Đằng sau tín hiệu 'tích cực bất thường' của cuộc điện đàm Trung-Nhật

Ông Liu Jiangyong, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa cho rằng phản ứng của Trung Quốc khi ông Kishida được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản là một động thái "tích cực một cách bất thường."
Đằng sau tín hiệu 'tích cực bất thường' của cuộc điện đàm Trung-Nhật ảnh 1Tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: Reuters)

Theo Reuters/Kyodo/scmp.com, tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí tìm cách xây dựng mối quan hệ "ổn định và mang tính xây dựng," song vẫn có "những quan ngại" khi đề cập đến những vấn đề nhạy cảm.

Giới chuyên gia nhận định cuộc điện đàm này là một tín hiệu "tích cực bất thường", thể hiện mong muốn của Bắc Kinh đưa quan hệ song phương đi vào quỹ đạo ổn định. Tuy nhiên, mức độ ổn định trong tương lai sẽ phụ thuộc vào quyết sách của ban lãnh đạo chính quyền ông Kishida khi cân nhắc cán cân quan hệ an ninh với Washington.

Tân Thủ tướng Kishida đã có cuộc điện đàm đầu tiên với nhà lãnh đạo Trung Quốc ngay sau khi có bài phát biểu về chính sách đối nội và đối ngoại trước Quốc hội Nhật Bản hôm 8/10.

Cuộc điện đàm này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ, một đồng minh an ninh của Tokyo, và Trung Quốc liên quan vấn đề Đài Loan.

Những quan ngại

Phát biểu với báo giới sau điện đàm, Thủ tướng Kishida cho biết ông đã nêu những vấn đề quan ngại với Tập Cận Bình, bao gồm tranh chấp giữa hai bên đối với quần đảo ở Biển Hoa Đông mà Tokyo gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, hoạt động trấn áp của Bắc Kinh đối với phong trào dân chủ ở Hong Kong và người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Năm 2022 sẽ đánh dấu kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ Trung-Nhật. Mặc dù đưa ra những quan ngại nói trên, Thủ tướng Kishida nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh "cần nắm lấy cơ hội này để xây dựng mối quan hệ ổn định và mang tính xây dựng," một đề nghị đã nhận được sự đồng thuận của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc đưa tin ông Tập Cận Bình đã nói với ông Kishida rằng ông sẽ nỗ lực thúc đẩy "đối thoại và hợp tác" với Nhật Bản, đồng thời kêu gọi Tokyo "quản lý những khác biệt" đối với những vấn đề nhạy cảm như vấn đề Đài Loan một cách phù hợp.

Tokyo đã cùng với Mỹ và các nước phương Tây khác bày tỏ quan ngại về sức ép của Bắc Kinh đối với hòn đảo tự trị này mà Trung Quốc muốn tái thống nhất với Đại lục.

Hồi tháng 4/2021, tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Washington, người tiền nhiệm Suga đã khẳng định với Tổng thống Mỹ Joe Biden "tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan". Sự việc này đã đánh dấu lần đầu tiên trong vòng 52 năm qua lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản đề cập đến Đài Loan trong một tuyên bố chung.

Trước khi tiến hành cuộc điện đàm, ông Kishida đã nhấn mạnh rằng mặc dù việc duy trì quan hệ song phương ổn định đóng vai trò thiết yếu đối với khu vực nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung, song Nhật Bản sẽ "nói những gì cần nói" liên quan đến những gì được coi là sai sót của Bắc Kinh trong việc duy trì những giá trị cơ bản như nhân quyền, dân chủ và quy tắc pháp trị.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 8/10 dẫn lời ông Kishida nhấn mạnh rằng khi làm việc với những nước có chung những giá trị phổ quát với Nhật Bản, chúng tôi sẽ nói những gì cần nói với Trung Quốc, đồng thời khẳng định "quyết tâm bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và không phận của Nhật Bản, cuộc sống và tài sản của người dân Nhật Bản, bằng bất kỳ giá nào."

[Tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và trọng trách đặc biệt]

Hãng tin Reuters ghi nhận rằng chính phủ mới của Nhật Bản dưới thời Kishida hôm 5/10 đã phát đi tín hiệu thể hiện quan điểm cứng rắn hơn về cách hành xử của Bắc Kinh đối với Đài Loan khi nói rằng Nhật Bản sẽ chuẩn bị đối với "những kịch bản khác nhau," đồng thời tái khẳng định mối quan hệ an ninh gần gũi với Mỹ.

