Trước thềm chuyến thăm chính thức tới Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn bà Ngô Thị Hòa, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, về mục đích, ý nghĩa của chuyến thăm, quan hệ giữa hai nước, cũng như tình hình cộng đồng người Việt đang học tập, làm việc và sinh sống tại Hà Lan.
- Xin Đại sứ cho biết mục đích và ý nghĩa chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte?
Đại sứ Ngô Thị Hòa: Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte sẽ thăm chính thức Việt Nam vào ngày 9/4/2019.
Cùng đi với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte có Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và quản lý nước Van Nieuwenhuizen, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm Marjolijn Sonnema và ông Hans De Boer - Chủ tịch Liên đoàn Giới chủ Hà Lan.
[Thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hà Lan phát triển sâu rộng, hiệu quả hơn]
Đặc biệt, tham gia phái đoàn cấp cao của Thủ tướng Mark Rutte sẽ có khoảng 70 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực tiêu biểu của Hà Lan.
Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Hà Lan đang phát triển rất tốt đẹp, chuyến thăm của Thủ tướng Mark Rutte là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của quan hệ song phương, là dịp để các lãnh đạo cấp cao hai nước trao đổi biện pháp thắt chặt quan hệ chính trị-ngoại giao, tăng cường hợp tác thương mại-đầu tư và làm sâu sắc hơn các khuôn khổ hợp tác đang được triển khai, đặc biệt trong hai lĩnh vực Đối tác chiến lược về Thích ứng với Biến đổi khí hậu - Quản lý nước và Nông nghiệp bền vững - An ninh lương thực.
Bên cạnh đó, chuyến thăm cũng nhằm mục đích mở rộng hợp tác giữa hai nước sang một số lĩnh vực có nhu cầu và thế mạnh của hai nước như công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn, giao thông vận tải, hàng không, năng lượng, thành phố thông minh...
Dự kiến trong chuyến thăm, hai Thủ tướng sẽ công bố việc Việt Nam và Hà Lan quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện.
Ngoài các tiếp xúc cấp cao giữa Thủ tướng Mark Rutte với Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam, sẽ có nhiều sự kiện quan trọng diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm tại Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước như Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam-Hà Lan về Thích ứng với Biến đổi khí hậu và Quản lý nước; các cuộc tọa đàm về các lĩnh vực chuyên ngành nước, hàng không, nông nghiệp, năng lượng...; gặp gỡ, kết nối doanh nghiệp hai nước; cũng như việc ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên.
Việc Thủ tướng Hà Lan lựa chọn Việt Nam là nước duy nhất đi thăm cùng lãnh đạo các Bộ ngành, tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Hà Lan cho thấy chính sách nhất quán của Chính phủ Hà Lan coi Việt Nam là đối tác ưu tiên trong khu vực.
Đây cũng là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của Thủ tướng Mark Rutte (lần đầu tiên vào năm 2014) và là chuyến thăm châu Á lần thứ ba của Thủ tướng Mark Rutte kể từ khi nhậm chức Thủ tướng nhiệm kỳ 3 (tháng 10/2017), sau chuyến thăm Trung Quốc và Ấn Độ (2018).
- Trải qua 46 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (9/4/1973 - 9/4/2019), Việt Nam và Hà Lan đã hợp tác, phát triển trên nền tảng lợi ích chung và tôn trọng lẫn nhau. Đại sứ có thể cho biết một số nét chính trong quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua và triển vọng hợp tác thời gian tới?
Đại sứ Ngô Thị Hòa: Trong những năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Hà Lan phát triển rất tốt đẹp. Về chính trị, hai bên duy trì trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao thường xuyên.
Thông qua các chuyến thăm, nhiều cơ chế, thỏa thuận hợp tác quan trọng được ký kết và thiết lập, tạo cơ sở thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.
Các chuyến thăm Hà Lan gần đây nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tháng 7/2017) và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 3/2018) đã tạo động lực mới để đưa quan hệ hợp tác song phương ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Trong khuôn khổ đa phương, Việt Nam và Hà Lan có sự hợp tác hiệu quả, thường xuyên ủng hộ các sáng kiến của nhau, đặc biệt là tại Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Liên minh châu Âu (EU). Hà Lan cũng tích cực ủng hộ Việt Nam thúc đẩy quan hệ với EU, chia sẻ lập trường của Việt Nam về việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bằng luật pháp quốc tế.
Trong lĩnh vực kinh tế, Hà Lan là đối tác quan trọng của Việt Nam trong nhiều năm qua. Nếu kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2014 đạt 3,77 tỷ USD, thì năm 2018 con số này đã tăng gấp đôi, đạt khoảng 8 tỷ USD, theo đó Hà Lan đang giữ vị trí thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam tại EU và là đối tác thương mại EU lớn thứ hai của Việt Nam sau Đức.
Về đầu tư, Hà Lan cũng đứng thứ nhất EU và thứ 10 trong các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, đạt 9,328 tỷ USD với hơn 300 dự án tại 29 tỉnh, thành phố trên lãnh thổ Việt Nam.
Nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn lớn Hà Lan hoạt động hiệu quả như Heineken, Unilever, Royal Dutch Shell, Friesland Campina, Akzo Nobel Coating, Philips, Damen, Nedspice.
Đây là những con số tích cực và chắc chắn ngày càng gia tăng, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU được ký kết và đi vào thực hiện.
Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng với lợi thế vị trí cầu nối, cửa ngõ kinh tế của hai khu vực ASEAN và EU, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hà Lan sẽ ngày càng phát triển trong thời gian tới.
Việt Nam và Hà Lan là hai quốc gia nằm ở vùng đồng bằng rộng lớn và phải đối mặt với những thách thức về biển đổi khí hậu, nước biển dâng, quản lý nước và an ninh lương thực.
Những điểm tương đồng đó đã đưa hai nước đã trở thành đối tác quan trọng của nhau trong nhiều lĩnh vực: Đối tác chiến lược về Thích ứng với Biến đổi khí hậu và Quản lý nước là khuôn khổ hợp tác được hai bên thiết lập từ năm 2010.
Nhiều dự án trong lĩnh vực này được triển khai hiệu quả đặc biệt là Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long với tầm nhìn dài hạn đã đưa ra nhiều khuyến nghị, tập trung giải quyết các vấn đề quản lý tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đưa Đồng bằng sông Cửu Long trở thành một khu vực kinh tế phát triển bền vững.
Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai bên tiếp đang tích cực hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, cũng cấp giải pháp ứng phó bền vững hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách như chống khô hạn, mặn xâm nhập, xử lý vấn đề sụt lún và xói mòn bờ sông, bờ biển...
Trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực (thiết lập vào năm 2014 nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte), Hà Lan hiện là nhà đầu tư lớn vào ngành nông nghiệp Việt Nam và đang từng bước giúp Việt Nam xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu trong các lĩnh vực rau-hoa quả, làm vườn, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản...
Việc nghiên cứu, áp dụng mô hình hợp tác xã theo kinh nghiệm của Hà Lan nhằm tạo phát triển về chất lượng và quy mô các hợp tác xã tại Việt Nam, nâng cao vai trò của hợp tác xã trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp-nông dân-nông thôn và tăng xuất khẩu bền vững, mở ra có hội hợp tác mới trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang được quan tâm thông qua việc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Tổ chức Hợp tác xã Hà Lan Agriterra hợp tác triển khai “Chương trình hỗ trợ phát triển tổng thể lĩnh vực hợp tác xã tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm” từ năm 2017.
Các mối quan hệ đối tác này góp phần nâng cao khả năng tiếp cận cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ra thị trường quốc tế cũng như nâng cao năng lực sản xuất bền vững, an toàn thực phẩm tại thị trường trong nước của Việt Nam.
Hợp tác giáo dục-đào tạo giữa Việt Nam và Hà Lan đã đạt nhiều thành công. Hai bên đã thực hiện nhiều chương trình hợp tác liên đại học, giáo dục sau phổ thông, cung cấp học bổng, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, góp phần tạo ra những thay đổi trong việc nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục Việt Nam.
Nhiều trường đại học, viện nghiên cứu Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác đào tạo nghiên cứu chặt chẽ với các đối tác Hà Lan như Viện nước Hà Lan, Viện đồng bằng Deltares, trường Đại học nông nghiệp Wageningen.
Hiện đang có hơn 1.000 nghiên cứu sinh, sinh viên của Việt Nam sang theo học các chương trình đào tạo tại Hà Lan.
Chính phủ Hà Lan hằng năm cũng hỗ trợ Việt Nam một số chương trình đào tạo chuyên sâu về luật quốc tế, quan hệ quốc tế, luật biển. Giữa các bộ ngành Việt Nam và Hà Lan đều có chương trình hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực.
Về hợp tác giữa các địa phương, hai bên đã thiết lập các cặp quan hệ đối tác giữa các tỉnh, thành phố như: Hà Nội-Amsterdam, Thành phố Hồ Chí Minh-Rotterdam, Bình Dương-Emmen và Eindhoven, Vĩnh Long-Gelderlands, An Giang-Oss....
Quan hệ hợp tác địa phương đang được hai bên thúc đẩy mạnh mẽ thông qua việc xác định khuôn khổ, ưu tiên hợp tác trên cơ sở thế mạnh và khả năng bổ trợ cho nhau, nhất là trong các lĩnh vực quy hoạch đô thị, môi trường, quản lý nước (cấp thoát nước và xử lý nước thải, chống ngập úng); xử lý rác thải công nghiệp và đô thị; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thành phố thông minh, văn hóa, giáo dục, du lịch.
Thực tế cho thấy Việt Nam và Hà Lan là những đối tác quan trọng, giàu tiềm năng của nhau. Với sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, với nhu cầu hợp tác để cùng phát triển của hai quốc gia cũng như với tiềm năng phát triển của hai nước, quan hệ Việt Nam-Hà Lan sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển toàn diện hơn trong tương lai.
Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ tốt đẹp này, tập trung vào các trọng tâm gồm: củng cố quan hệ tốt đẹp về chính trị-ngoại giao; triển khai hiệu quả khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược trong các lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu-quản lý nước và nông nghiệp bền vững-an ninh lương thực; thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư thông qua tăng cường kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, giữa khu vực nhà nước và tư nhân, kết nối doanh nghiệp hai nước, khai thác thuận lợi đem lại khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU đi vào thực hiện.
Đồng thời, hai bên sẽ mở rộng và thiết lập các cơ chế hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực nhu cầu thế mạnh của hai nước như thành giao thông vận tải, hàng hải-cảng biển-vận tải đường thủy nội địa, hàng không dân dụng, đóng tàu, thành phố thông minh, kinh tế tuần hoàn...; tăng cường hợp tác giữa các địa phương, giao lưu văn hóa và ngoại giao nhân dân.
- Xin Đại sứ cho biết một số nét về cộng động người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Lan, cũng như những đóng góp của cộng đồng người Việt vào mối quan hệ giữa hai nước?
Đại sứ Ngô Thị Hòa: Hiện tại, Hà Lan có khoảng 20.000 người Việt Nam đang sinh sống và hội nhập thành công vào xã hội Hà Lan. Các thế hệ người Việt đã tiếp nối truyền thống hiếu học, cần cù, yêu nước tốt đẹp của dân tộc trong cuộc sống.
Nhiều nhóm kiều bào trong cộng đồng đã tích cực tham gia các hoạt động hằng năm hướng về quê hương đất nước, đặc biệt là các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ các chiến sỹ nơi biên giới, hải đảo, từ thiện, nhân đạo, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn; sát cánh cùng đồng bào trong nước đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Trong đợt phát động quyên góp ủng hộ đồng bào bị bão lũ ở miền Trung tháng 11/2017 do Đại sứ quán tổ chức, cộng đồng kiều bào đã quyên góp được 5.605 euro và chuyển tới Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài trao tới các địa chỉ cần hỗ trợ.
Có thể kể đến những hoạt động tích cực của Hội người Việt Nam tại thành phố La Hay và vùng phụ cận, được thành lập từ năm 1996. Hội đã tổ chức nhiều hoạt động gắn kết bà con kiều bào tại Hà Lan về đời sống và tinh thần, giao lưu văn hóa truyền thống để hướng về quê hương đất nước.
Nhiều cá nhân kiều bào đã tham gia vào những sự kiện do Bộ Ngoại giao, các cơ quan, tổ chức trong nước tổ chức như các Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài, Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, các chuyến thăm quân và dân Trường Sa, trại Hè thiếu nhi và gần đây nhất là tham dự Hội nghị người Việt có tầm ảnh hưởng họp tại Paris (Pháp); cũng như nhận được Bằng khen vì những thành tích đóng góp cho hoạt động của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và các hoạt động hướng về quê hương đất nước.
Bên cạnh đó, tại Hà Lan cũng có nhiều nhà trí thức, chuyên gia có trình độ cao hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ thông tin, giáo dục, khoa học công nghệ.
Những trí thức, chuyên gia này từ nhiều năm qua thường xuyên thực hiện những dự án hợp tác với các cơ quan chính phủ, trường đại học và viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước, qua đó đóng góp kiến thức, kinh nghiệm của mình vào sự phát triển chung của Việt Nam.
Ngoài ra, hiện cũng có hơn 1.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hà Lan trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành.
Cùng với cộng đồng người Việt, Hội Sinh viên Việt Nam tại Hà Lan cũng như các sinh viên Việt Nam học tập tại Hà Lan luôn phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của tuổi trẻ làm cầu nối góp phần gắn kết và tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước thông qua tổ chức các hoạt động có ý nghĩa tại Hà Lan như các buổi trao đổi hướng nghiệp, giao lưu văn hóa và ẩm thực Việt Nam, Ngày Thể thao ASEAN và dự án từ thiện mang tên “Chung tay một mái trường” kết hợp cùng Đoàn thanh niên và Hội Sinh viên trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, huyện Đoàn Xín Mần, gây quỹ xây dựng lại trường tiểu học Khâu Táo, Xín Mần (Hà Giang).
Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Hà Lan ngày càng phát triển, cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan sẽ có thêm những cơ hội thuận lợi để cùng tham gia, đóng góp vào việc đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
- Xin cảm ơn Đại sứ đã dành thời gian trả lời phỏng vấn TTXVN./.