Đảm bảo đủ chỗ học cho 1,6 triệu học sinh vào năm học mới tại TP. HCM

Để đảm bảo đủ chỗ học cho 1,6 triệu học sinh, ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực chuẩn bị cơ sở vật chất, sẵn sàng đón học sinh đến trường.
(Ảnh chỉ có tính minh họa: Phạm Cường/TTXVN)

Để đảm bảo đủ chỗ học cho 1,6 triệu học sinh trong năm học 2017-2018 (tăng gần 60.000 học sinh so với năm trước), ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực chuẩn bị cơ sở vật chất, sẵn sàng đón học sinh đến trường.

Sẵn sàng cho ngày tựu trường

Những ngày này, trường mầm non Hoa Đào (Quận 12) đang được hoàn thiện để chuẩn bị đón học sinh đến ngôi trường mới.

Với quy mô 18 phòng học cùng các phòng chức năng, công trình trường mầm non sẵn sàng đáp ứng nhu cầu học cho trẻ mầm non tại địa phương.

Cô Trần Thị Mỹ Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Đào chia sẻ​ trường được chọn là trường mầm non tiên tiến của quận, mọi cơ sở vật chất đang được gấp rút hoàn thành để đón học sinh.

Theo kế hoạch, năm nay trường sẽ nhận 4 lớp. Tuy nhiên, số học sinh đến đăng ký học nhiều hơn, nhà trường kiến nghị quận cho phép tuyển thêm một lớp để đáp ứng nhu cầu cho con đến trường của người dân trên địa bàn.

Trường mầm non Hoa Đào là một trong 4 ngôi trường được xây mới và nâng cấp, mở rộng để đưa vào sử dụng trong năm học 2017​-2018, tại Quận 12.

Trong năm học mới, Quận có 87 phòng học mới được đưa vào sử dụng. Ngoài ra, để chuẩn bị năm học mới, quận đã đầu tư gần 12 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp các trường và gần 6,6 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị giáo dục.

Tương tự, nhiều quận, huyện khác đã nỗ lực chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ năm học mới. Năm học 2017-2018, huyện Bình Chánh có 5 trường mầm non mới với gần 60 phòng học được đưa vào sử dụng. Cùng với đó, Trường tiểu học Tân Quý Tây được xây lại với quy mô 30 phòng học cũng sẽ đưa vào sử dụng trong năm học tới...

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2017-2018, thành phố đưa vào sử dụng gần 1.500 phòng học mới; trong đó bậc mầm non tăng 370 phòng học, bậc tiểu học tăng 344 phòng, trung học cơ sở tăng 422 phòng, trung học phổ thông 314 phòng.

Các quận, huyện có số học sinh tăng cao, đưa vào sử dụng nhiều phòng học mới nhất là Quận 12 có 82 phòng, quận Bình Tân có 89 phòng, quận Thủ Đức có 30 phòng, huyện Bình Chánh có 137 phòng, Củ Chi có 202 phòng.

Cùng với việc đưa vào sử dụng các phòng học mới, việc sửa chữa nhỏ và mua trang thiết bị, đồ dùng dạy học cũng được triển khai.

Cụ thể, các trường từ bậc ​mầm non đến trung học cơ sở thuộc khối quận, huyện đã được cấp hơn 163 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị và hơn 275 tỷ đồng phục vụ sửa chữa nhỏ.

Các trường trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục thường xuyên trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố được đầu tư khoảng hơn 25 tỷ đồng để mua trang thiết bị và hơn 60,6 tỷ đồng để sửa chữa cơ sở vật chất.

“Năm học 2017-2018, thành phố đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn thành phố có đủ chỗ học, trong điều kiện trang thiết bị dạy và học được đảm bảo,” ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định.