Thông điệp này được đưa ra sau khi Bắc Kinh điều động chiến đấu cơ với số lượng kỷ lục để xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Hiện căng thẳng liên quan đến vấn đề Đài Loan đã gia tăng lên một nấc mới sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình mới đây nhất "thề" việc tái thống nhất hòn đảo tự trị này "cần phải được hoàn thành."

Cơ hội cài đặt lại quan hệ Nhật-Trung

Theo Kyodo, đây là cuộc đối thoại đầu tiên giữa lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản kể từ tháng 9/2020 khi người tiền nhiệm ông Kishida là Yoshihide Suga lên nắm quyền. Ông Tập Cận Bình chưa có chuyến thăm Nhật Bản nào kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2013.

Chuyến thăm Nhật Bản của ông Tập dự kiến diễn ra vào năm 2020 đã bị hoãn vô thời hạn do vấp phải phản đối của một số nghị sỹ Nhật Bản liên quan đến những hành động mạnh tay của Bắc Kinh đối với Hong Kong cũng như do tác động của đại dịch COVID-19.

Báo chí Trung Quốc dẫn lời ông Tập Cận Bình nói với ông Kishida rằng Bắc Kinh hoan nghênh Nhật Bản tham gia Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 2/2022.

Trước đó, một số tổ chức nhân quyền đã kêu gọi Ủy ban Olympic Quốc tế hủy quyết định cho phép Bắc Kinh tổ chức Thế vận hội nói trên với việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc phạm tội "diệt chủng" đối với cộng đồng dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Ông Tập Cận Bình đã gửi lời chúc mừng đến ông Kishida sau khi ông được quốc hội Nhật Bản bầu làm thủ tướng. Trong thông điệp chúc mừng, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng các nước châu Á láng giềng cần "tăng cường đối thoại và liên lạc để củng cố lòng tin và hợp tác lẫn nhau trong nỗ lực xây dựng mối quan hệ song phương đáp ứng được những yêu cầu của thời đại mới."

Reuters lấy lại tờ People's Daily của Trung Quốc dẫn lời ông Tập Cận Bình nói rằng hiện tại quan hệ Trung-Nhật đều có cả "thách thức và cơ hội," nhấn mạnh mối quan hệ ổn định Trung-Nhật sẽ đem lại lợi ích cho khu vực. Ông Tập nói với ông Kishida rằng Trung Quốc và Nhật Bản cần chủ động tăng cường đối thoại, phối hợp chính sách kinh tế và thúc đẩy hợp tác khu vực.

SCMP dẫn lời giới phân tích và truyền thông Trung Quốc nhận định ông Kishida có quan điểm và lập trường ôn hòa đối với Trung Quốc và có những hy vọng để cài đặt lại quan hệ song phương mặc dù Kishida đã thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh trong suốt chiến dịch tranh cử chức Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền.

Ông Liu Jiangyong, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, cho rằng phản ứng của Bắc Kinh khi ông Kishida được bầu làm thủ tướng Nhật Bản hôm 4/10 là một động thái "tích cực một cách bất thường" khi cả ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đều gửi điện mừng đến ông Kishida.

Động thái này cho thấy "Trung Quốc đã chủ động hơn trong việc định hình tương lai của một trong những mối quan hệ song phương mà Bắc Kinh coi là quan trọng nhất.

Nhìn lại, cuộc đối thoại đầu tiên giữa ông Tập Cận Bình với ông Suga diễn ra 10 ngày sau khi ông Suga lên nắm quyền. Theo ông Liu, Bắc Kinh nhận thức rõ ràng rằng mối quan hệ Nhật-Trung đang trải qua một số thách thức và sẽ khó có thể sớm được cải thiện.

"Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh dường như sẵn sàng làm nhiều hơn thế để phát đi những tín hiệu tích cực về mối quan hệ song phương trong tương lai," ông ghi nhận.

Về phần ông Kishida, do phải đối mặt với những thách thức giải bài toán trong nước như cải cách kinh tế để khôi phục tăng trưởng dưới tác động của đại dịch, ông Kishida cũng sẽ cần tìm cách cân bằng giữa quan hệ hợp tác kinh tế với Bắc Kinh và quan hệ liên minh an ninh của Nhật Bản với Mỹ.

Ông Liu đánh giá: "Trung Quốc đã tinh ý hiểu được nhân tố Mỹ có tác động đến những quyết sách đối ngoại của ban lãnh đạo Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhật Bản của ông Kishida đang ở giai đoạn khủng hoảng về mặt kinh tế và xã hội, nên chính quyền Kishida cần quyết định liệu sẽ tiếp tục theo Mỹ tham gia vào tuyến đầu trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung hay không bởi điều này có thể dễ dàng đẩy Tokyo vào cuộc đối đầu với Bắc Kinh"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.