Hiện nay, hàng ngàn hộ dân các huyện Ea H’leo, Krông Năng, Cư Kiun, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, đang bước vào vụ trồng tiêu. Việc “ồ ạt” mở rộng diện tích cây hồ tiêu khiến cho tình trạng người dân chặt phá rừng lấy gỗ làm trụ, ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Huyện vùng sâu Ea H’leo là địa phương “nóng” nhất tình trạng người dân vào rừng chặt gỗ làm trụ tiêu.
Ông Phan Tiến Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, cho biết Ea H’leo hiện có 2.648ha hồ tiêu, trong đó có đến 70% các hộ dân sử dụng gỗ rừng để làm trụ.
Trước vụ trồng tiêu mới, các đối tượng đã vào rừng, đốn hạ nhiều cây gỗ quý như (căm xe, cà chích vàng), xẻ thành nhiều trụ, có đường kính 15-20cm, chiều dài 3,8-4m, sau đó dùng các phương tiện xe đầu kéo, xe máy tự chế vận chuyển gỗ ra khỏi rừng về sử dụng, hoặc bán cho các hộ trồng tiêu.
Do các cánh rừng trên địa bàn huyện Ea H’leo, Krông Năng đã cạn kiệt, các đối tượng chuyên khai thác gỗ ở các xã Cư M’lan, Cư Mốt (huyện Ea Súp) xã Ea Khal, Ea H’leo, Ea Sol, (huyện Ea H’leo) đã vào sâu bên trong các cánh rừng của Lâm trường Chư Pả (huyện Ea Súp), giáp ranh tỉnh Gia Lai, để khai thác gỗ trái phép.
Với giá tiêu bán trên thị trường hiện nay dao động từ 150-170.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, nhiều hộ dân đã mở rộng diện tích cây hồ tiêu, nên nhu cầu sử dụng gỗ làm trụ ngày càng lớn.
Để chuẩn bị cho vụ tiêu mới, gia đình anh Nguyễn Huy Hiệp, xã Ea H’leo đã mua 600 trụ gỗ với giá 250.000 đồng/trụ, trồng sẵn tại khu đất trống của gia đình, chỉ cần chờ mưa xuống là anh bắt đầu trồng tiêu. Theo anh Hiệp, trụ gỗ rẻ hơn trụ bêtông, chỉ cần mua về là có thể trồng tiêu được ngay, nên gia đình vẫn ưu tiên sử dụng trụ gỗ. Tuy nhiên hiện nay, do trụ gỗ ngày càng khan hiếm, các đầu nậu phải khai thác, vận chuyển từ trong các khu rừng sâu về, nên nhiều nơi giá trụ tiêu bị đẩy lên cao.
Mặc dù các địa phương đã nhiều lần khuyến cáo người dân nên sử dụng các loại trụ sống như cây gòn xanh, keo, trụ bêtông... để thay thế trụ gỗ, giảm thiểu tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật, nhưng do việc sử dụng trụ gỗ tương đối thuận lợi so với trụ bêtông, nên người dân vẫn đua nhau vào rừng chặt gỗ làm trụ tiêu, bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng.
Hàng ngày trên tuyến Quốc lộ 14 và các tuyến đường liên thôn, xã đi qua địa bàn các xã Ea H’leo, Ea Ral, thị trấn Ea Đrăng (Ea H’leo), thị xã Buôn Hồ, có hàng trăm lượt phương tiện vận chuyển gỗ trụ tiêu. Để tránh các lực lượng chức năng, các đối tượng thường di chuyển từ 4-7 giờ sáng và từ 15-18 giờ chiều. Nhiều trường hợp vận chuyển gỗ không bị kiểm tra xử lý, gây mất an toàn giao thông.
Tỉnh Đắk Lắk và các địa phương, các chủ rừng cần có các biện pháp ngăn chặn, hành vi khai thác gỗ rừng, xử lý nghiêm các đối tượng chặt phá, vận chuyển gỗ trái phép, quản lý bảo vệ rừng một cách hiệu quả./.