Linh hoạt trong phân bổ học sinh đầu cấp

Mỗi năm, Thành phố Hồ Chí Minh đón nhận một lượng lớn học sinh đầu cấp, áp lực về tình trạng quá tải là không nhỏ. Những kế hoạch phân bố học sinh hợp lý của các quận, huyện giúp cân đối số lượng giữa các trường, đảm bảo chỗ học cho tất cả học sinh trên địa bàn.

Việc tuyển sinh đầu cấp được các quận, huyện tổ chức tốt với những giải pháp linh hoạt nhằm đảm bảo chỗ học cho mọi học sinh, đồng thời phân bổ số lượng học sinh giữa các trường được cân đối, hợp lý về sĩ số cũng như thuận tiện điều kiện đi lại cho học sinh.

Tại quận Bình Tân, năm học 2017-2018, số học sinh vào lớp 6 lên đến hơn 7.000 học sinh (trong khi số học sinh học xong lớp 9 có hơn 3.000 học sinh). Để cân đối học sinh giữa các khu vực, quận đã sớm thực hiện việc điều tra số lượng học sinh theo địa bàn dân cư, đồng thời vừa thăm dò ý kiến phụ huynh để phân bổ học sinh đến những trường gần nhất.

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân cho biết, ngay từ đầu năm, Phòng đã in khoảng 7.000 phiếu phân tuyến học sinh nguyện vọng 1 gửi về cho phụ huynh học sinh lớp 5 các trường tiểu học trên địa bàn để phụ huynh nắm.

Sau đó, Phòng sẽ xem xét và tiếp tục phân bổ học sinh sang nguyện vọng 2 ở những trường lân cận. Các làm này được phụ huynh đồng tình và qua đó cũng đảm bảo tất cả học sinh đều có chỗ học, đồng thời cân đối lượng học sinh giữa các trường, giảm quá tải ở những địa phương tập trung quá đông học sinh.

Riêng ở bậc tiểu học, quận Bình Tân có hơn 10.300 học sinh vào lớp 1, trong khi năm học trước có khoảng 8.300 học sinh. Ông Tuyên chia sẻ, dù quận có một trường tiểu học mới được đưa vào sử dụng với sức chứa khoảng 1.500 học sinh nhưng chắc chắn không tránh được quá tải.

Hội đồng tuyển sinh của quận phối hợp với các phường lấy ý kiến phụ huynh giữa các phường gần nhau để trao đổi, sắp xếp học sinh đến trường gần nhà nhất.

Cụ thể, phường Bình Trị Đông A có 929 trẻ vào lớp 1 nhưng tại phường chỉ có một Trường tiểu học Bình Trị Đông A, khả năng nhận chỉ được 257 học sinh nên số còn lại được phân về các Trường tiểu học Bình Trị 1 (phường Bình Trị Đông), Tân Tạo (phường Tân Tạo).

Các phường Bình Hưng Hòa A, Bình Trị Đông B cũng gửi trên 100 học sinh đến các phường lân cận khác.

Tương tự, quận Tân Bình năm học mới này cũng đón nhận số học sinh vào lớp 1, lớp 6 nhiều hơn so với năm trước, với khoảng hơn 6.000 em mỗi bậc học.

Tại quận này, Phường 15 là địa bàn giáp quận Gò Vấp và Quận 12, lượng dân nhập cư tăng nhanh kéo theo đó tăng nhiều số trẻ ở độ tuổi đến trường.

Tuy nhiên, Phường 15 chỉ có hai trường tiểu học nên không đáp ứng đủ chỗ học. Quận đã họp bàn phân bố một số trẻ ở Phường 15 sang các trường tiểu học ở phường lân cận để đảm bảo chỗ học.

Phương án "gửi" học sinh từ khu vực này qua khu vực lân cận để cân đối lượng học sinh cũng được nhiều quận, huyện khác thực hiện.

Ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình cho biết, trên quan điểm đảm bảo đủ chỗ học cho con em nhân dân trong quận, cách làm này sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu chỗ học cho các em.

