"Đại dịch cũng thách thức biết bao kế hoạch của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Tuy nhiên, từ những gì tôi nhìn thấy, Việt Nam đã “biến nguy thành cơ."
Đó là nhận xét của Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen trong bài viết mang tựa đề "Đoàn kết và hợp tác quốc tế - chìa khóa giải quyết khủng hoảng toàn cầu."
Theo Đại sứ, "chúng ta chào đón năm 2020 với nhiều hy vọng và dự định hoài bão vì đây là năm mở đầu cho một thập kỷ mới. Năm nay, Việt Nam đảm nhận vai trò kép, Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Na Uy sẽ kỷ niệm 5 năm thỏa thuận đối tác đối thoại theo lĩnh vực với ASEAN và cũng đang ứng cử làm thành viên Hội đồng Bảo an, nhiệm kỳ 2021-2022. Virus corona bỗng bất ngờ xuất hiện."
Tuy nhiên, "là Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, tôi rất ấn tượng với những gì Chính phủ Việt Nam đã làm tới thời điểm này để phòng chống COVID-19, kể cả trong nước, ở khu vực và quốc tế," bà Lochen viết.
Không để ai bị bỏ lại phía sau!
Đại sứ Lochen nhận định, "trong một thời gian ngắn, virus nhỏ bé này đã làm đảo lộn tất cả, dẫn tới cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có. Nó đã làm tê liệt việc đi lại giữa các nước, đóng cửa các đường biên giới, làm ngưng trệ hoạt động kinh tế, và “nhốt” người dân ở trong nhà."
Theo bà, mỗi quốc gia đều đang phải gồng mình để kiểm soát và ngăn ngừa sự lây lan của virus, nhất là khi những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội như người già, ốm, người nhập cư, người khuyết tật và người nghèo sẽ phải chịu rủi ro cao hơn vì COVID-19.
[Truyền thông Đức đánh giá cao Việt Nam hỗ trợ châu Âu chống dịch]
"Tổng thư ký Liên hợp quốc đã nói “Đại dịch COVID-19 là một trong những thách thức nguy hiểm nhất mà thế giới phải đối mặt trong thời đại của chúng ta. Trên hết thảy, đó là cuộc khủng hoảng con người với những hậu quả khốc liệt về sức khỏe và kinh tế xã hội."
Học hỏi từ Việt Nam
"Là Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, tôi rất ấn tượng với những gì Chính phủ Việt Nam đã làm tới thời điểm này để phòng chống COVID-19, kể cả trong nước, ở khu vực và quốc tế.
Ngay từ đầu, các bạn đã chủ động thực hiện các biện pháp mạnh để cô lập và ngăn ngừa virus lây lan. Bên cạnh công tác chuyên môn của đội ngũ y bác sỹ, là các chương trình truyền thông, các biện pháp hành chính, truy tìm và xét nghiệm người nghi mắc, cách ly tập trung, đóng cửa trường học, và mới đây nhất là quyết định cách ly xã hội.
Các nỗ lực này tỏ ra có hiệu quả, vì tới nay Việt Nam đã có hơn 200 ca lây nhiễm nhưng chưa có ai tử vong.
Không chỉ có đội ngũ nhân viên y tế đang làm việc ngày đêm để cứu người, mà cả hệ thống chính trị cũng đang nỗ lực hết sức để kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ những người bị ảnh hưởng trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau."
Đại dịch cũng thách thức biết bao kế hoạch của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Tuy nhiên, từ những gì tôi nhìn thấy, Việt Nam đã “biến nguy thành cơ." Tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng” - chủ đề của ASEAN 2020 đã được thể hiện rõ nét khi Việt Nam ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về ứng phó với dịch COVID-19 từ rất sớm.
Việt Nam đã và đang chủ động chia sẻ thông tin, kêu gọi tinh thần hợp tác giữa các thành viên để cùng chống lại đại dịch.
Mới đây nhất, phải kể tới sáng kiến của Việt Nam trong việc tổ chức trực tuyến lần đầu tiên hai Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về đối phó với COVID-19.
Các nước tham dự đều ủng hộ mạnh mẽ lời kêu gọi đoàn kết, hợp tác và hành động để ứng phó với dịch bệnh và duy trì kết nối của Chủ tịch ASEAN.
