'Nếu loài người đi đến diệt vong, người trụ lại sau cùng sẽ là phụ nữ'

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Tôi kém hiểu biết về đàn ông...

Là đạo diễn nữ hiếm hoi trong ngành điện ảnh Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng, Nguyễn Hoàng Điệp may mắn khi luôn giữ được đam mê phim ảnh bên cạnh sự ủng hộ, yêu thương từ gia đình.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp trên studio chụp hình cho phim tiếp theo 'Câu chuyện buồn nhất thế gian.' (Ảnh:NVCC)

Sau sự thành công của phim đầu tay “Đập cánh giữa không trung” tại Liên hoan phim Venice 2014, nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp dường như chuyển hẳn sang công việc của một nhà sản xuất.

Chị chính là nhà đồng sản xuất phía sau phim “bom tấn” độc lập “Bi, đừng sợ!” của đạo diễn Phan Đăng Di, gần đây là “Ròm”của đạo diễn Trần Thanh Huy, bộ phim thu về 55 tỷ đồng sau 10 ngày ra rạp.

Các bộ phim đều đã “làm mưa làm gió” trong giới điện ảnh Việt Nam.

Là một người nữ với đam mê làm phim, bản thân Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng chị may mắn có được sự hỗ trợ, ủng hộ từ gia đình. Tuy nhiên, vai trò, đức hy sinh của người phụ nữ trong gia đình là một vật cản vô hình mà có lẽ bất cứ đạo diễn nữ nào cũng phải trải qua

Phụ nữ làm phim có nhiều chông gai

- Ở nền điện ảnh Việt Nam cũng như trên thế giới, đạo diễn vẫn là một nghề "nam trị." Có phải, chị từng không tin rằng có sự bất công về giới trong ngành này?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Cho đến tận cùng, tôi luôn nghĩ việc làm phim chưa bao giờ là dễ với bất kỳ ai, dù là nữ, là nam hay là giới tính thứ ba.

Do đó, ngay cả khi đã được “khai sáng” thì tôi vẫn không quá nhiệt huyết với chủ đề đòi quyền bình đẳng cho nhà làm phim nữ. Nhưng đúng là phụ nữ làm phim có rất nhiều chông gai, mũi nhọn theo kiểu rất riêng...

Trước năm 2014, tôi từng rất dị ứng việc đòi quyền bình đẳng cho nữ giới, tôi cũng không để tâm khi ai đó cho rằng nữ thua thiệt quá. Rất nhiều lần, khi điền tờ khai trong hồ sơ phim gửi liên hoan phim quốc tế, tôi đã phân vân về việc khai giới tính là nam hay nữ.

Dàn diễn viên của 'Đập cánh giữa không trung' (từ trái sang): Thùy Anh (nữ chính, vai Huyền), Trần Bảo Sơn (vai Hoàng), đạo diễn Hoàng Điệp và nhà đồng sản xuất người Pháp Thierry Lenouvel. (Ảnh: NVCC)

Tôi không bao giờ muốn người khác đánh giá bộ phim của tôi hay là tài năng tôi có chẳng hạn - mà lại dưới cái lăng kính giới tính.

- Có phải vì thế mà chị từng tranh luận với giám đốc nghệ thuật tại Venice...?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Tôi từng chất vấn giám đốc nghệ thuật của “Tuần lễ phê bình” tại Liên hoan phim Venice rằng: Mọi người chọn "Đập cánh" có phải vì nó là phim của đạo diễn nữ hay không?

Tôi hỏi vào cái lúc lẽ ra phải nói những lời của “hoa hậu thân thiện” trong đêm chung kết! Tôi từng rất nhiều lần cản trở các đồng sản xuất của mình khi họ muốn gửi phim đi dự thi ở các Liên hoan phim dành cho đạo diễn nữ. Nói chung, hồi đó tôi khá “hiếu chiến” khi đụng vào chủ đề này.

Chỉ đến khi tôi là một diễn giả đại diện châu Á, tham gia một tọa đàm rất lớn tại Liên hoan phim quốc tế Fribourg năm 2015, chủ đề là sự bất công về giới trong điện ảnh thì tôi mới thay đổi tư duy và hiểu rằng, đấu tranh cho phụ nữ ngay trong chính ngành nghề mà tôi theo đuổi là hoàn toàn có lý do.

Khi ấy, họ chiếu một video, trong đó là những con số tổng kết rất cụ thể, rất rõ ràng. Các con số nó không biết nói dối: Nó là tiền lương, cơ hội, dự án, vai diễn, tỉ lệ phủ sóng của nam giới trong ngành điện ảnh cao hơn của nữ giới như thế nào… .

- Thế còn ở Việt Nam thì sao, thưa chị?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Số liệu chỉ ra sự bất công trong ngành điện ảnh Việt Nam tôi không biết bởi vì chưa ai thống kê số liệu xung quanh vấn đề đó trong điện ảnh nội địa cả.