Nếu sau khi thực hiện giải pháp này mà vẫn còn gặp khó khăn,giải pháp tiếp theo là giảm số học sinh bán trú trong nhà trường.

[TP.HCM đối mặt với áp lực số lượng học sinh tăng nhanh]

Đảm bảo đội ngũ giáo viên

Lượng học sinh tăng cao hàng năm, bên cạnh áp lực về cơ sở vật chất, nhu cầu về giáo viên cũng tăng theo. Việc tuyển đủ giáo viên và "giữ chân" được giáo viên giỏi cũng là vấn đề đặt ra với ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Với những quận tập trung đông học sinh và có lượng học sinh hàng năm tăng cao như quận Bình Tân, Quận 12, huyện Bình Chánh…, nhu cầu tuyển dụng giáo viên khá cao.

Đáp ứng yêu cầu cho năm học mới, quận Bình Tân cần tuyển hơn 500 giáo viên từ bậc mầm non đến trung học cơ sở. Ngay trong năm học này, quận bắt đầu mở rộng đối tượng tuyển giáo viên mầm non không bắt buộc có hộ khẩu tại thành phố theo chủ trương của thành phố.

Ở các bậc học khác, quận tổ chức tuyển đợt 1 cho các ứng viên có hộ khẩu tại thành phố, những đợt tiếp theo còn thiếu sẽ xin chủ trường mở rộng đối tượng tuyển giáo viên từ các địa phương khác.

Để đáp ứng yêu cầu tăng trường lớp cũng như thay thế đội ngũ giáo viên nghỉ việc hàng năm, theo kế hoạch, trong năm học mới 2017-2018, Quận 12 tuyển 183 giáo viên, trong đó 33 giáo viên mầm non, 50 giáo viên tiểu học, 91 giáo viên trung học cơ sở.

Tuy nhiên, số học sinh trên địa bàn quận tăng hơn 1.000 học sinh so với dự kiến trước đó, do vậy, quận đang tiếp tục tuyển thêm 26 giáo viên tiểu học để đáp ứng yêu cầu.

Sau nhiều năm luôn trong tình trạng thiếu giáo viên, từ năm 2015, huyện Bình Chánh đã được thực hiện chủ trương tuyển giáo viên không cần hộ khẩu thành phố ở các bậc học.

Tuy nhiên, theo ông Trần Trí Dũng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Chánh, do theo quy định, giáo viên được lựa chọn nguyện vọng ứng tuyển nên phần lớn chọn vào những trường lớn, gần trung tâm.

Từ đó dẫn đến thực trạng, những trường ở xa nguồn tuyển thấp, ít có điều kiện tuyển chọn giáo viên giỏi, còn những trường ở gần tỷ lệ chọi cao khiến giáo viên giỏi vẫn không được tuyển.

Bên cạnh đó, việc tuyển dụng cũng gặp tình trạng “ảo” số lượng giáo viên trúng tuyển. Cụ thể như, một ứng viên có thể nộp hồ sơ thi tuyển vào nhiều trường ở nhiều quận huyện khác nhau, khi trúng tuyển lại chọn công tác ở đơn vị khác dẫn đến thiếu giáo viên. Thực tế hàng năm cho thấy, số lượng nhận nhiệm sở có 10% “ảo” nên tình trạng thiếu giáo viên trong năm học vẫn xảy ra.

Do nhu cầu tăng cao, nguồn tuyển lại hạn chế, những năm trước, nhiều quận, huyện xảy ra tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều bộ môn. Từ khi đưa vào hoạt động (năm học 2016-2017), Trường trung học cơ sở Phong Phú (huyện Bình Chánh) luôn trong tình trạng thiếu giáo viên các bộ môn âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ dù đã tuyển nhiều đợt.

Thầy Võ Thanh Nhàn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, những đợt tuyển đầu trường tuyển giáo viên có hộ khẩu Thành phố Hồ Chí Minh nhưng không có ứng viên, trường tiếp tục xin chủ trương mở rộng đối tượng tuyển nhưng vẫn không tuyển được.

