Theo trang mạng asiatimes.com, ngày 2/5 vừa qua, Nhật Bản đã ký một thỏa thuận quân sự với Thái Lan, đánh dấu động thái mới nhất của Tokyo nhằm nỗ lực tăng cường dấu ấn an ninh của nước này ở khu vực Đông Nam Á, trong bối cảnh gia tăng căng thẳng ở khu vực và cạnh tranh với Trung Quốc.
Hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Thái Lan đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận được công bố tại Bangkok.
Trong tuyên bố chung, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết: “Việc ký kết thỏa thuận chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng của hai nước là một bước tiến quan trọng trong việc mở rộng hợp tác quốc phòng song phương.”
Ông Kishida nói rằng Nhật Bản và Thái Lan cũng sẽ quyết định các thiết bị quốc phòng cụ thể để chuyển giao.
[Nhật Bản, Thái Lan tăng cường quan hệ hợp tác song phương]
Tương tự, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cũng nêu rõ “thỏa thuận sẽ giúp Thái Lan cải thiện năng lực quốc phòng và hỗ trợ đầu tư từ Nhật Bản trong lĩnh vực vốn được coi là một mục tiêu quan trọng của Thái Lan.”
Ông Prayut cho biết hai bên đã nhất trí về sự cần thiết phải nâng tầm quan hệ song phương lên thành Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo đều chưa thảo luận về bất kỳ chi tiết cụ thể nào của thỏa thuận mới được ký kết. Trước đó, vào năm 2016, Nhật Bản đã tìm cách giành được hợp đồng cung cấp cho Thái Lan một hệ thống radar phòng không.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh những lo ngại chung trong một tuyên bố không công khai nhằm vào Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida nói: “Thủ tướng Prayut và tôi nhất trí rằng chúng tôi sẽ không bao giờ dung thứ cho bất kỳ hành vi xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nào, ở bất kỳ khu vực nào, và bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. Chúng tôi phản đối đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.”
Quân đội Thái Lan là một trong những đội quân lớn nhất và được trang bị tốt nhất ở Đông Nam Á, đồng thời có lịch sử hợp tác lâu dài với Mỹ với tư cách là một trong những đối tác lâu đời nhất của Washington trong khu vực và là một đồng minh lớn của Mỹ mà không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Chính quyền Thái Lan đã bày tỏ quan tâm đến việc mua 8 máy bay chiến đấu F-35 từ Mỹ, mặc dù thương vụ bán các máy bay chiến đấu tàng hình này vẫn đang chờ được thông qua tại Mỹ.
Nhật Bản gần đây đã ký kết các thỏa thuận quốc phòng tương tự với Philippines, Indonesia, Malaysia và Việt Nam.
Tháng 4/2022, Nhật Bản và Philippines đã nhất trí mở rộng việc thực hiện một hiệp ước nhằm tạo điều kiện cho các cuộc tập trận chung và các chuyến thăm qua lại của các lực lượng quốc phòng nhằm đáp trả các yêu sách lãnh thổ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông. Hiệp ước đã được ký kết tại Tokyo trong cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng của cả hai nước.
Thỏa thuận Tiếp cận tương hỗ sẽ nới lỏng việc chuyển giao và cung cấp vũ khí cho các hoạt động huấn luyện chung và cứu trợ thảm họa. Hai bên cũng cân nhắc một hiệp ước chia sẻ nguồn cung cho các lực lượng hai bên.
Tháng 9/ 2021, Nhật Bản và Việt Nam đã ký một thỏa thuận cho phép Tokyo bán cho Hà Nội các mặt hàng và thiết bị quốc phòng do nước này sản xuất. Cũng giống Philippines, Việt Nam đang vướng vào các tranh chấp lãnh thổ căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo thỏa thuận, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết Nhật Bản sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán để bán các tàu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Nhật Bản và Indonesia cũng đã ký một thỏa thuận tương tự vào tháng 3/2021. Cũng giống như thỏa thuận của Nhật Bản với Thái Lan, thỏa thuận Nhật Bản-Indonesia nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán thiết bị và công nghệ quốc phòng, trong bối cảnh sự hiếu chiến ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Quần đảo Natuna của Indonesia.
Các dự án chung tiềm năng và việc mua sắm theo thỏa thuận bao gồm Khinh hạm lớp Mogami 30FFM của Nhật Bản mà Indonesia dự định vận hành, và hợp tác Indonesia-Nhật Bản đối với máy bay chiến đấu tàng hình F-X sau này.
Tháng 9/2018, Nhật Bản và Malaysia đã ký một thỏa thuận tương tự nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán thiết bị quân sự, chuyển giao công nghệ và các hình thức chia sẻ kiến thức và nâng cao năng lực khác.
Thỏa thuận năm 2018 được xây dựng dựa trên Thỏa thuận Đối tác chiến lược năm 2015 trước đó giữa hai nước, theo đó các cuộc thảo luận về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng đã được xúc tiến.
Hoạt động bán thiết bị quân sự và hoạt động ngoại giao của Nhật Bản đến khu vực Đông Nam Á diễn ra vào thời điểm gia tăng sự mất ổn định khu vực ở Thái Bình Dương, khi Trung Quốc, Nga và Triều Tiên tiến hành các hoạt động đe dọa an ninh của Nhật Bản.
Ngày 2/5, một nhóm tàu tác chiến của Trung Quốc đã đi qua vùng biển giữa các đảo ở Okinawa, phía Nam của Nhật Bản. Các tàu, bao gồm một số tàu khu trục và tàu sân bay Liêu Ninh, đã đi qua giữa đảo chính Okinawa và Miyakojima, với tàu Liêu Ninh tiến hành các bài tập cất và hạ cánh trực thăng. Tuy nhiên, không có sự xâm phạm lãnh hải Nhật Bản nào được báo cáo trong thời gian Trung Quốc tiến hành các hoạt động trên.
Nga cũng đã rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình và các dự án kinh tế chung liên quan đến các tranh chấp lịch sử ở Quần đảo Kuril để đáp trả việc Nhật Bản áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ trích “những lập trường rõ ràng là không thân thiện và những nỗ lực gây tổn hại đến lợi ích của nước Nga,” coi đó là cơ sở để ngừng các cuộc đàm phán hòa bình với Nhật Bản.
Đáp lại, Thủ tướng Kishida cho rằng các lệnh trừng phạt của Nhật Bản là hệ lụy của việc Nga tấn công Ukraine và việc Nga cố gắng đẩy lùi quan hệ Nhật-Nga là "cực kỳ không công bằng và hoàn toàn không thể chấp nhận được."
Trong khi đó, Triều Tiên đã công bố về một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mới (SLBM) được cho là có khả năng tấn công đến đất liền Mỹ trong lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên vào ngày 25/4 vừa qua.
Nếu SLBM mới của Triều Tiên thực sự có khả năng tấn công đến đất liền của Mỹ, điều đó sẽ phá vỡ tính logic của sự răn đe mở rộng do liên minh Mỹ-Nhật đề ra, vốn là nền tảng an ninh chiến lược của Nhật Bản kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
Nhật Bản cũng coi đất nước mình đang là mục tiêu tiềm tàng của các cuộc tấn công bằng tên lửa của Triều Tiên, cân nhắc sự hiện diện quân sự lớn của Mỹ trên lãnh thổ của mình.
Những mối đe dọa tổng hợp từ Trung Quốc, Nga và Triều Tiên có thể đã thúc đẩy Nhật Bản tăng cường các cam kết an ninh với các nước Đông Nam Á để cân bằng việc ứng phó với Trung Quốc và xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng thông qua các thỏa thuận mua bán thiết bị quân sự.
Điều này có thể cho thấy sự nới lỏng quan điểm theo chủ nghĩa hòa bình lâu đời của Nhật Bản và việc giải thích lại Điều 5 gây tranh cãi trong Hiến pháp Hòa bình sau Chiến tranh thế giới thứ hai cho phù hợp với những mối đe dọa an ninh đang nổi lên.
Tuy nhiên, liên minh Nhật-Mỹ có thể trở thành một trở ngại chứ không phải là một yếu tố thúc đẩy việc mua bán vũ khí theo kế hoạch của Nhật Bản ở Đông Nam Á.
Liên minh với Mỹ là nền tảng an ninh chiến lược của nước này, đồng thời là biện pháp hạn chế hành động hấp tấp và bốc đồng chống lại Hàn Quốc hoặc Trung Quốc, xét theo các tranh chấp lãnh thổ và lịch sử lâu đời của các nước này.
Theo quan điểm đó, Nhật Bản có thể đang tìm cách hành động độc lập nhưng vẫn trong khuôn khổ và giới hạn của quan hệ đồng minh quan trọng với Mỹ.
Tính logic tương tự của sự giới hạn có thể áp dụng đối với Nhật Bản ở Đông Nam Á, vì Mỹ sẽ không muốn bị các quốc gia khu vực được khuyến khích bởi việc xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản kéo vào cuộc xung đột trên Biển Đông với Trung Quốc.
Sẽ hợp lý hơn khi Mỹ thà tự mình thực hiện vai trò quan trọng ở Biển Đông thay vì tin tưởng các đối tác Đông Nam Á khó dự đoán đang sử dụng thiết bị do Nhật Bản sản xuất để chống lại các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.
Các cam kết vật chất về quốc phòng của Nhật Bản với khu vực Đông Nam Á có thể chủ yếu bao gồm xây dựng năng lực hỗ trợ và không tham chiến, chẳng hạn như nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải của đối tác, xây dựng năng lực an ninh mạng, chia sẻ thông tin tình báo, chuyển giao các kỹ năng sử dụng kép như thiết kế vệ tinh và máy bay không người lái và hỗ trợ công nghệ cho ngành đóng tàu hải quân./.