Đi và viết, dấn thân vào những chủ đề khó, nhiều thử thách, gian nan, thậm chí hiểm nguy là cách để phóng viên thường trú Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại các địa phương trau dồi tay bút, tay máy, góp phần khẳng định thương hiệu của ngành.
Kiên trì bám nắm địa bàn, phát hiện và phản ánh kịp thời những vấn đề "nóng," dư luận xã hội quan tâm, góp phần đấu tranh chống tiêu cực, sai trái... giúp họ có được những bài báo hay, giàu tính chiến đấu, được công chúng đón nhận, đánh giá cao.
Những "hoa thơm, trái ngọt" gặt hái được qua các mùa giải báo chí chính là chất xúc tác để họ tiếp tục lăn xả với nghề, nỗ lực góp phần vì một xã hội tốt đẹp hơn.
Nhân dịp 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, phóng viên TTXVN thường trú tại Lai Châu, Đắk Nông chia sẻ những tâm sự và trải nghiệm của bản thân trong quá trình tác nghiệp, lăn lộn với thực tiễn cơ sở.
Cần "cái đầu lạnh và trái tim nóng"
Loạt phóng sự 5 bài "Buông lỏng quản lý xây dựng công trình thủy điện ở Lai Châu" đăng tải đã gần một năm, nhưng đến nay tôi (Việt Hoàng - Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Lai Châu) vẫn không thể quên được những lời lẽ đe dọa, xúc phạm và cả việc dùng để tiền mua chuộc của chủ đầu tư.
Những tin nhắn đe dọa như "xin một cánh tay," "đuổi khỏi cơ quan," "vợ con mày ở quê phải cẩn thận"… khiến tôi suy nghĩ, trăn trở rất nhiều. Nhưng đã dấn thân vào nghề làm báo, thực hiện đề tài chống tiêu cực, tôi tự nhủ: Phải giữ cho mình "cái đầu lạnh và trái tim nóng," tỉnh táo phân tích sự việc, con người, đơn vị mà mình đang hướng tới, từ đó đưa ra phương án tác nghiệp, thông tin hợp lý, hiệu quả nhất.
Trước một vấn đề đang theo đuổi, khi bị đe dọa, nếu bản thân không yêu nghề, thiếu can đảm, thiếu bản lĩnh, thì rất dễ bị chùn bước và sẽ không thể có được những tác phẩm báo chí chất lượng để chuyển tải tới công chúng.
Nghề báo là nghề nguy hiểm, viết về tiêu cực, mặt trái của xã hội thì lại càng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy. Dịp cận Tết Nguyên đán 2019, tôi cùng đồng nghiệp đi thực hiện đề tài chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Ngoài việc tự đóng vai đi điều tra riêng, phóng viên còn cùng lực lượng chức năng đến một số cửa hàng, siêu thị để kiểm tra và đã thu giữ nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc...
Về tới cơ quan, thấy nhiều người lạ đi xe máy qua lại trước cổng nhiều lần, để bảo đảm an toàn, tôi đã chủ động thông báo cho cơ quan chức năng và lắp hệ thống camera giám sát để phòng bất trắc. Ít hôm sau, từ một số điện thoại lạ có người gọi đến đe dọa vì cho rằng do phóng viên viết bài nên họ bị tịch thu khối lượng lớn hàng hóa.
Nhà báo viết về đề tài tiêu cực chịu áp lực từ nhiều phía, nhất là cá nhân hoặc đơn vị sai phạm mà bài viết đề cập tới. Ít ai sai mà lại thừa nhận dễ dàng là mình sai, vì vậy sau khi báo đăng thì cá nhân, đơn vị đó tìm cách phản kháng tới cơ quan chức năng, cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản báo chí…
Bản thân tôi cũng gặp tình huống này khi thực hiện loạt bài "Buông lỏng quản lý xây dựng công trình thủy điện ở Lai Châu." Khi đó, tôi đã bình tĩnh, cẩn trọng tập hợp chứng cứ, thu thập thông tin để báo cáo cơ quan. Khi thực hiện tác phẩm báo chí, chỉ có thông tin minh bạch, chính xác mới giữ vững được lòng tin của công chúng và uy tín của cơ quan. Một tác phẩm báo chí khi đăng tải, người chịu trách nhiệm về thông tin không chỉ là nhà báo (tác giả) mà cả cơ quan báo chí và người cung cấp thông tin...
[Người làm báo - những 'chiến sỹ' trên mặt trận tư tưởng văn hóa]
Thực tế cho thấy khi dấn thân thực hiện những đề tài chống tiêu cực, người làm báo cần vững về chuyên môn nghiệp vụ, thận trọng tham khảo ý kiến của chuyên gia, luật sư và người có kinh nghiệm trong nghề...
Nhà báo phải thâm nhập thực tế, "vào tâm bão," tai phải nghe nhiều phía, mắt quan sát kỹ lưỡng nhiều chiều, tuyệt đối không nghe người này người kia nói khi chưa có căn cứ để đưa vào bài viết. Nhà báo điều tra không thể ngồi bàn giấy, phòng lạnh mà có một bài viết thuyết phục. Ngược lại, nhà báo phải lăn lộn ở cơ sở để có những bài viết mang hơi thở và thanh âm của cuộc sống.
Bắt tay thực hiện đề tài chống tiêu cực, điều mà phóng viên mong muốn hơn cả là cơ quan, người đứng đầu đơn vị hiểu và đồng hành, ủng hộ, qua đó hun đúc được tinh thần và nhuệ khí cho phóng viên làm nghề, giúp họ thêm vững tin đối chọi với mọi hiểm nguy và đe dọa.
Khi thực hiện phóng sự điều tra, phóng viên phải báo cáo đề tài với lãnh đạo để đơn vị tổ chức các bước thực hiện chặt chẽ, bố trí nhân lực, thiết bị và biện pháp an toàn khi tác nghiệp.
Bên cạnh đó, khi tác nghiệp, cần có hai người cùng đi, vừa hỗ trợ vừa giám sát lẫn nhau, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình tiếp cận và xử lý thông tin.
Bản thân nhà báo phải có ý thức tuân thủ pháp luật, chọn đúng và trúng vấn đề, xây dựng được uy tín, danh dự và niềm tin của cơ quan, đồng nghiệp, công chúng.
Khẳng định bản lĩnh và uy tín nghề nghiệp
Đắk Nông là một tỉnh mới tái lập, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Từ một địa phương ít được biết đến, mấy năm nay, Đắk Nông nổi tiếng cả nước với những câu chuyện "bất đắc dĩ" như: bắn chết người do tranh chấp đất rừng; sản xuất càphê, tiêu giả; xăng giả; tiền giả và thậm chí là "cáo phó"… giả (vụ giết người, dựng hiện trường giả tại Đắk Nông vào tháng Năm vừa qua). Những vụ việc "nóng" như vậy chính là dịp thử thách để phóng viên thường trú khẳng định bản lĩnh và uy tín nghề nghiệp.
Tháng 10/2016, một vụ nổ súng do tranh chấp đất rừng xảy ra ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, làm 3 người chết và 13 người bị thương.
Hiện trường vụ việc nằm sát biên giới, cách trung tâm thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) hơn 100km, đường sá đi lại khó khăn, nhiều đoạn không đi được bằng xe gắn máy, chỉ có cách duy nhất để di chuyển là đi bộ.
Thông tin ban đầu về vụ việc, các diễn biến cập nhật tiếp theo, hình ảnh đăng trên các báo điện tử, video clip phát sóng trên truyền hình… đều được nhóm phóng viên TTXVN tại Đắk Nông thực hiện nhanh chóng, "đi trước một bước" so với các báo bạn.
Để thực hiện được kết quả như trên, nhóm phóng viên TTXVN đã không ngần ngại băng rừng, vượt hơn 20km đường lầy lội, tận dụng, khai thác các nguồn thông tin, từ các cơ quan chức năng cho đến các nguồn tin riêng của phóng viên với mục tiêu thông tin chính xác, định hướng dư luận kịp thời.
Tháng 3/2017, hai phóng viên của TTXVN tại Đắk Nông cũng đã "chạm mặt" các kiểm lâm viên của Chi cục Kiểm lâm vùng IV (chuyên quản lý rừng các tỉnh Tây Nguyên) tại hiện trường vụ phá hơn 46 ha rừng tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông.
Đoàn công tác của Chi cục Kiểm lâm vùng IV không khỏi ngạc nhiên vì thông tin phóng viên nắm được quá nhanh và chính xác. Một lãnh đạo đoàn sau đó đã chia sẻ với phóng viên rằng họ đinh ninh chỉ có họ mới biết rõ và đầy đủ thông tin về vụ việc, không ngờ khi đi kiểm tra, ghi nhận hiện trường đã lại gặp phóng viên đang tác nghiệp.
Loạt thông tin về vụ phá trắng 46ha rừng sau đó đã vinh dự được Hội đồng chấm giải báo chí của TTXVN trao giải A Giải báo chí năm 2017 và đạt giải B Giải báo chí tỉnh Đắk Nông cùng năm.
Các hình ảnh, thông tin, tư liệu mà nhóm phóng viên thu thập được sau chuyến công tác cũng đã được Cơ quan công an xin chia sẻ để phục vụ quá trình điều tra, xử lý các đối tượng liên quan.
Năm 2019, loạt bài về những bất thường, sai phạm trong việc thực hiện dự án Bến xe huyện Krông Nô của nhóm phóng viên TTXVN tại Đắk Nông cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại địa phương. Loạt bài sau đó đã được trao giải B giải báo chí TTXVN năm 2019.
Các lập luận chặt chẽ, chứng cứ thuyết phục, viện dẫn các quy định pháp luật rõ ràng của các tác giả đã "làm mới" một vấn đề mà nhiều cơ quan chức năng tại địa phương "nhìn nhưng không thấy."
Thực tế tại Đăk Nông cho thấy bên cạnh xây dựng, khẳng định thương hiệu bằng việc tiên phong, nhanh nhạy, bằng tính định hướng trong thông tin các vấn đề thời sự lớn, việc phản ánh, thông tin kịp thời các vấn đề "gai góc," nhạy cảm, tích cực đấu tranh ngăn chặn tiêu cực, sai phạm, cũng góp phần nâng cao vai trò, uy tín của TTXVN, trong đó có phóng viên và cơ quan thường trú tại địa phương./.