Theo phóng viên TTXVN tại Washington, cuộc đua tranh đề cử tổng thống Mỹ năm 2020 của đảng Dân chủ bước vào giai đoạn quyết định trong tuần này, khi các ứng cử viên bước vào vòng tranh luận thứ 2.
Các cuộc tranh luận, diễn ra tối 30-31/7 tại thành phố Detroit và được CNN truyền hình trực tiếp mang đến cơ hội cuối cùng cho một số ứng cử viên bứt phá và vượt xa khỏi nhóm chạy đua phía sau của đảng Dân chủ.
Trong khi đó, đối với các ứng cử viên hàng đầu, đây cũng là cơ hội để họ tiếp tục khẳng định và củng cố vị trí của mình trước khi bước vào tháng Tám với không nhiều sự kiện vận động tranh cử nói chung.
Cựu phó Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn giữ vị trí đứng đầu trong cuộc đua, song hiện không còn giữ khoảng cách lớn so với các ứng cử viên bám đuổi phía sau.
[Giám đốc FBI: Nga vẫn cố gắng can thiệp vào các cuộc bầu cử Mỹ]
Các Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren (bang Massachusetts), Bernie Sanders (bang Vermont) và Kamala Harris (bang California) được xem là những đối thủ rất đáng gờm đối với ông Biden.
Kết quả các cuộc tranh luận trong tuần này chắc chắn phần nào cũng sẽ được nhìn qua "lăng kính" của các cuộc tranh luận đầu tiên, diễn ra một tháng trước tại Miami.
Tại thời điểm đó, ông Biden đã có một đêm thể hiện kém thuyết phục khi phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt từ ứng cử viên Harris liên quan tới câu chuyện của các thượng nghị sỹ phân biệt miền Nam của thời kỳ trước.
Chính những lời chỉ trích này đã có tác động rất lớn tới tỷ lệ ủng hộ gia tăng đối với bà Harris và giảm sút đối với ông Biden tại các cuộc thăm dò dư luận ngay sau đó.
Do đó, ông Biden sẽ cần phải làm tốt hơn nữa trong khoảng thời gian này trước khi có sự lo lắng từ những người ủng hộ ông.
Nhà chiến lược của đảng Dân chủ Julie Roginsky cho rằng ông Biden sẽ không còn nhiều cơ hội để thể hiện bản thân nhằm củng cố vị trí chạy đua dẫn đầu của mình trong số các ứng cử viên khác.
Tuy nhiên, các trợ lý của ông Biden cho biết họ sẽ có một đường lối quyết liệt hơn để chống lại những lời chỉ trích, trong khi ứng cử viên này cũng nhấn mạnh trong một cuộc vận động gây quỹ hôm 24/7 rằng lần này ông sẽ không "lịch sự" như trước.
Những người ủng hộ muốn ông Biden cần phải thể hiện nhiều hơn trong cuộc tranh luận lần này, một phần cũng nhằm củng cố khả năng ông sẽ là ứng cử viên đáng gờm nhất để đối mặt với Tổng thống Donald Trump vào tháng 11/2020.
Trong khi đó, ông Trump chắc chắn sẽ theo sát bất kỳ dấu hiệu nào thể hiện sự "yếu đuối" hoặc do dự của ông Biden trong sự kiện tuần này.
Tờ The Hill trích dẫn một nguồn tin cũng lưu ý rằng việc bà Harris gặt hái được một số thành công sau màn trình diễn có phần lấn lướt ông Biden ở Miami hồi cuối tháng 6 vừa qua được xem như một động lực khích lệ các ứng cử viên khác.
Chuyên gia Roginsky cũng cho rằng ứng cử viên Harris đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi cho màn tranh luận lần trước và điều này mở ra cơ hội cho những người khác làm điều tương tự. Việc ông Biden tham gia đêm tranh luận thứ hai cùng với các Thượng nghị sỹ Harris và Cory Booker (bang New Jersey) - 2 ứng cử viên lớn của người Mỹ gốc Phi trong cuộc đua - được dự báo có thể sẽ mang đến những màn tranh luận giữa các nhân vật này.
Ông Booker cũng là người mới đây đã nêu lại sự ủng hộ của ông Biden đối với dự luật tội phạm năm 1994 gây tranh cãi khi ông Biden công bố kế hoạch mới về cải cách tư pháp hình sự.
Trong khi đó, Kate Bedingfield, phó Giám đốc phụ trách chiến dịch của ông Biden, cáo buộc ứng cử viên Booker đã đưa ra những lời "buộc tội nghiêm trọng" và nói rằng ông Booker có một số vấn đề khó trả lời về các quan điểm chính trị trong quá khứ của mình, bao gồm cách tiếp cận "không khoan nhượng" khi ông còn làm Thị trưởng Newark, bang New Jersey.
Ông Booker là một trong những ứng cử viên đã nỗ lực nhằm giành sự ủng hộ của cử tri trong cuộc đua cho dù ông được đánh giá cao ngay từ đầu.
Một ứng cử viên khác là Beto O'Rourke, cựu Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ bang Texas, cũng đã phải thể hiện sự nỗ lực rất lớn để bước vào vòng tranh luận này vì O'Rourke đã có màn tranh luận kém thuyết phục tại vòng đầu tiên, nhất là những màn đối đáp chưa hiệu quả đối với cựu Bộ trưởng Phát triển nhà và đô thị Julián Castro.
Do vậy, những người như ông Booker và O'Rourke hoặc bất kỳ ứng cử viên không phải hàng đầu nào đều có thể rời bỏ cuộc đua ngay sau lần tranh luận này. Tuy nhiên, những khoảnh khắc của các ứng cử viên này lại có thể vùi dập hoặc làm hồi sinh hy vọng cho một số ứng cử viên khác.
Theo dự đoán của Mitchell McKinney, Giám đốc Viện truyền thông chính trị thuộc Đại học Missouri, với một số quy định chặt chẽ hơn của cuộc tranh luận vòng 3 vào tháng Chín tới, cuộc tranh luận lần thứ 2 này có thể là cơ hội cuối cùng mà cử tri được chứng kiến màn thể hiện của 1/3 hoặc một nửa ứng cử viên.
Do vậy, tại sự kiện ở thành phố Detroit sắp tới, các ứng cử viên cũng sẽ phải chịu nhiều sức ép trước những câu hỏi hóc búa của các ứng cử viên trên sân khấu.
Hai ứng cử viên Sanders và Warren hiện nhận được số phiếu cao nhất trong số những nhân vật sẽ tham gia đêm tranh luận đầu tiên vào đêm 30/7, điều có thể khiến cuộc "đụng độ" của họ trở thành cuộc đấu tranh giữa các cử tri có quan điểm ôn hòa.
Tuy nhiên, sự hiện diện của ông Sanders và bà Warren trong đêm đầu tiên cũng có thể đem lại cơ hội cho Thượng nghị sỹ Amy Klobuchar (bang Minnesota), người có quan điểm theo chủ nghĩa trung dung.
Tầm quan trọng của các cuộc tranh luận ở thành phố Detroit sắp tới cũng có thể được phóng đại bởi vì các cuộc tranh luận đó diễn ra vào thời điểm "dòng chảy" của các tin tức chính trị khác bắt đầu chậm lại.
Hạ viện đã sẵn sàng trong khi Thượng viện chỉ còn một tuần nữa trong phiên họp trước khi các thành viên cũng dự kiến rời khỏi Tòa nhà Quốc hội cho kỳ nghỉ.
Điều đó có nghĩa là mọi thứ như được sắp đặt và sự chú ý của chính trường Mỹ sẽ dồn cả vào 2 đêm tranh luận quyết định sắp tới./.