Theo tờ Richmond Review, việc các biển quảng cáo và chỉ dẫn bằng tiếng Trung Quốc gia tăng ở Bờ Tây Richmond, tỉnh British, Columbia đang làm dấy lên một cuộc tranh cãi.
Sự việc được đẩy lên cao khi một quảng cáo kem đánh răng Crest tại một trạm xe buýt trên đường cao tốc được viết hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc.
Các công ty viễn thông, môi giới bất động sản và ngân hàng đã từng có các mẫu quảng cáo chỉ dùng tiếng Trung Quốc trên thành xe buýt và thư gửi trực tiếp khách hàng, nhưng quảng cáo hàng tiêu dùng bằng tiếng Trung Quốc là điều hiếm gặp.
Kerry Starchuk, một cư dân lâu năm ủng hộ việc đưa tiếng Anh lên các biển chỉ dẫn, đã lên kế hoạch tẩy chay các sản phẩm của P&G vì quảng cáo kem đánh răng trên.
Một số người dùng Twitter cũng tự hỏi nếu quảng cáo này được dùng ở Quebec, nơi tiếng Pháp được bảo vệ và tôn trọng bởi luật pháp, thì sẽ có kết quả như thế nào.
Richmond là một trong những cộng đồng có đông người gốc Trung Quốc nhất Canada, chiếm 50% dân số 205.000 người ở đây.
Trước đây, thành phố này cũng đã gặp phải vấn đề tương tự. Đầu năm nay, SUCCESS, một công ty dịch vụ đa văn hóa, đã bị gây sức ép phải gỡ xuống các biển quảng cáo bằng tiếng Trung Quốc.
Năm ngoái, Hội đồng thành phố Richmond cũng nhận được đơn kiến nghị có chữ ký của 1.000 người về các quy định cho phép “một lượng nhỏ tiếng Anh xuất hiện trên các biển chỉ dẫn, biển quảng cáo và tên cửa hàng.”
Trong khi hội đồng thành phố bỏ phiếu chống lại quy định này, thị trưởng Richmond, ông Malcolm Brodie lại tỏ ý không thoải mái với những biển hiệu.
Trả lời phỏng vấn đài truyền thanh CKNW, ông Brodie cho biết: “Tôi khá băn khoăn với việc xuất hiện các biển hiệu và biển quảng cáo chỉ viết bằng tiếng Trung Quốc. Khi chúng tôi nhìn thấy một tấm biển chỉ có chữ Trung Quốc hay những ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh, chúng tôi sẽ liên lạc với người chủ và nói rằng việc kinh doanh của họ thật vô nghĩa."
"Họ đang bỏ qua một phần thị trường vì quảng cáo của họ chỉ đến được với một bộ phận nhỏ trong cộng đồng.”
“Trừ phi chúng ta có được sự ủng hộ của hiến pháp để ra quy định về việc sử dụng ngôn ngữ trong biển hiệu ở địa phương như ở Quebec, tòa thị chính không có quyền bắt buộc mọi người phải thực hiện những quy định như vậy,” ông Brodie nói thêm.
Chiến lược mềm dẻo của ông Malcolm Brodie hiện đang có kết quả tốt. Nhưng nhiều khả năng những sự việc tương tự có thể sẽ lại nổi lên ở những tỉnh, thành phố khác tại Canada.
Theo một phân tích của Cục thống kê Canada, tới năm 2031, 63% dân số ở Toronto và 59% dân số ở Vancouver sẽ là “một cộng đồng thiểu số của những người không phải người da trắng,” do tỷ lệ nhập cư tại các cộng đồng này tăng cao./.