Tối qua (6/12), tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra đêm nhạc “Riêng một góc trời” vinh danh các nhạc phẩm của nhạc sỹ tài hoa Ngô Thụy Miên.
Đêm nhạc đã “gom” lại hơn hai mươi tình ca của Ngô Thụy Miên da diết, sâu lắng, đưa người xem vào những khung trời kỷ niệm, những miền ký ức, những tấm tình yêu thương mơ mộng và tràn ngập tình yêu đời, yêu cuộc sống, yêu người.
Thông tin từ gia đình nhạc sỹ, mà đại diện là em gái Ngô Hà từ Thành phố Hồ Chí Minh ra tham dự chương trình, cho biết đây là lần đầu tiên có một đêm nhạc vinh danh các nhạc phẩm Ngô Thụy Miên tại Việt Nam.
Mặc dù các nhạc phẩm của ông được trình diễn rất nhiều nhưng chưa từng có một đêm nhạc riêng dành cho các ca khúc của ông. Điều đó khiến Ngô Thụy Miên vô cùng hạnh phúc.
Ngay từ bản tình ca đầu tiên "Giọt nắng hồng" xuất hiện trên sân khấu với giọng ca trẻ Hồng Mơ, đêm nhạc đã lôi cuốn khán giả.
Khán giả trong khán phòng Nhà hát Lớn chật kín, phần lớn thuộc những thế hệ trung niên. Nhạc Ngô Thụy Miên đã từng theo họ đi qua rất nhiều năm tháng, nằm sâu trong ký ức và ở trong rất nhiều kỷ niệm.
Giống như “Paris có gì lạ không em” (ca sỹ Tuấn Hiệp), hay “Một đời quên lãng” (Ca sỹ Minh Thu), “Bài tình ca cho em” (Ca sỹ Lê Hiếu)….đều là những ca khúc đã in sâu trong kỷ niệm bao người.
Nam ca sỹ Tuấn Hiệp đã thực sự chinh phục khán giả với giọng hát trầm ấm, lãng tử khi thể hiện một không khí Paris lãng đãng, cô đơn mà da diết nhớ thương.
Sự xuất hiện của danh ca Lệ Thu trên sân khấu Nhà hát lớn đã bồi đắp thêm những kỷ niệm da diết ấy, bởi giọng hát của bà đã gắn với tình ca Ngô Thụy Miên từ những ngày đầu tiên.
Danh ca Lệ Thu đã ngoài 70 tuổi, trên sân khấu, bà vẫn chứng tỏ sức hút danh ca của mình khi hát những ca khúc đã một đời gắn bó.
Nghe bà, người ta nhớ nhung lại những cuốn băng cát sét nhạc Ngô Thụy Miên xưa đã từng làm mưa làm gió trong mỗi gia đình, nhớ những hồi ức ngày ấy.
Lệ Thu cũng nói, bà hạnh phúc vì được đứng ở đây, hát những ca khúc đong đầy kỷ niệm, không thể phai mờ. Có những ca khúc bà từng hát chung với Ngô Thụy Miên từ những năm 1970-1971 mà bà nói vui là “từ năm nào lâu lắm” như: “Dáng Ngọc,” “Giọt nước mắt ngà,” “Dấu tình sầu”…
Danh ca Lệ Thu cũng đặc biệt “đặc cách” khi đồng ý song ca với Lê Hiếu ca khúc “Mùa Thu cho em.” Cũng chính vì khoảng cách tuổi tác giữa Lệ Thu và Lê Hiếu khá xa nên nam ca sỹ đã xin phép trước Lệ Thu là khi hát sẽ xin được nhìn khán giả, bởi nếu nhìn sang cô hát “tình” quá sẽ không phải phép.
Đặc biệt, ở phần 2 của chương trình, sau khi hát ca khúc nổi tiếng “Bản tình cuối” - một ca khúc gắn với tên tuổi của Lệ Thu, nữ danh ca như rút ruột mình vào từng lời hát, đắm say, đầy cảm xúc.
Lệ Thu đã nói vui và cũng rất chân thành khiến khán giả thích thú: “Hát xong ca khúc này của anh tôi thấy xiểng liểng, nói như người trong nghề là: hao dầu.”
Sự xuất hiện của nam danh ca Tuấn Ngọc đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của khán giả theo dõi chương trình.
Bước ra từ giữa sân khấu trên những bục cao với ca khúc “Chiều nay không có em,” nam danh ca hút hồn khán giả bởi phong cách quý ông lịch lãm, giọng hát kiêu bạc, lững thững trong những miền nhớ đầy vơi.
Vẫn thể hiện sự dí dỏm vốn có, Tuấn Ngọc nói vui thay lời chào khán giả: “Tôi bước ra từ bậc cao kia để gặp khán giả là do ý kiến của một người trong đơn vị sản xuất, cao quá chắc do ban tổ chức muốn thử đầu gối của tôi.”
Ảnh hưởng ít nhiều đến giọng hát, nhưng quả nhiên tuổi tác không hề làm mất phong thái hào hoa, kiêu bạc và say đắm trong cách thể hiện của Tuấn Ngọc.
Tuấn Ngọc cũng chia sẻ, đã lâu lắm ông mới có dịp hát tại Nhà hát Lớn, và ông nghĩ có lẽ vì thế nên ban tổ chức đã đề nghị ông hát khá… nhiều.
Tuấn Ngọc đã đem đến cho khán giả những ca khúc nổi tiếng, như: “Áo lụa Hà Đông,” “Riêng một góc trời,” “Mắt biếc”…
Trong phần song ca“Niệm khúc cuối” với Lệ Thu, Tuấn Ngọc cũng đã “chế” tên Lệ Thu vào ca khúc một cách rất tự nhiên, gần gũi.
Hai danh ca đã đem đến những phút giây nồng nàn, lãng mạn với ca khúc được xem là bất hủ của Ngô Thụy Miên, trở thành dư âm vấn vương cho khán giả có mặt…/.