Đánh bom liều chết tại Afghanistan, ít nhất 20 người bị thương

Các thông tin ban đầu cho thấy đây là một vụ đánh bom xe liều chết nhằm vào một đoàn xe của Lực lượng Đặc nhiệm Afghanistan. Tuy nhiên, vụ nổ đã gây thương vong cho những người qua đường.
Đánh bom liều chết tại Afghanistan, ít nhất 20 người bị thương ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: ndtv.com)

Ít nhất 20 người bị thương trong một vụ nổ xảy ra ngày 6/7 tại một khu phố tấp nập người qua lại ở thành phố Kandahar, thủ phủ của tỉnh Kandahar, miền Nam Afghanistan.

Theo giới chức sở tại, các thông tin ban đầu cho thấy đây là một vụ đánh bom xe liều chết nhằm vào một đoàn xe của Lực lượng Đặc nhiệm Afghanistan. Tuy nhiên, vụ nổ đã gây thương vong cho những người qua đường.

Trong khi đó, một quan chức y tế tỉnh cho biết 20 người bị thương, trong đó có 2 trẻ em, đã được chuyển đến bệnh viện thành phố. Hiện chưa có nhóm nào nhận thực hiện vụ tấn công trên.

Afghanistan đang chứng kiến làn sóng bạo lực gia tăng trong bối cảnh các binh sỹ nước ngoài đang rút khỏi nước này. Taliban đã chiếm đóng lại nhiều khu vực, chủ yếu ở miền Bắc nơi sinh sống của các nhóm sắc tộc thiểu số.

Các cuộc đụng độ bạo lực và tấn công khủng bố vẫn tiếp diễn tại Afghanistan bất chấp các cuộc hòa đàm diễn ra giữa Chính phủ Afghanistan và đại diện của Taliban tại thủ đô Doha của Qatar.

[Quân đội Afghanistan tiêu diệt hàng chục tay súng Taliban]

Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar tuyên bố ông sẽ thảo luận với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin vào ngày 7/7 về kế hoạch để Ankara tiếp quản và bảo vệ sân bay Hamid Karzai ở thủ đô Kabul của Afghanistan sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút quân khỏi quốc gia Tây Nam Á này.

Ankara đã đề nghị tiếp quản và bảo vệ sân bay trên sau khi NATO rút đi, đồng thời đang đàm phán với các đồng minh, cụ thể là Mỹ, về vấn đề hỗ trợ logistic, chính trị và tài chính.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp nội các ngày 5/7, Bộ trưởng Akar cho hay các cuộc đàm phán chi tiết về sứ mệnh trên vẫn đang diễn ra và sân bay cần phải hoạt động để Chính phủ Afghanistan không bị cô lập với thế giới sau khi các lực lượng nước ngoài rút quân.

Ông nêu rõ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang duy trì liên lạc với các nước để đưa ra một số quyết định tại Liên hợp quốc và NATO. Nước này cũng đang đàm phán với phía Mỹ song chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.

Trong khi đó, hãng thông tấn Interfax ngày 6/7 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko cho biết căn cứ quân sự của Nga tại Tajikistan được trang bị đầy đủ để giúp đảm bảo an ninh biên giới nước này với Afghanistan, đồng thời Moskva sẽ triển khai các biện pháp bổ sung nhằm bảo vệ biên giới nếu cần thiết.

Trước đó, ngày 5/7, Tổng thống Tajikistan Emomali Rakhmon đã yêu cầu Bộ Quốc phòng điều 20.000 quân tăng cường an ninh ở biên giới với Afghanistan do căng thẳng leo thang tại các tỉnh phía Bắc nước láng giềng này.

Trung tâm báo chí của Lực lượng Biên phòng thuộc Ủy ban An ninh quốc gia nhà nước Tajikistan (GKNB) đã thông báo việc cho phép 1.037 binh sĩ chính phủ Afghanistan vượt biên giới vào Tajikistan sau khi họ buộc phải rút lui trong các cuộc đụng độ vũ trang với lực lượng Taliban.

Theo cơ quan này, trong đêm 4 rạng sáng 5/7, Taliban đã kiểm soát hoàn toàn 6 huyện Hohon, Shikai, Nusai, Mohimai, Shugnon và Sulton Ishkashim thuộc tỉnh Badakhshan của Afghanistan có đường biên giới chung dài 910 km với Tajikistan.

Những diễn biến này đã làm dấy lên lo ngại quân đội Afghanistan có nguy cơ sụp đổ khi lực lượng quốc tế hoàn thành việc rút khỏi đất nước vào tháng Chín năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.