Theo trang mạng nationalinterest.org, tháng 6/2022, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành hội nghị thượng đỉnh đầu tiên từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Khéo léo miêu tả sự kiện lần này là mang tính “lịch sử, chuyển biến và thay đổi cuộc chơi,” hội nghị đã mở đường để Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng quan hệ đối tác toàn cầu với các quốc gia cùng chung chí hướng tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc, trong nhiều lĩnh vực cùng chia sẻ mối quan tâm như an ninh hàng hải, chống khủng bố, an ninh mạng, các mối đe dọa hỗn hợp cũng như biến đổi khí hậu.
Cùng lúc, NATO đã giới thiệu một số sáng kiến mới để củng cố định hướng chiến lược, khả năng sẵn sàng tác chiến, năng lực tương tác, từ đó tăng cường khả năng phòng thủ và quốc phòng (nhiệm vụ trọng tâm trong Khái niệm Chiến lược 2022 mà NATO công bố) trước sự quyết đoán của Nga cũng như các thách thức có hệ thống từ Trung Quốc.
[Quốc gia đầu tiên phê chuẩn việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO]
Trên thực tế, việc NATO lần đầu đề cập Trung Quốc trong các tài liệu gần đây, với Khái niệm Chiến lược là văn bản mới nhất, là điều rất đáng lưu tâm bởi mối quan tâm truyền thống lâu nay vẫn chủ yếu giới hạn quanh Nga.
Khái niệm Chiến lược 2022 được cập nhật thận trọng đem đến cho liên minh một số sự rõ ràng cần thiết về chiến lược tổng thể xuyên Đại Tây Dương, cũng như động lực hướng tới việc xây dựng sự gắn kết xung quanh các nguyên tắc và giá trị của NATO nhằm thích ứng hơn với các thách thức an ninh trong tương lai.
Cuộc chiến tại Ukraine đã khiến NATO phải tuyên bố rõ ràng Nga là “mối đe dọa trực tiếp và quan trọng nhất” đối với hòa bình và an ninh của liên minh, câu hỏi đặt ra là NATO sẽ đánh giá mối quan hệ nguội lạnh nhưng âm ỉ xung đột với Trung Quốc ở mức độ nào? Liệu mối quan hệ đối kháng giữa Mỹ và Trung Quốc và sự thù địch ngày càng gia tăng của Bắc Kinh đã vượt qua ngưỡng để NATO tuyên bố Trung Quốc là một đối thủ (vĩnh viễn) trong tương lai?
Việc NATO nhấn mạnh Trung Quốc như một “đối thủ có hệ thống” chủ yếu bắt đầu từ năm ngoái, là kết quả của việc gia tăng tâm lý ngờ vực và thù địch giữa Trung Quốc và châu Âu.
Sự chậm trễ trong việc nhận ra mối đe dọa từ Trung Quốc càng cho thấy châu Âu thiếu nhận thức trước thực tế toàn cầu rộng lớn hơn về sự nổi lên nhanh chóng của Bắc Kinh với tư cách là một tác nhân kinh tế và an ninh quyết định trong thập kỷ qua.
Lợi ích kinh tế (ngắn hạn) từ các khoản đầu tư của Trung Quốc ban đầu có sức hút mạnh mẽ đối với đa số các quốc gia.
Chỉ khi các hoạt động của Trung Quốc diễn ra gần hơn - chẳng hạn như ở Bắc Cực cũng như khu vực Trung và Đông Âu (CEE) - đe dọa vượt qua các lợi ích thương mại thì châu Âu và NATO mới thay đổi lập trường về cái gọi là sự trỗi dậy “hòa bình” của Trung Quốc.
Môi trường an ninh đã thay đổi mạnh mẽ kể từ năm 2010, đến mức chương trình nghị sự mà Khái niệm Chiến lược 2010 đề ra (cả những nội dung bao gồm và các ngoại lệ), cùng ngôn ngữ được sử dụng ở thời điểm đó có vẻ như đã rất lạc hậu, đặc biệt là sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014.
Lấy ví dụ, phiên bản năm 2010 coi chiến tranh quy ước rủi ro thấp là một mối đe dọa, trông đợi sự có đi có lại của Nga với tư cách đối tác mang tính xây dựng và không đề cập đến Trung Quốc.
Xét ở góc độ này, Khái niệm Chiến lược năm 2022 ra đời như một bản cập nhật rất cần thiết, đánh giá sự hội tụ rõ ràng giữa Nga và Trung Quốc cũng như sự gia tăng của các mối đe dọa hỗn hợp, những thách thức an ninh kinh tế và công nghệ trong bối cảnh hiện tại, cũng như mối đe dọa từ biến đổi khí hậu đang diễn ra ở cấp số nhân, phản ánh những vấn đề cấp bách toàn cầu và cũng đưa châu Âu đến gần hơn với giọng điệu quyết đoán của Washington về Trung Quốc.
Sự hiện diện của nhiều quốc gia châu Á-Thái Bình Dương (đúng hơn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương) tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid củng cố sự thừa nhận của NATO về nhu cầu tự lực tự cường, cũng như mở rộng trọng tâm của nhóm sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong một tuyên bố gần đây, NATO nêu rõ tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ với các đối tác châu Á-Thái Bình Dương cùng chí hướng như cách để giải quyết “các vấn đề an ninh xuyên suốt và các thách thức toàn cầu,” bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Trong bối cảnh này, việc thúc đẩy các cuộc đối thoại ngoại giao và hợp tác thực tế giữa NATO và các quốc gia như Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc là một sự thừa nhận rõ ràng của liên minh về mức độ gắn bó giữa Bắc Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Dù giới chỉ trích nhanh chóng nhắc đến những thất bại của NATO - chậm thừa nhận các mối đe dọa, sự trì trệ hậu Chiến tranh Lạnh, bản thân sự tồn tại của liên minh đã phần nào nhấn mạnh tầm quan trọng không ngừng (nếu không muốn nói là ngày càng tăng) của khối này, đặc biệt là trong bối cảnh việc các nền dân chủ đối đầu các chế độ chuyên quyền đã không còn là chủ đề của các cuộc tranh luận chính trị, mà đang là một thực tế rõ ràng.
Hơn nữa, trong bối cảnh nguy cơ rạn nứt và mất đoàn kết giữa các nước châu Âu ngày càng gia tăng, với một nước Nga trỗi dậy và sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương, sự hội tụ chặt chẽ giữa La bàn Chiến lược mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) và Khái niệm Chiến lược năm 2022 của NATO là điều cần thiết để củng cố hợp tác an ninh và quốc phòng NATO-EU.
Sự hiện diện của NATO với tư cách là một đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương càng được coi trọng khi xét đến vị thế của Bắc Kinh trong khu vực, cũng như cách hành xử của Bắc Kinh với chính NATO.
Sự ác cảm của Trung Quốc đối với những giá trị và định hướng của NATO - điều mà Trung Quốc xem là một công cụ của Mỹ để kéo dài tâm lý Chiến tranh Lạnh và một hệ thống phân cực gồm các bè phái độc quyền - là điều mà nước này không hề che giấu.
Dưới thời ông Tập Cận Bình, Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc đã rút ra bài học từ khả năng tác chiến của NATO.
Việc ông Tập Cận Bình nhấn mạnh “an ninh quốc gia” đã khiến khái niệm này trở thành một cụm từ thông dụng ở Trung Quốc, được thực tế hóa dưới dạng các văn bản luật, bổ nhiệm nhân sự và tổ chức mới để đại tu cấu trúc an ninh quốc gia và do đó nâng cao khả năng kiểm soát đất nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Cấu trúc an ninh mạnh mẽ này, giúp bảo toàn và bảo vệ quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc, được xem như một biện pháp phòng thủ, ngăn chặn sự xâm nhập của hệ tư tưởng của phương Tây - nghĩa là Mỹ, NATO và EU.
Xét về bản chất xuyên lục địa của các mối đe dọa hiện thời và tính liên kết giữa các khu vực, NATO cần có chiến lược rõ ràng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Các điểm nóng như Đài Loan, Biển Đông, Biển Hoa Đông và tranh chấp biên giới Trung-Ấn có thể không phải chương trình nghị sự tập trung cốt lõi của NATO, song cần được đề cập trong mọi chiến lược an ninh có tầm nhìn tương lai.
Nói cách khác, xoay trục sang Trung Quốc là sự cần thiết về mặt chiến lược và việc định hình Trung Quốc là đối thủ sẽ không thay đổi quỹ đạo hoặc quan niệm của liên minh.
Trên thực tế, lập trường mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc có thể là một cách thể hiện quyết tâm của NATO (và các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương) trong việc giữ vững các nguyên tắc và giá trị của họ, cũng như tâm lý sẵn sàng bảo vệ trật tự quốc tế tự do dựa trên luật lệ. Nói cách khác, nhận biết và chuẩn bị cho mối đe dọa từ Trung Quốc là điều cần thiết để đảm bảo tính răn đe.
Để triển vọng toàn cầu của NATO khả thi, liên minh cần có khả năng xử lý các mối đe dọa trong khu vực và hợp tác chặt chẽ hơn với các nền dân chủ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống như cơ sở hạ tầng quan trọng, chuỗi cung ứng và công nghệ đột phá.
Quan hệ đối tác với các mạng lưới đa phương và nhỏ toàn cầu cũng như trong khu vực (như Nhóm Bộ tứ) cũng rất cần thiết, và có thể triển khai thông qua việc xây dựng năng lực và các cuộc tập trận quân sự.
Tuy nhiên, hợp tác với NATO trong khu vực sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng vì các quốc gia sẽ không muốn chọc giận Trung Quốc bằng cách liên kết với một liên minh quân sự đã được thiết lập, dù chỉ thông qua những hoạt động đơn thuần.
Cuối cùng, dù sự rõ ràng trong Khái niệm Chiến lược 2022 là điều kiện tiên quyết cơ bản, song đây không nhất thiết đóng vai trò là “liều thuốc chữa bách bệnh” cho những thách thức trong tương lai, đặc biệt là Trung Quốc.
Các cuộc tranh luận nội bộ thường xuyên của NATO về các cơ hội so với các mối đe dọa từ Trung Quốc sẽ chỉ làm phức tạp thêm những gì nỗ lực vốn cần phải hành động nhanh chóng, dứt khoát và hướng tới tương lai./.