Đàm phán tái thiết mô hình chia sẻ quyền lực tại Bắc Ireland thất bại

Đảng lớn thứ hai tại Bắc Ireland Sinn Fein thông báo các cuộc đàm phán giữa đảng này và đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) thân London nhằm tái thiết mô hình chia sẻ quyền lực đã thất bại.
(Từ trái sang): Đàm phán viên của Sin Fein Conor Murphy, Lãnh đạo Sin Fein Michelle O'Neill và Chủ tịch Sin Fein Gerry Adams trong cuộc họp báo tại Stormont, thủ phủ Belfast ngày 1/11. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Ngày 1/11, đảng lớn thứ hai tại Bắc Ireland Sinn Fein thông báo các cuộc đàm phán giữa đảng này và đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) thân London nhằm tái thiết mô hình chia sẻ quyền lực tại vùng lãnh thổ này đã thất bại.

Phát biểu trước báo giới, lãnh đạo Sinn Fein, Michelle O'Neill cho biết dù cả hai bên đều đã nỗ lực tối đa nhưng các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tuần qua vẫn kết thúc mà không có kết quả. Bà kêu gọi chính phủ Anh và Ireland "hành động khẩn cấp" để giữ thế cân bằng tại Bắc Ireland.

Hai đảng Sinn Fein và DUP đã chia sẻ quyền lãnh đạo vùng lãnh thổ này hàng thập kỷ qua theo Hiệp ước hòa bình "Good Friday" (Thứ Sáu tốt lành) ký kết năm 1998 đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột bạo lực đã cướp đi sinh mạng của 3.600 người liên quan tới vấn đề nên sáp nhập vùng đất này về Cộng hòa Ireland hay vẫn duy trì như một phần lãnh thổ của Anh.

Tuy nhiên, hồi tháng 1 vừa qua, đảng Sinn Fein đã rút khỏi mô hình chia sẻ quyền lực với lý do không được đối xử công bằng.

[Thủ tướng Anh ủng hộ mô hình chia sẻ quyền lực tại Bắc Ireland]

Trong khi đó, Bộ trưởng về Bắc Ireland của Anh, James Brokenshire​ cùng ngày cho biết quốc hội nước này sẽ bỏ phiếu dự luật áp đặt ngân sách trực tiếp cho vùng Bắc Ireland vào cuối tháng 11 này sau khi các cuộc đàm phán chia sẻ quyền lực giữa hai đảng chính tại vùng lãnh thổ không có kết quả.​

Ông Brokenshire cũng cho biết việc thông qua một dự luật ngân sách sẽ không "cản trở" việc nối lại các vòng đàm phán chính trị và hoàn toàn có thể đảo ngược nếu hai bên đạt được thỏa thuận. Ông khẳng định một mô hình chia sẻ quyền lực luôn được ưu tiên tại Bắc Ireland.

Việc tái áp đặt ngân sách được coi là một nước đi thể hiện sự kiểm soát trực tiếp từ London, điều khiến nhiều người lo ngại sẽ phá vỡ thế cân bằng chính trị vốn rất mong manh tại Bắc Ireland.

Phía Cộng hòa Ireland cho rằng theo các điều khoản trong Hiệp ước "Good Friday" thì phía này cũng sẽ có quyền kiểm soát trực tiếp nếu mô hình chia sẻ quyền lực bị phá vỡ.

Đây cũng sẽ là một thách thức khác với Thủ tướng Anh Theresa May​ khi chính phủ của bà vẫn đang chật vật với các cuộc đàm phán Brexit.

Ngoại trưởng Cộng hòa Ireland Simon Coveney​ cùng ngày cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc khi hai đảng Sinn Fein và DUP không thể đạt được thỏa thuận đồng thời cho rằng việc kiểm soát trực tiếp sẽ khiến mối quan hệ với London càng trở nên phức tạp và đây cũng không phải điều mà Cộng hòa Ireland mong muốn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục