Theo phóng viên TTXVN tại Paris, phiên họp lần thứ 41 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã khai mạc ngày 9/11 tại trụ sở của tổ chức này ở thủ đô Paris (Pháp).
Phiên họp lần này mang ý nghĩa trọng đại, đánh dấu 75 năm hình thành và phát triển của UNESCO.
Trong khuôn khổ hội nghị diễn ra từ nay đến ngày 24/11, hội nghị sẽ xem xét và thông qua các báo cáo hoạt động của các ủy ban, đề nghị của Ban chấp hành liên quan đến việc tiếp nhận các quan sát viên từ các tổ chức quốc tế phi chính phủ, báo cáo của Tổng Giám đốc về hoạt động trong giai đoạn 2018-2020, thông qua chương trình hành động 2022-2023 và đặc biệt là tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm thành lập UNESCO.
Ngay trong ngày đầu diễn ra phiên họp, hội nghị đã bầu chủ tịch và phó chủ tịch các ủy ban, đồng thời bỏ phiếu về việc bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới.
Bà Audrey Azoulay đã tái đắc cử chức Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ thứ hai với 155/169 phiếu ủng hộ.
[Bà Audrey Azoulay tái đắc cử Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ thứ hai]
Phát biểu tại buổi lễ, bà Azoulay bày tỏ cảm ơn sự tin tưởng của các đại biểu, các nước thành viên, coi kết quả này là một "dấu hiệu của sự thống nhất mới trong Tổ chức UNESCO."
Bà nhấn mạnh: "Trong 4 năm qua, chúng ta đã khôi phục được lòng tin đối với UNESCO về nhiều mặt, điều đó cũng giúp cho UNESCO lấy lại niềm tin vào chính mình. Chúng ta đã lấy lại được sự yên bình, giảm bớt những căng thẳng chính trị và tìm kiếm được lập trường chung về các vấn đề từng gây chia rẽ. Để rồi chúng ta đã có thể quay trở lại với những mục tiêu chung, đặc biệt là bằng cách làm sống lại các hoạt động truyền thống."
Trong 4 năm qua, dưới sự điều hành của bà Azoulay, UNESCO đã có quá trình cải tổ toàn diện giúp nâng cao hiệu quả hoạt động.
Tổ chức đã vận động để tái thiết thành phố cổ Mosul (Iraq), được khởi xướng vào năm 2018 và các dự án hiện đang được tiến hành.
UNESCO cũng đã giúp xây dựng lại thành phố Beirut (Liban) sau vụ nổ kép gây nhiều thương vong vào tháng 8/2020, nơi tổ chức này tái thiết gần 90 trường học.
Bên cạnh đó, UNESCO đã triển khai nhiều hoạt động trong các lĩnh vực di sản và văn hóa. Trong đại dịch COVID-19, khi hàng trăm triệu trẻ em và thanh thiếu niên mất cơ hội học tập, UNESCO đã thành lập Liên minh toàn cầu về Giáo dục, nhằm đảm bảo quyền được đến trường của trẻ em ở 112 quốc gia.
UNESCO cũng ghi nhận thành công trong việc huy động ngân sách. Dựa trên 2 trụ cột gồm đóng góp bắt buộc từ các quốc gia và đóng góp tự nguyện cho giai đoạn 2020-2021, nguồn ngân sách huy động được cho hoạt động của tổ chức này lên tới 1,4 tỷ USD. Các khoản đóng góp tự nguyện trong giai đoạn 2017-2021 tăng 50% so với 4 năm trước đó.
Chính thức đi vào hoạt động từ năm 1946, UNESCO có mục đích thắt chặt hợp tác giữa các nước trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa nhằm đảm bảo sự tôn trọng công lý, luật pháp, nhân quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo.
UNESCO đặt trụ sở chính tại Paris, và có hơn 50 văn phòng, viện hay trung tâm trực thuộc tại nhiều nơi trên thế giới.
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 41 lần này, lễ kỷ niệm 75 năm thành lập tổ chức UNESCO sẽ được tổ chức vào ngày 12/11./.