Việc hơn 74ha rừng bị phá trắng xảy ra tại xã Đắk Phơi, huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) là vụ việc nghiêm trọng, diện tích rừng bị thiệt hại lớn và cần sớm có biện pháp ngăn chặn kịp thời cũng như xử lý theo quy định của pháp luật.
Để làm rõ hơn những vấn đề liên quan, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã trực tiếp ghi nhận tại hiện trường để phản ánh về vụ phá rừng nghiêm trọng này.
“Phân lô” trên đất rừng
Trước tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra phức tạp tại huyện Lắk, đầu tháng 4/2022, Cục Kiểm lâm (thuộc Tổng cục Lâm nghiệp), đã phối hợp với các lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk, chính quyền địa phương huyện Lắk và Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai-Chi nhánh Đắk Lắk tổ chức kiểm tra diện tích rừng bị phá.
Kết quả kiểm tra đến ngày 12/4 cho thấy, tổng diện tích rừng bị phá là 74,6ha, thời gian rừng bị phá vào đầu tháng Ba. Trạng thái là rừng gỗ tự nhiên núi đất, lá rộng thường xanh trung bình, nghèo, nghèo kiệt và lồ ô được quy hoạch rừng sản xuất thuộc lâm phần Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai-Chi nhánh Đắk Lắk quản lý (diện tích bị phá 63,7ha) và Ủy ban Nhân dân xã Đắk Phơi quản lý (diện tích bị phá 10,9ha).
Trên diện tích rừng bị phá 74,6ha, toàn bộ cây rừng đã bị phá trắng.
Ghi nhận của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại hiện trường vụ phá rừng vào ngày 18/4, ở các tiểu khu 1392 và 1400 (thuộc lâm phần Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai-Chi nhánh Đắk Lắk quản lý) diện tích rừng bị phá thuộc nhiều lô, nhiều vị trí khác nhau.
Các khu vực rừng bị phá đều bị đốt cháy, nhiều ngọn đồi nối nhau bị “cạo trọc,” đốt trụi. Ở một số khu vực rừng bị phá, đốt có những đường ống dẫn nước đã được người dân kéo từ suối lên để phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp. Thậm chí, ở một vài ngọn đồi người dân đã dùng cành cây để chia ranh giới từ đỉnh đồi xuống chân đồi để “phân lô” trên đất rừng.
[Đắk Lắk: Lập hồ sơ điều tra, xử lý các vụ phá rừng quy mô lớn]
Có mặt tại tiểu khu 1392, phóng viên ghi nhận hàng chục người dân đang tập trung đốt dọn những khu vực rừng vừa bị phá để chuẩn bị sản xuất khi mùa mưa sắp tới.
Điều ngạc nhiên, tại thời điểm này có sự hiện diện của công an địa phương và lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai-Chi nhánh Đắk Lắk nhưng lực lược chức năng dường như đều “bất lực,” đứng nhìn người dân lấn chiếm đất rừng.
Tại hiện trường, lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai-Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất sản xuất đã diễn ra nhiều năm.
Tuy nhiên, vụ phá hơn 63ha rừng do Công ty quản lý là rất nghiêm trọng khi xảy ra trong thời gian ngắn và diện tích rừng bị phá, lấn chiếm rất lớn.
Mặc dù lực lượng quản lý bảo vệ rừng của công ty đã tăng cường công tác bảo vệ, tuần tra, thường xuyên có mặt ở những điểm phá rừng nhưng chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền, vận động người dân dừng việc phá rừng, lập biên bản sự việc, kiểm tra hiện trường và báo cáo các cơ quan chức năng địa phương xử lý vụ việc.
Việc làm này nhằm tránh việc xung đột với người dân và không tạo những “điểm nóng” về tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
“Mất rừng mới đi tìm chủ”
Ngoài diện tích rừng 63,7ha bị phá thuộc lâm phần Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai-Chi nhánh Đắk Lắk, kết quả kiểm tra của Cục Kiểm lâm và các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk cũng nêu rõ: Tại tiểu khu 1400 có 10,9ha rừng bị phá thuộc lâm phần của Ủy ban nhân dân xã Đắk Phơi, huyện Lắk quản lý. Trạng thái rừng (le, lồ ô) tự nhiên có xen cây thân gỗ thuộc quy hoạch rừng sản xuất. Đối với diện tích rừng bị phá trái pháp luật trên, Ủy ban nhân dân xã Đắk Phơi chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định.
Làm việc với phóng viên, ông Nay Y Ngọc, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Phơi thừa nhận: Việc 10,9ha rừng tại tiểu khu 1400 bị phá là đúng, tuy nhiên diện tích này đã được giao cho Ủy ban nhân dân xã Đắk Phơi quản lý bảo vệ hay chưa thì chính quyền xã đang xác minh lại.
“Sau khi xảy ra vụ phá rừng, xã đã tìm lại hồ sơ về diện tích rừng bị phá trên nhưng tại Ủy ban Nhân dân xã Đắk Phơi không có hồ sơ lưu, do đó vẫn chưa thể xác định Ủy ban Nhân dân xã Đắk Phơi là chủ rừng.
Tôi đã chỉ đạo cán bộ xã tìm lại hồ sơ về Quyết định giao rừng, bản đồ rừng... của diện tích rừng bị phá, nếu không có, xã sẽ trình huyện xác minh lại hồ sơ chủ rừng của diện diện tích 10,9ha bị phá để xử lý vụ việc,” ông Nay Y Ngọc, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Phơi cho hay.
Rõ ràng, khi “mất rừng mới đi tìm chủ” thì công tác quản lý, bảo vệ rừng đang tồn tại nhiều vấn đề, nhất là ở chính quyền cơ sở?
Ông Nay Y Ngọc thừa nhận, diện tích rừng bị phá với hơn 74ha là rất lớn, nghiêm trọng và gây “sốc” đối với chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền để hạn chế việc người dân phá rừng lấy đất sản xuất, đồng thời phối hợp điều tra xử lý vụ việc.
Liên quan đến vụ phá hơn 74ha rừng tại huyện Lắk, ngày 18/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk xem xét, chỉ đạo huyện Lắk tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; chỉ đạo chính quyền cấp xã phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật; làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan thuộc thẩm quyền quản lý trong việc để xảy ra các vụ phá rừng mà không phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai-Chi nhánh Đắk Lắk được yêu cầu bố trí lực lượng bảo vệ hiện trường, tang vật; tổ chức lực lượng, quản lý, bảo vệ diện tích rừng và đất lâm nghiệp được Nhà nước giao, cho thuê; chủ động rà soát, xác định những “điểm nóng,” dự báo nguy cơ xảy ra hành vi xâm phạm tài nguyên rừng trên lâm phần quản lý để kịp thời ngăn chặn.
Trước đó, Thông tấn xã Việt Nam đã phản ánh về vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra tại huyện Lắk thuộc lâm phần của Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai-Chi nhánh Đắk Lắk và lâm phần của Ủy ban nhân dân xã Đắk Phơi quản lý./.