Đánh giá về khủng hoảng toàn cầu hóa từ dịch bệnh COVID-19

Để chống lại dịch bệnh COVID-19 lần này, các nước cần thoát khỏi khuôn khổ của các cuộc khủng hoảng quốc gia truyền thống, suy nghĩ trên góc độ toàn thế giới và đạt được nhận thức chung toàn cầu.
Đánh giá về khủng hoảng toàn cầu hóa từ dịch bệnh COVID-19 ảnh 1 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng bên ngoài một cửa hàng ở Brooklyn, New York, Mỹ ngày 14/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Báo Văn Hối (Hong Kong) có bài viết nhận định rằng kể từ khi bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp, tốc độ toàn cầu hóa đã phát triển theo cấp số nhân.

Các cuộc xung đột và vấn đề nan giải mang tính khu vực trước đây do hội nhập đã lan rộng ra toàn cầu.

Qua các sự kiện như Chiến tranh thế giới, vũ khí hạt nhân, Chiến tranh Lạnh, đại dịch cúm toàn cầu, Hội chứng suy hô hấp cấp tính SARS, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, vụ khủng bố 11/9..., có thể thấy chiến tranh, dịch bệnh và chủ nghĩa cực đoan liên tục đe dọa sự sống còn của nhân loại trong gần hai thế kỷ qua và cũng có thể thấy trước rằng trong thế kỷ 21, nếu các quốc gia không bắt tay hợp tác, sự diệt vong của loài người sẽ không còn xa nữa.

Mỹ đã ở vào vị trí lãnh đạo toàn cầu hóa trong gần 100 năm. Bắt đầu với chuyến đi của chiếc thuyền buồm “Hoa của tháng Năm” (Mayflower) và những người theo Kito giáo theo đuổi vương quốc Vườn hoa đào, họ đã trải qua chủ nghĩa cô lập “giữ mình trong sạch," đến khi bị cuốn vào Chiến tranh Thế giới thứ nhất, hỗ trợ thành lập một liên minh quốc tế rồi tiếp tục tham gia vào Chiến tranh Thế giới thứ hai, sau đó bước vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Nước Mỹ nhận thấy rằng chỉ thông qua can thiệp đánh đòn phủ đầu mới có thể bảo vệ lợi ích của chính mình.

Thông qua một loạt sự sắp xếp toàn cầu về kinh tế, chính trị và quân sự như Kế hoạch Marshall (Kế hoạch phục hưng châu Âu), Mỹ đã bảo vệ sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và giành được danh tiếng "cảnh sát thế giới."

Kể từ khi nhậm chức cho đến nay, Tổng thống Donald Trump luôn theo đuổi quốc sách “nước Mỹ trước tiên," song đáng tiếc là chủ nghĩa này không cho phép nước Mỹ “chỉ lo thân mình” trong đại dịch COVID-19 lần này.

Các hành động bảo hộ của Mỹ như hạn chế xuất khẩu khẩu trang chỉ làm tăng nhanh sự cạn kiệt tài nguyên phòng chống dịch bệnh toàn cầu.

Tại tỉnh Quebec ở nước láng giềng Canada, lượng khẩu trang N95 dự trữ chỉ còn đủ dùng trong một tuần nữa. Nếu mô hình của Mỹ được các nơi trên thế giới noi theo, tin rằng ngày tận thế của loài người sẽ đến sớm.

Để chống lại dịch bệnh COVID-19 lần này, các nước cần thoát khỏi khuôn khổ của các cuộc khủng hoảng quốc gia truyền thống, suy nghĩ trên góc độ toàn thế giới và đạt được nhận thức chung toàn cầu.

Thay vì sử dụng thời gian để trốn tránh trách nhiệm, các nước nên thực tế chịu trách nhiệm lựa chọn hành động đưa ra thay đổi. Ngay cả khi hành động không đáng kể, vẫn có thể cố gắng hết sức. Một ví dụ điển hình là Thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar, người đã mặc chiếc áo choàng bác sỹ để lên tuyến đầu chống dịch.

Nhìn lại một cách khách quan, trước đây Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực sự đã có đóng góp lớn cho nhân loại. Ví dụ như việc loại bỏ virus đậu mùa năm 1979, và trong những năm gần đây cũng đã loại trừ gần hết bệnh bại liệt.

WHO cũng đã đạt được thành quả rõ rệt trong việc chống lại các bệnh AIDS, lao, kiết lỵ và ký sinh trùng. Tình hình về số ca tử vong và suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới cũng được cải thiện rất nhiều.

[Thế giới thực-ảo và cuộc khủng hoảng toàn cầu của chủ nghĩa tư bản]

Ngược lại, công tác đối phó với các đợt bùng phát dịch cấp tính như dịch Ebola, SARS năm 2003 và dịch COVID-19 hiện nay đều bị cáo buộc là thiếu thông tin, quan liêu và không có khả năng nắm bắt tình hình một cách đầy đủ, phản ứng quá chậm, bỏ lỡ cơ hội tốt để kiểm soát được dịch bệnh. Do đó, các nước phải nhận ra vấn đề, thực hiện các thay đổi có chọn lọc và đặc biệt cải thiện khả năng của WHO trong việc đối phó với dịch bệnh mang tính cấp tính, cũng như mức độ nhạy cảm của tổ chức này trong việc nắm bắt các động thái toàn cầu.

Sau vài tháng tranh cãi, WHO cuối cùng đã thừa nhận rằng kinh nghiệm của người dân Hong Kong (Trung Quốc) trong việc đeo khẩu trang đã giúp kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Trên thực tế, nhiều nơi trên thế giới phản đối việc đeo khẩu trang đối với những công dân khỏe mạnh. Trong khi đó, người dân Hong Kong thấm nhuần bài học lịch sử từ dịch SARS năm 2003 bởi đặc khu này là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch SARS.

Để đối phó với dịch bệnh lần này, người dân Hong Kong đã thể hiện sự đoàn kết, can đảm và sự quan tâm đến y tế cộng đồng. Bên cạnh đó, chính quyền Hong Kong cũng có một thế hệ các nhà quản lý ưu tú trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe còn đương chức hoặc đã nghỉ hưu, từng chỉ huy chống dịch bệnh SARS năm xưa. Kinh nghiệm thực tiễn của họ giúp ích rất nhiều cho công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh.

Trước sự bùng nổ của dịch bệnh trên toàn cầu hiện nay, con người phải gắn bó với nhau, thông qua hợp tác và chia sẻ tài nguyên giữa các quốc gia mới có thể cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng.

Xây dựng lòng tin giữa các quốc gia là điều kiện tiên quyết để đối mặt với khủng hoảng. Tuy nhiên, việc xây dựng lòng tin phụ thuộc vào các giá trị cùng tồn tại của cả nhân loại, khi đó các nước mới có thể cùng vượt qua các cuộc khủng hoảng toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục