Đằng sau sự cố mất điện 'lịch sử' tại Venezuela

Vụ mất điện trên diện rộng khiến hàng triệu dân Venezuela rơi vào cảnh tối tăm làm dấy lên một câu hỏi: Tại sao một đất nước được cho là có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới lại phải chịu cảnh mất điện?
Cảnh mất điện tại Caracas của Venezuela, ngày 9/3 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh mất điện tại Caracas của Venezuela, ngày 9/3 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

AP đưa tin, một vụ mất điện trên diện rộng khiến hàng triệu người dân Venezuela rơi vào cảnh tối tăm đã làm dấy lên một câu hỏi: Tại sao một đất nước được cho là có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới lại phải chịu cảnh mất điện như vậy?

Theo giới phân tích, câu trả lời liên quan đến sự hoạch định chính sách kém, nạn tham nhũng tràn lan và sự tháo chạy của những kỹ sư điện, mặc dù chính phủ đổ lỗi cho các hành động phá hoại.

Dưới đây là một số ghi nhận về nguyên nhân dẫn đến sự cố mất điện mang tính lịch sử này cũng như lý do khiến công tác khôi phục điện kéo dài lâu đến như vậy.

Hệ thống điện tại Venezuela hoạt động thế nào?

Hệ thống điện của Venezuela phụ thuộc chủ yếu vào Guri Dam, một nhà máy thủy điện khổng lồ đã đi vào hoạt động từ cuối những năm 1960.

Mặc dù các kỹ sư điện đã tính toán cho hệ thống điện hiện nay ở Venezuela cho rằng Guri Dam có thể cung cấp khoảng 60% điện năng của đất nước, song hiện nó đang cung cấp đến 80%. Và 20% còn lại xuất phát từ các nhà máy nhiệt điện.

Guri thực sự cung cấp được bao nhiêu điện và nhu cầu thực tế của Venezuela là bao nhiêu không ai biết chính xác, bởi nhiều năm qua các quan chức nước này đã không công bố các con số ấy.

Tuy nhiên, các kỹ sư nghiên cứu chi tiết hệ thống điện Venezuela ước tính nhu cầu thực tế hiện đã giảm xuống khoảng 10.500 MW - tương đương mức tiêu thụ vào năm 1999 - trong bối cảnh các nền công nghiệp đóng cửa và hàng triệu người rời bỏ đất nước.

Một số kỹ sư tính toán Venezuela còn cung cấp ít điện hơn cách đây 20 năm, chủ yếu là do công tác bảo trì các nhà máy rất yếu kém.

Nhiều năm qua, các kỹ sư điện đã cảnh báo rằng Venezuela sẽ rơi vào cảnh cắt điện kéo dài.

Giới phê bình cho biết Guri Dam trên lưu vực sông Caroni từ lâu đã cần nâng cấp và hoạt động rất yếu trong các giai đoạn khô hạn.

Cố Tổng thống Hugo Chavez đã nỗ lực khắc phục tình trạng đất nước phải phụ thuộc quá nhiều vào thủy điện bằng cái mà ông gọi là “Cách mạng điện.”

[Venezuela lập lực lượng đặc biệt bảo vệ cơ sở dịch vụ điện, nước]

Venezuela đã chi hàng tỷ USD vào các nhà máy nhiệt điện mà theo lý thuyết có thể cấp điện cho toàn đất nước mà không cần Guri Dam, thế nhưng hoặc chúng đã không được xây dựng hoặc không được bảo trì tử tế.

Các tướng lĩnh quân sự phụ trách điều hành hệ thống điện của Venezuela và đào tạo các kỹ sư - giống như nhiều ngành nghề khác - đã bắt đầu rời bỏ đất nước.

Người đứng đầu cả Bộ Năng lượng Venezuela lẫn công ty điện quốc gia hiện nay là một Thiếu tướng từng làm việc trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia không có chuyên môn về ngành điện.

Trên Twitter, ông mô tả bản thân là một “người cộng sản, chống đế quốc và theo chủ nghĩa Chavista triệt để.”

Người kế nhiệm ông Chavez, Tổng thống Nicolas Maduro đã xử lý tình trạng thiếu điện này với việc khuyến khích người dân Venezuela sử dụng ít điện bằng cách giảm số giờ làm việc trong tuần và thậm chí còn yêu cầu phụ nữ hạn chế sử dụng máy sấy tóc.

Nguyên nhân của sự cắt điện

Tổng thống Maduro đã đổ lỗi cho một hành động tấn công mạng vào hệ thống điều hành điện quan trọng của nhà máy, dù các kỹ sư nghiên cứu con đập này tin là không phải như vậy.

Có ý kiến cho là một tia lửa đã gây cháy nổ một trong những đường dây 765KV kết nối Guri với Caracas.

Công ty điện khu vực vốn vận hành con đập nhiều thập kỷ trước đã có hẳn một hạm đội trực thăng để giám sát sự cố cháy nổ trong khu vực, song các công nhân ở đó cho biết không có một hệ thống phản ứng nhanh nào được triển khai.

Một công nhân giấu tên cho biết ở đây thiếu sự bảo trì thường xuyên, chẳng hạn như việc cắt các nhành cây để tránh chạm vào đường dây điện.

Còn theo Jose Aguilar, một chuyên gia năng lượng người Venezuela, hiện đang sống tại Mỹ, dù ba đường dây lớn đó đều cách khá xa, song chỉ một tia lửa bùng nổ tại một trong ba đường dây đó đều gây ra sự mất điện ảnh hưởng đến tất cả ba đường dây.

Đằng sau sự cố mất điện 'lịch sử' tại Venezuela ảnh 1Cảnh mất điện tại Caracas của Venezuela, ngày 9/3 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các suy đoán khác còn bao gồm hệ thống kiểm soát sự phân bổ điện năng bị hỏng, một tuabin đã không hoạt động. Aguilar nói: “Chúng tôi không biết thực sự điều gì đã xảy ra vì họ vẫn che giấu.”

Liệu có đúng là một vụ tấn công mạng?

Ba kỹ sư am hiểu về hệ thống điều hành Guri được AP phỏng vấn cho biết khả năng này là không thể. Họ giải thích rằng các máy tính điều hành hệ thống giám sát không được kết nối với Internet và chỉ có thể kết nối nội bộ nên không thể chịu tác động từ một vụ tấn công bên ngoài.

Anurag Srivastave, một giảng viên công nghệ tại Đại học Bang Washington, cho biết cách duy nhất để thực hiện một vụ tấn công mạng vào một hệ thống khép kín chỉ có thể là thông qua tiếp cận trực tiếp vào nơi hệ thống này được lắp đặt.

Giới chức Venezuela chưa đưa ra các bằng chứng về một vụ tấn công mạng, song đã chỉ ra những thủ phạm mà họ nói là có liên quan.

Tối hôm xảy ra vụ mất điện, Thượng nghị sỹ Mỹ Marco Rubio lên Twitter viết về vụ mất điện chỉ vài phút trước khi sự cố xảy ra và Bộ trưởng Thông tin Rodriguez cho rằng ông Rubia có thể biết trước vụ việc.

Ngày 12/3 vừa qua, công tố viên trưởng thân Maduro của Venezuela tuyên bố lãnh đạo đối lập Juan Guaido đang bị điều tra vì bị tình nghi phá hoại.

Chính phủ cũng đã bắt giữ một nhà báo từng nói về việc Venezuela dễ bị mất điện và một đoạn băng được đăng lên truyền hình nhà nước làm chứng cứ cho thấy ông này đã biết trước về một vụ tấn công.

Điện sẽ được khôi phục trong bao lâu nữa?

Bộ trưởng Thông tin Venezuela ngày 12/3 vừa qua cho biết hệ thống điện gần như đã được khôi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn có những khu dân cư đã 6 ngày chìm trong bóng tối.

Miguel Lara, một cựu quan chức điều hành một cơ quan độc lập ở Venezuela chuyên thu thập số liệu về tiêu thụ điện, cho biết điện có thể được khôi phục hoàn toàn trong vòng vài ngày - hoặc các sự cố có thể kéo dài trong vài tuần.

Kịch bản tồi tệ nhất theo ông là giai đoạn khôi phục sẽ bị kéo dài, trong đó điện sẽ được khôi phục ở một khu vực song sau đó lại bị cắt vài giờ, hoặc điện sẽ được khôi phục luân phiên tại từng thành phố.

Một số kỹ sư cho rằng nguyên nhân là do thiếu chuyên môn trong cách vận hành trở lại hệ thống điện.

Cũng theo giảng viên công nghệ Srivastava, việc đất nước phụ thuộc vào Đập Guri cũng khiến các nỗ lực khôi phục trở nên phức tạp hơn, bởi việc khôi phục phụ thuộc vào khả năng tiếp cận nhiều nguồn điện khác nhau. Sự phụ thuộc vào một nguồn điện duy nhất khiến quá trình khôi phục chậm lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.