Không chỉ riêng Trường trung học cơ sở Phong Phú, tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn học như âm nhạc, mỹ thuật xảy ra phổ biến ở các trường của các quận, huyện.

Để đảm bảo đủ giáo viên đứng tiết, các trường thực hiện hợp đồng giáo viên với những giáo viên ở trường khác hoặc ngoài ngành. Theo thầy Võ Thanh Nhàn, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do việc cân đối cơ cấu đào tạo sư phạm ngành này chưa đáp ứng yêu cầu thực thế.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu tuyển dụng của ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố cho năm học 2017-2018 là 5.274 người, nhằm thay thế những giáo viên đã nghỉ hưu và phục vụ cho các trường mới thành lập.

Trong đó, khối trung học phổ thông tuyển mới 376 giáo viên, 44 nhân viên; khối mầm non tuyển mới 1.203 giáo viên; tiểu học tuyển thêm 1.809 giáo viên và khối trung học cơ sở tuyển thêm 1.634 người.

“Công tác tuyển dụng giáo viên cho năm học 2017-2018 chú trọng đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, thực hiện tốt nhiệm vụ theo chủ trương đổi mới giáo dục,” ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Thêm chính sách "giữ chân" giáo viên

Đội ngũ giáo viên là lực lượng nòng cốt quyết định sự thành công trong thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Vì vậy, bên cạnh đảm bảo số lượng giáo viên đứng lớp, yêu cầu quan trọng đặt ra là chất lượng đội ngũ phải đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Cùng với tích cực bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, thực tế cho thấy, để thu hút và "giữ chân" được giáo viên giỏi cần có thêm những chế độ chính sách phù hợp, để ít nhất giáo viên có đủ điều kiện đảm bảo cuộc sống, yên tâm công tác.

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân cho rằng, thực hiện quy định chung về xếp hạng chức danh nghề nghiệp như hiện nay không thu hút được người có trình độ cao vào ngành.

Những quy định này còn nhiều bất cập, chưa hợp lý, ví dụ như giáo viên bậc trung học cơ sở đều được xếp lương “cào bằng” ở bậc 3 với mức lương khoảng 2,7 triệu đồng/tháng, do vậy không tuyển và "giữ chân" được những người tài. Mặt khác, quy định này cũng không khuyến khích giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, bởi có học cao hơn, thu nhập cũng không tăng.

Tại quận Bình Tân, hàng năm, vẫn có nhiều giáo viên, kể cả giáo viên đã có biên chế cũng nghỉ việc, chuyển qua những ngành nghề khác do thu nhập không đáp ứng yêu cầu cho cuộc sống hàng ngày.

Năm học vừa qua, 120 giáo viên đã nghỉ việc, chuyển việc, nhất là các vị trí nhân viên không có thêm phụ cấp mà chỉ có lương khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng nên rất khó "giữ chân" giáo viên.

Vừa qua, thành phố đã xây dựng chính sách thu hút và "giữ chân" giáo viên mầm non, chủ trương này được xã hội đánh giá tích cực, tạo sự chuyển biến trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên triền miên ở bậc học này.

Theo đó, vấn đề thu nhập của giáo viên được phần nào giải quyết như thêm tiền phụ cấp, khuyến khích người có trình độ cao, tăng lương... giúp đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề và chủ động nâng cao trình độ chuyên môn.

Đặc biệt, cơ chế cho phép tuyển dụng giáo viên mầm non không yêu cầu có hộ khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng với những chính sách đãi ngộ vừa được thành phố thông qua tạo điều kiện lựa chọn được giáo viên giỏi ở nhiều địa phương khác, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ở thành phố.

Nhiều chính sách thu hút và "giữ chân" giáo viên ở các bậc học khác đang được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng, tham mưu đề xuất cơ chế để Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét, quyết định triển khai trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục