Đắk Nông: Xu hướng hình thành các vùng sản xuất càphê đặc sản

Tỉnh Đắk Nông đang tập trung hỗ trợ nông dân tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hình thành các vùng sản xuất càphê đặc sản, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường “khó tính.”
Hộ nông dân Lê Văn Cường, thôn Dốc Du, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô có 1ha trồng cà phê đặc sản liên kết với doanh nghiệp chế biến, mỗi năm thu hoạch khoảng 3,5 tấn càphê nhân, thu lãi khoảng 120 triệu đồng. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có hơn 135.000ha càphê, với tổng sản lượng hơn 332.000 tấn.

Đắk Nông hiện là tỉnh đứng thứ hai Tây Nguyên và cả nước về diện tích, sản lượng càphê.

Để nâng cao giá trị sản xuất ngành càphê, tỉnh Đắk Nông đang tập trung hỗ trợ nông dân tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tạo ra sản phẩm càphê chất lượng cao, số lượng lớn. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang sản xuất sang các tiêu chuẩn “sạch” như GAP, UTZ, 4C… để sản phẩm càphê “rộng đường” xuất khẩu tới các thị trường “khó tính.”

Bên cạnh đó, Đắk Nông cũng tăng cường hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ người dân phát triển chế biến càphê, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ.

[Nắm bắt lợi thế, ngành càphê Việt Nam chinh phục kỷ lục mới]

Thêm nữa, hiện nay xu hướng của nông dân tỉnh Đắk Nông là hình thành các vùng sản xuất càphê đặc sản; đầu tư công nghệ chế biến càphê tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Đắk Nông có khoảng 90% diện tích càphê đang cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt hơn 2,73 tấn/ha. Về chủng loại, càphê của tỉnh Đắk Nông chủ yếu là càphê vối (Robusta) với tỷ lệ chiếm hơn 99% diện tích.

Công ty TNHH MTV càphê Bazan ở thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, mỗi năm cung cấp 60 tấn càphê thành phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Italy, châu Âu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Lợi nhuận từ việc trồng càphê không cao do ảnh hưởng của tình hình phân bón, vật tư nông nghiệp, nhân công tăng cao, nhưng nông dân tỉnh Đắk Nông vẫn duy trì sản xuất, tái canh càphê. Đây vẫn được coi là loại cây công nghiệp dễ canh tác, mang lại thu nhập ổn định và là lựa chọn “an toàn,” ít rủi ro đối với nông dân so với các loại cây trồng khác.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, giai đoạn 2012-2021, toàn tỉnh đã triển khai tái canh được hơn 23.000ha càphê. Nhiều diện tích sau tái canh được nâng cao năng suất rõ rệt, bình quân khoảng 1 tấn/ha so với trước khi tái canh, cá biệt có một số vườn tăng gần gấp đôi.

Năm 2021, Đắk Nông đã xuất khẩu hơn 102.000 tấn càphê, trị giá gần 150 triệu USD, chiếm hơn 15% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh.

Sản phẩm càphê của Đắk Nông đã được xuất khẩu tới 20 nước trên thế giới; trong đó Singapore là thị trường lớn nhất với khoảng 60% giá trị xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục