Đằng sau sự “lột xác” của thể thao Nhật Bản tại Olympic Tokyo 2020

Tại kỳ Olympic đặc biệt nhất trong lịch sử nhân loại, đoàn thể thao Nhật Bản đã giành tới 58 huy chương, trong đó có 27 Huy chương Vàng.
Đằng sau sự “lột xác” của thể thao Nhật Bản tại Olympic Tokyo 2020 ảnh 1Vận động viên tennis Naomi Osaka thắp sáng ngọn đuốc Olympic tại lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 23/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau nhiều thập kỷ tụt hậu so với các quốc gia phát triển khác, gần đây, Nhật Bản đã có bước tiến đáng khích lệ ở một số môn thể thao như tennis, bóng chuyền hay bóng chày, vốn là những môn thế mạnh của Mỹ và châu Âu.

Một trong những minh chứng rõ nét nhất về bước tiến này là vị trí số 2 trên bảng xếp hạng Hiệp hội Tennis Nữ (WTF) của ngôi sao quần vợt Naomi Osaka.

Tuy nhiên, thể thao Nhật Bản chỉ thực sự cho thấy sự “lột xác” của mình tại Olympic Tokyo 2020.

Tại kỳ Olympic đặc biệt nhất trong lịch sử nhân loại, đoàn thể thao Nhật Bản đã giành tới 58 huy chương, trong đó có 27 Huy chương Vàng, nhiều hơn 11 Huy chương Vàng so với số Huy chương Vàng kỷ lục mà đoàn giành được trước đó tại Olympic Tokyo 1964 và Athens 2004.

Chung cuộc, đoàn thể thao Nhật Bản xếp thứ 3, chỉ sau hai cường quốc thể thao thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Phát biểu với các phóng viên hôm 8/8, ông Mitsugi Ogata, Phó Trưởng đoàn Olympic Nhật Bản, cho rằng kỷ lục mới về số Huy chương Vàng giành được tại các kỳ thế vận hội của Nhật Bản sẽ truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ vượt qua những khó khăn và thách thức do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Bên cạnh đó, ông Ogata hy vọng nguồn cảm hứng từ màn trình diễn của các vận động viên sẽ là động lực để “thu hút nhiều người tham gia tập luyện thể thao, mang lại nhiều doanh thu quảng cáo hơn, giúp nhiều người sống lâu hơn và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe về lâu dài.”

Theo giới phân tích thể thao, một trong những nhân tố quan trọng dẫn tới “sự lột xác” của thể thao Nhật Bản là sự xuất hiện của các vận động viên đa chủng tộc.

Trong quá khứ, xã hội Nhật Bản có sự phân biệt giữa các vận động viên đa chủng tộc với các vận động viên khác. Tuy nhiên, theo ông Kohei Kawashima, Giáo sư Khoa học Thể thao tại Đại học Waseda, trong một hai thập kỷ gần đây, khái niệm về "người Nhật" đã thay đổi dần dần do công chúng ngày càng nhận thức được rằng những người đa chủng tộc là một phần của xã hội Nhật Bản.

Tại Olympic Tokyo 2020, đoàn thể thao của nước chủ nhà có 582 vận động viên, trong đó có 306 nam và 276 nữ. Đây là đoàn thể thao đông nhất của Nhật Bản từng tham dự Olympic.

[Olympic Tokyo 2020: Cùng nhau giữ vững tinh thần Olympic]

Trong số các vận động viên Nhật Bản, có khá nhiều người lai hai dòng máu khác nhau, trong đó nổi bật nhất là Naomi Osaka - nữ vận động viên được trao vinh dự thắp sáng ngọn đuốc Olympic tại lễ khai mạc trên sân vận động quốc gia hôm 23/7.

Sinh năm 1997 tại tỉnh Osaka, Naomi Osaka có cha là người Haiti, mẹ là người Nhật. Cô bắt đầu thi đấu quần vợt chuyên nghiệp từ năm 2013. Cho đến thời điểm này, Osaka đã giành được 4 giải Grand Slam.

Một nhân vật đáng chú ý khác là vận động viên chạy nước rút Abdul Hakim Sani Brown. Sinh năm 1999 ở tỉnh Kitakyushu, Sani Brown có bố là người Ghana, mẹ người Nhật.

Sani Brown được ca ngợi là vận động viên điền kinh có tiềm năng của Nhật Bản. Anh đã từng giành chức vô địch ở cự ly 100m tại Giải Vô địch Điền kinh Trẻ Thế giới năm 2015 và từng phá kỷ lục quốc gia ở cự ly này với thành tích 9,97 giây tại giải vô địch NCAA năm 2019.

Không chỉ ở các môn thể thao mang tính cá nhân, theo Giáo sư Kawashima, tại Nhật Bản, ngày càng có nhiều vận động viên đa chủng tộc thi đấu ở các môn thể thao đồng đội cùng với các vận động viên khác và cùng nhau hướng tới các mục tiêu chung.

Một ví dụ điển hình đó là có tới 4 trong số 12 cầu thủ của đội tuyển bóng rổ quốc gia Nhật Bản là những người có hai chủng tộc, và 2 người khác là người nhập tịch, trong đó gương mặt nổi bật nhất là ngôi sao Rui Hachimura.

Đằng sau sự “lột xác” của thể thao Nhật Bản tại Olympic Tokyo 2020 ảnh 2Vận động viên da màu Rui Hachimura thi đấu trong màu áo đội tuyển bóng rổ Nhật Bản tại Olympic Tokyo 2020. (Ảnh: Getty Images)

Sinh năm 1998 ở tỉnh Toyama, Hachimura có cha là người Benin, mẹ là người Nhật. Năm 2017, Hachimura đã trở thành vận động viên Nhật Bản đầu tiên thi đấu ở giải NCAA hạng nhất của Mỹ (còn gọi là March Madness).

Ở Nhật Bản, từ lâu, bóng rổ vẫn tụt hậu so với bóng chày và bóng đá về mức độ phổ biến. Tuy nhiên, Hachimura đã giúp nâng tầm môn thể thao này trong mắt người dân Nhật Bản sau khi chuyển tới thi đấu tại Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA).

Tại Olympic Tokyo 2020, Hachimura là một trong hai vận động viên được trao vinh dự cầm cờ cho đoàn thể thao Nhật Bản.

Ngoài các tên tuổi lớn như Naomi Osaka, Rui Hachimura và Abdul Hakim Sani Brown, Nhật Bản còn có một số vận động viên đa chủng tộc khác ghi dấu ấn tại Olympic Tokyo 2020.

Đó là võ sỹ Aaron Wolf hay vận động viên bóng chày Yasuaki Yamasaki. Tại Thế vận hội lần này, Aaron Wolf, có bố người Mỹ, đã giúp Nhật Bản giành Huy chương Vàng ở hạng cân 100kg môn judo và huy chương bạc đồng đội nam nữ, trong khi Yasuaki Yamasaki, có mẹ là người Philippines, đã góp phần không nhỏ vào chức vô địch của đội tuyển bóng chày Nhật Bản.

Có thể nói, sự xuất hiện của các vận động viên đa chủng tộc không chỉ góp phần vào việc giúp nâng tầm của thể thao Nhật Bản mà còn giúp giảm bớt sự kỳ thị về chủng tộc trong xã hội nước này.

Giáo sư Kawashima bày tỏ hy vọng Olympic Tokyo là cơ hội để Nhật Bản không còn phân biệt các vận động viên hai chủng tộc với các vận động viên khác và xem tất cả họ đều như nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổ động viên đội tuyển Tây Ban Nha ăn mừng chiến thắng tại EURO 2024. (Nguồn: TTXVN)

2024: Năm vàng son của bóng đá Tây Ban Nha

Với chiến thắng ấn tượng tại EURO 2024, chức vô địch Champions League và thành công rực rỡ tại Thế vận hội Paris, Tây Ban Nha đã khẳng định vị thế bá chủ của mình trong làng túc cầu thế giới.