Đắk Lắk ghi nhận thêm trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại huyện Krông Búk

Theo bác sỹ Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm 2024 đến nay, số bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng chiếm tỷ lệ rất cao.
Hướng dẫn người dân xử lý nước thừa - môi trường để muỗi phát triển. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngày 17/10, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn vừa ghi nhận bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết tại huyện Krông Búk. Đây là trường hợp thứ ba tử vong do bệnh này tính từ đầu năm 2024 đến nay.

Ngay sau khi ghi nhận trường hợp tử vong, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp kiểm tra, xử lý vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại khu vực thôn Cư Bang (xã Cư Pơng); điều tra véctơ truyền bệnh tại khu vực xung quanh nhà bệnh nhân.

Đồng thời, Trung tâm đẩy mạnh truyền thông để người dân chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue. Kết quả điều tra véctơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại nhà bệnh nhân ghi nhận sự hiện diện của muỗi Aedes Aegypti gây bệnh sốt xuất huyết

Theo bác sỹ Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm 2024 đến nay, số bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng chiếm tỷ lệ rất cao. Những năm trước, số ca bệnh nặng chỉ chiếm từ 3-5% nhưng năm nay chiếm đến 10%. Nhóm sốt xuất huyết cảnh báo chiếm khoảng 55%.

Tỷ lệ bệnh nhân nặng nhập viện rất cao đòi hỏi điều trị phải theo kịp với tình hình lâm sàng. Có những ngày, bệnh viện phải truyền tiểu cầu cho 5-6 trường hợp trong 1 kíp trực, đồng thời cấp cứu sốc, tụt huyết áp...

Từ đầu năm 2024 đến ngày 17/10, Đắk Lắk ghi nhận hơn 5.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 15/15 huyện, thành phố.

Trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Sở Y tế đã ban hành nhiều công văn yêu cầu các cơ sở y tế, sở, ban, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết.

Tỉnh chú trọng việc đánh giá nguy cơ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn; thực hiện phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các địa bàn trọng điểm, có nguy cơ cao xảy ra dịch; hỗ trợ các đơn vị xử lý dịch diện rộng, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh kéo dài tại các địa phương.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục