CNN và Mạng tin atimes.com đưa tin, CNN mới đây cho biết lực lượng hải quân Trung Quốc đã hạ thủy 2 tàu khu trục Tuýp 055, trọng tải 13.000 tấn và được trang bị tên lửa dẫn đường vào đầu tháng Bảy này.
Đây là loại tàu tác chiến lớn nhất, tinh vi nhất và gây sát thương mạnh nhất khu vực châu Á tính tới thời điểm này.
Nhà phân tích kỳ cựu Timothy Heath thuộc nhóm chuyên gia cố vấn về chính sách toàn cầu của Tập đoàn Rand (Mỹ) bình luận rằng con tàu này “lớn hơn và mạnh hơn so với phần lớn tàu khu trục của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc."
Ông Heath và nhiều nhà phân tích quân sự cũng cho rằng việc Trung Quốc hạ thủy hai tàu khu trục Tuýp 055 cho thấy năng lực đóng tàu quân sự của Bắc Kinh cũng như khát vọng phát triển sức mạnh hải quân ngoài khơi của quốc gia này.
Theo ông Heath, tàu khu trục này được thiết kế để hộ tống tàu sân bay của Trung Quốc đến các khu vực xa xôi như Trung Đông, một kế hoạch cho phép Trung Quốc phát triển thành công lực lượng hải quân "nước xanh," với khả năng hoạt động ở các khu vực rất xa lãnh thổ, điều mà ngay tại thời điểm này chỉ Hải quân Mỹ mới có thể thực hiện được trên khắp các vùng biển của thế giới.
Chuyên gia Peter Layton, hiện đang làm việc Viện châu Á Griffith cho rằng tham vọng thành lập đội quân “nước xanh” của Trung Quốc rất rõ ràng và sự hiện diện của lực lượng này chỉ còn là vấn đề thời gian.
Những thông tin về các bước tiến trong lĩnh vực quân sự của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh quốc gia này đang đẩy mạnh chiến dịch hiện đại hóa quân đội với tham vọng được cho là vươn tầm ra cả thế giới.
[Tàu lặn không người lái Trung Quốc vượt qua cuộc thử nghiệm 2.000m]
Trang mạng atimes.com nhấn mạnh kinh tế là yếu tố cốt yếu để đánh giá chính xác nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc song người ta không nên chỉ nhìn vào khía cạnh này.
Nếu giới lãnh đạo quân sự Mỹ muốn hiểu rõ sức mạnh và quy mô của quân đội Trung Quốc, họ cần nắm được 3 yếu tố có mối quan hệ chặt chẽ trong quan niệm chiến lược của Bắc Kinh.
Thứ nhất, bản chất chiến lược quân sự của Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc nuôi tham vọng trở thành một cường quốc khu vực.
Nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc có mục tiêu đưa lực lượng này trở nên chuyên nghiệp với năng lực hải quân và không quân tiên tiến để có thể ứng phó trong mọi tình huống.
Với mục tiêu ban đầu là thúc đẩy và củng cố các lợi ích quốc gia trong khu vực, Bắc Kinh luôn tìm cách tác động tới quyết định của các đối thủ, tận dụng các nhân tố khu vực đồng thời định hình cấu trúc an ninh khu vực theo hướng có lợi cho mình.
Trung Quốc tin rằng họ có thể đạt được mục tiêu này bằng cách củng cố năng lực chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, điện toán, tình báo, theo dõi và do thám.
Thứ hai, Trung Quốc hiện không có đủ tiềm lực quốc gia để hành động như một cường quốc bá chủ, hay có một chiến lược quân sự đủ tầm để thao túng khu vực và có tầm ảnh hưởng để ngăn chặn các đối thủ trong khu vực.
Trung Quốc thấy rằng điều này đồng nghĩa với việc họ cần phải có sức mạnh đủ để đánh bật ảnh hưởng của Mỹ khỏi Đông Á.
Để giành ưu thế trước những cường quốc khác, Trung Quốc cần giành phần thắng trong những cuộc xung đột kéo dài với Mỹ và các đồng minh khu vực khác của Washington, hay nói cụ thể là những cuộc chiến cùng lúc với Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Mỹ.
Thứ ba, sức mạnh quân sự của Trung Quốc hiện nay đã có được ảnh hưởng mang tính toàn cầu và xu hướng này sẽ càng trở nên mạnh mẽ nếu ảnh hưởng về mặt chính trị của Trung Quốc có thể chống chọi được trước những biến cố lớn.
Điều này có nghĩa Bắc Kinh phải tăng cường sự can dự quân sự ở nước ngoài, gia tăng các cuộc tập trận và các hợp đồng buôn bán vũ khí ở các khu vực xa hơn, đảm bảo sự hiện diện ở các vùng lãnh thổ khác, gạt bỏ mọi trở ngại trong việc củng cố ảnh hưởng trên tòa cầu và song song với đó là duy trì đều đặn các chiến dịch quy mô quốc tế.
Để cạnh tranh với Mỹ ở nước ngoài, Trung Quốc phải định hình nỗ lực hiện đại hóa với một nền tảng chính trị đủ để giải quyết những lo ngại về sức mạnh quân sự khi tiến hành các chiến dịch quy mô khu vực hay là khi thúc đẩy các mục tiêu toàn cầu./.