Thật đáng khích lệ khi thấy trong khi đang nỗ lực hết mình để chống dịch trong nước, Việt Nam vẫn gửi những món quà thiết yếu là thiết bị y tế và khẩu trang tới các nước láng giềng, các thành viên ASEAN và các đối tác của mình. Đây thực sự là nghĩa cử của tinh thần đoàn kết!
Na Uy - đối tác trước sau như một vì tương lai chung của chúng ta
Ở Na Uy, chúng tôi cũng ít nhiều phải trải qua điều này. Chính phủ và các cơ quan chuyên môn luôn chia sẻ kịp thời, chính xác và minh bạch các thông tin về dịch bệnh, bên cạnh việc thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế. Việc làm này đã đem lại lòng tin của người dân Na Uy vào những nỗ lực chung trong cuộc chiến chống đại dịch. Đó là vì tương lai chung của tất cả chúng ta!
Giống như Việt Nam, Na Uy luôn ủng hộ trung thành cho một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và một hệ thống đa phương với nòng cốt là Liên hợp quốc hùng mạnh. Chủ nghĩa đa phương gắn kết chúng ta lại với nhau. Với một quốc gia nhỏ như Na Uy, đây là cách bảo vệ tốt nhất. Na Uy tin tưởng mạnh mẽ rằng những thách thức toàn cầu đòi hỏi những biện pháp ứng phó toàn cầu và sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia.
Các tổ chức đa phương và khu vực hiện nay như ASEAN, Liên minh châu Âu, Liên minh châu Phi và đặc biệt là Liên hợp quốc với Tổ chức Y tế Thế giới ở tuyến đầu sẽ phải gánh vác vai trò đầu tầu để thúc đẩy hợp tác quốc tế và điều phối các nỗ lực chống dịch toàn cầu.
Để giảm thiểu tác động lâu dài, hơn bao giờ hết các hành động nhân đạo và nỗ lực điều phối đóng vai trò quan trọng. Na Uy đã chủ động đề xuất thành lập quỹ ủy thác toàn cầu để giúp các nước dễ bị tổn thương, có hệ thống y tế yếu kém, khắc phục hậu quả kinh tế xã hội thảm khốc do khủng hoảng.
Thật vui khi thấy Liên hợp quốc đã hành động mau lẹ. Quỹ ủy thác đa phương đã được Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres công bố ngày 31/3. Tại lễ ra mắt, Na Uy cam kết hỗ trợ ban đầu 150 triệu NOK (14,5 triệu USD). Chúng tôi hy vọng các nước khác sẽ làm tương tự.
Quỹ này sẽ giúp Liên hợp quốc điều phối hoạt động ứng phó của mình ở cấp quốc gia nhằm hỗ chính phủ nước sở tại. Hiện chúng tôi đang tiếp tục trao đổi với các đối tác chủ chốt (các cơ quan của Liên hợp quốc và NGO) để đảm bảo hỗ trợ nhân đạo của Na Uy được sử dụng hiệu quả nhất nhằm đáp ứng những nhu cầu cấp bách nhất. Tài trợ có mục tiêu qua kênh của Liên hợp quốc là quan trọng.
Na Uy đã có nhiều thập kỷ phát động và hỗ trợ cho các sáng kiến y tế toàn cầu. Hiện tại, các nhà nghiên cứu quốc tế đang làm việc ngày đêm tại Liên minh Sáng tạo Ứng phó với dịch bệnh (CEPI) để phát triển vắcxin cho virus corona - một loại vắcxin dành cho tất cả mọi người và phải được phân phối công bằng.
Na Uy mới dành thêm một khoản tài trợ nghiên cứu NOK 2,2 tỷ (gần 210 triệu USD) cho CEPI ngoài tổng số tiền tài trợ 1,636 tỷ NOK (156 triệu USD) cho Liên minh đã được Na Uy cam kết trước đó.
Trong khi chờ đợi, chúng ta phải huy động mọi nguồn lực, chia sẻ thông tin chính xác, minh bạch, phối hợp hành động một cách quyết đoán và sáng tạo trên tinh thần đa phương và đoàn kết quốc tế để vượt qua quãng thời gian khó khăn này.
Để kết thúc, tôi xin trích dẫn câu nói của Thủ tướng Na Uy Bà Erna Solberg “Chỉ có các nỗ lực hợp tác đa phương mạnh mẽ hơn mới giúp chúng ta giải quyết được cuộc khủng hoảng này” và lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “Sát cánh bên nhau, chúng ta sẽ chiến thắng”./.