng nhớ Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej vừa băng hà.
Sau đó, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin với tư cách chủ tịch Hội đồng Bảo an đã đọc nghị quyết của Hội đồng Bảo an thông báo về việc bổ nhiệm này.
Tiếp đến, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Peter Thompson đọc quyết định của Đại hội đồng phê chuẩn đề cử của Hội đồng Bảo an theo hình thức đồng thuận, không cần thông qua bỏ phiếu tín nhiệm.
Ông Guterres, 67 tuổi, sẽ trở thành tổng thư ký thứ 9 của Liên hợp quốc với nhiệm kỳ kéo dài từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/12/2022.
Sau khi nhậm chức vào ngày 1/1/2017, ông Gutteres sẽ đảm nhiệm một trong những công việc ngoại giao khó nhất trên thế giới trong bối cảnh Liên hợp quốc nói riêng và thế giới nói chung đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trên mọi lĩnh vực mà chỉ có sự đoàn kết chung tay góp sức của toàn bộ 193 quốc gia thành viên mới có thể giải quyết được.
Ông Guterres, người từng phụ trách Cao ủy tị nạn Liên hợp quốc trong 11 năm, đã giành chiến thắng thuyết phục trước 12 đối thủ nặng ký, gồm các nguyên thủ quốc gia, các nhân viên ngoại giao hàng đầu và người đứng đầu những cơ quan của Liên hợp quốc trong cuộc chạy đua lần đầu tiên được tiến hành một cách minh bạch và công khai.
Việc ông Guterres nổi lên là người chiến thắng ngay từ cuộc bỏ phiếu đầu tiên và duy trì được đà chiến thắng trong tất cả các cuộc bỏ phiếu khá gây bất ngờ bởi lẽ không ít người dự đoán rằng Liên hợp quốc sẽ có nữ Tổng Thư ký đầu tiên trong lịch sử khi mà cả Mỹ và Nga, hai quốc gia có ảnh hưởng nhất trong Hội đồng Bảo an, trước đó đều bóng gió ám chỉ ủng hộ ứng cử viên nữ.
Dư luận cũng từng cho rằng phải sang tháng 11 may ra Hội đồng Bảo an mới thống nhất được việc đề cử Tổng Thư ký bởi lẽ nội bộ cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc, hay chính xác hơn là Mỹ và Nga, đang bị chia rẽ sâu sắc xung quanh giải pháp cho cuộc chiến Syria.
Bản thân Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, bà Samantha Power đã thừa nhận rằng việc thống nhất đề cử ông Guterres là biểu hiện hiếm hoi về sự đoàn kết trong nội bộ Hội đồng Bảo an.
Theo giới phân tích, với “ghế nóng” tại Liên hợp quốc, sẽ không có “tuần trăng mật” cho ông Guterres.
Sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, ông sẽ phải ngay lập tức đảm nhận những nhiệm vụ thường trực của Liên hợp quốc là tìm các giải pháp chấm dứt tình trạng đói nghèo, xây dựng hòa bình trên thế giới, tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột, đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, chống chủ nghĩa khủng bố, và bao trùm tất cả là cuộc khủng hoảng người di cư và tị nạn.
Ngoài ra, bản thân nội bộ Liên hợp quốc cũng có rất nhiều vấn đề đang chờ đợi tân Tổng Thư ký giải quyết.
Ông Guterres sẽ điều hành Ban Thư ký Liên hợp quốc với khoảng 40.000 người với ngân sách hàng năm là 13 tỷ USD, song thường xuyên bị chỉ trích là hoạt động còn quan liêu và chưa hiệu quả. Nhiệm kỳ 10 năm của ông Guterres cũng là giai đoạn các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thực thi 17 mục tiêu đề ra trong Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 để hướng đến một thế giới an ninh, thịnh vượng "không để ai bị bỏ lại phía sau."
Tuy nhiên, có lẽ thách thức lớn nhất đối với tân Tổng Thư ký là việc phải gây dựng lại sự đoàn kết trong đại gia đình Liên hợp quốc.
Kể từ thời Chiến tranh Lạnh, chưa bao giờ cơ quan đa phương lớn nhất toàn cầu này rơi vào tình trạng thiếu đoàn kết như hiện nay, nhất là trong bối cảnh nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế chỉ có thể hóa giải được nếu các quốc gia tìm được tiếng nói chung và quyết tâm chung như cuộc chiến tại Syria, tình hình Ukraine, Yemen, bán đảo Triều Tiên, sự căng thẳng giữa Nga và Mỹ...
Theo ông Guterres, một nền “ngoại giao hòa bình” mới đòi hỏi phải tiếp xúc ngoại giao kín đáo và con thoi giữa các bên chủ chốt trong các cuộc xung đột và tranh chấp. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cần “hành động với sự khiêm nhường để cố gắng tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên có thể đến với nhau và vượt qua những khác biệt”...
Đánh giá một cách khách quan, việc ông Guterres là nhà lãnh đạo chính phủ đầu tiên được bầu chọn vào vị trí “cầm cân nảy mực” diễn đàn đa phương lớn nhất hành tinh là dấu hiệu rõ ràng cho thấy 193 quốc gia thành viên muốn có một Tổng Thư ký Liên hợp quốc có tầm ảnh hưởng lớn và những kỹ năng lãnh đạo thuần thục để chèo lái con thuyền Liên hợp quốc vượt qua một trong những thời khắc khó khăn nhất trong lịch sử 71 năm tồn tại của mình.
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức về bất ổn, xung đột, nghèo đói…
Liên hợp quốc thực sự đang đứng trước ngã rẽ quyết định đòi hỏi phải có sự cải tổ và cơ cấu lại tổ chức để có thể tham gia một cách hiệu quả vào tiến trình giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế.
Cũng vì thế, rất nhiều sứ mệnh khó khăn đang chờ đợi Tổng Thư ký thứ 9 của Liên hợp quốc Anthonio Guterres.
Sinh ra ở Lisbon năm 1949, ông Guterres học ngành kỹ thuật và vật lý tại trường Instituto Superior Técnico sau đó nghiên cứu học thuật.
Tuy nhiên, công việc này chỉ giữ chân ông Guterres được vài năm.Ông gia nhập đảng Xã hội của Bồ Đào Nha năm 1974 và trở thành chính trị gia.
Năm 1995, ba năm sau khi được bầu làm Tổng Thư ký đảng Xã hội, ông Guterres được bầu làm Thủ tướng Bồ Đào Nha và giữ cương vị này tới năm 2002.
Sau khi mãn nhiệm chức Thủ tướng Bồ Đào Nha và nhờ nói thông thạo nhiều ngoại ngữ gồm tiếng Anh, Tây Ban Nha và Pháp, ông Guterres bổ nhiệm làm người phụ trách Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn của vào năm 2005.
Trên cương vị này trong 10 năm, ông Guterres đã thể hiện năng lực và có nhiều đóng góp để giải quyết các cuộc khủng hoảng người tị nạn và nhân đạo trên toàn cầu.
Ông được ghi nhận có nhiều nỗ lực không mệt mỏi để buộc các nước giàu nhất phải giúp đỡ nhiều hơn cho những người phải rời bỏ nhà cửa để chạy trốn những cuộc xung đột, nghèo đói và thiên tai./.