Tỷ lệ các bạn nữ thi vào và trúng tuyển trong trường điện ảnh bây giờ rất cao, thậm chí là chiếm vị thế vượt trội. Nhưng mà đường dài, như tôi quan sát, nam giới mới là những người bám trụ dài hơi. 

'Trước đây tôi không biết sợ, nhưng giờ 'ngoan' rồi.' (Ảnh: NVCC)

Trước đây tôi cũng là người không biết sợ, nhưng cuộc sống đã “dạy dỗ” nhiều, nên giờ... "ngoan" rồi (cười).

Cụ thể như việc mang bầu, sinh con ... nói mãi cũng nhàm, nhưng nhàm thì cũng phải thấy rằng, chỉ có người phụ nữ mới bỏ hết, dừng hết tất cả để thực hiện chức năng mang thai, chăm con, chăm bố mẹ già... 

Tôi nói thế không có ý cho rằng đàn ông thì không chăm lo gia đình, cha mẹ, mà thực tế rằng khi biến cố xảy đến với gia đình thì người sẽ dừng tất cả mọi thứ luôn là phụ nữ.

Mà, thật ra tôi thuộc tuýp mình cũng “cổ hủ" và không nên là người trả lời cho câu hỏi “ở Việt Nam thì sao?" (cười). 

- Gia đình có ủng hộ đam mê làm phim của chị không?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Đâu đó, mọi người trong gia đình đều có sự tự hào ngấm ngầm về nghề nghiệp của tôi.

Mọi người tôn trọng công việc mà tôi đang làm, công việc mà vốn trong nhà không ai thích... Nói chung, gia đình là "mối lợi" lớn trong đời tôi.

Vợ chồng đạo diễn Hoàng Điệp, kiến trúc sư Quốc Cường chụp ảnh cùng cây mùi già trong một sự kiện cận Tết nguyên đán 2019 tại không gian 'Ơ kìa Hà Nội.' (Ảnh:NVCC)

Ví dụ nhé: Chồng tôi là kiến trúc sư đã "cứu" tôi trong nhiều tình huống nguy cấp. Ở phim "Bi, đừng sợ!" quay được một nửa thì họa sĩ bỏ ngang, anh ấy là người cáng đáng những phần bối cảnh còn lại. Không phải người nhà thì trong những tình huống làm phim căng thẳng và nhiều nhạy cảm là mệt lắm...

Trong nhiều phim khác tôi tham gia hoặc làm đạo diễn, anh cũng là người giúp thiết kế bối cảnh dù không có chuyên môn và đam mê với công việc làm điện ảnh. Với anh, đó thuần túy là để ủng hộ và giúp đỡ vợ. Và chính vì vậy, tôi đã nhận ra rằng, làm phim độc lập ở Việt Nam, cuối cùng thì, vẫn cứ phải dựa trên cơ sở tình thân- mà cơ sở đó là phần rất lớn.

Gia đình cũng khuyên tôi sau thành công của "Đập cánh," giờ nên tập trung vào phát triển quán trà "Ơ Kìa Hà Nội"của mình, nơi mà tôi cũng đã mong muốn xây dựng một không gian văn hóa riêng.  

Nhưng điện ảnh, không gian trường quay...  luôn là một trạng thái cực kỳ quan trọng với cuộc đời tôi, cho dù những buổi sáng đến tiệm trà, được gần gũi với gia đình và chăm sóc con cái không phải là không đủ hạnh phúc.

Xây dựng các diễn viên nữ dựa trên tính biểu tượng

 - Trong phim ngắn hậu tận thế “Ai còn sống, giơ tay lên!” của chị, bốn nhân vật chính đều là nữ: Diễn viên Chiều Xuân, dàn “hot teen” bộ tứ 10A8 khi xưa: Cao Thùy Dương, Nguyễn Mai Chi, Nguyễn Thùy Anh. Có sự chủ ý nào ở đây?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Đó là một phim hậu tận thế và tôi tin rằng nếu thế giới loài người đi đến chỗ diệt vong, thì phụ nữ sẽ là người cuối cùng còn trụ lại.

- Chị có thể chia sẻ thêm về các diễn viên nữ quen thuộc của mình không?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: 2 bạn ấy quả là diễn viên ruột của tôi đấy. Có họ là tôi yên tâm, mà nhiều khi chỉ viết kịch bản rồi nghĩ rằng họ sẽ đóng vai đó vai đó tôi cũng thấy dễ chịu hơn.

Ở Thùy Anh ("Đập cánh giữa không trung," "Ai còn sống, giơ tay lên!") và Thùy Dương ("Đập cánh giữa không trung," "Ai còn sống giơ tay lên," "Hai tư sáu") tôi đều gặp được cảm giác thân quen.

Nguyễn Thùy Anh (trái) và Cao Thùy Dương (phải). (Ảnh: NVCC)

Thùy Anh gợi lên biểu tượng về thanh xuân mà tôi đã từng có, trải qua và nhìn thấy. Thùy Dương lại là hiện thân của sự trưởng thành, nồng nàn, nữ tính và cũng mang đến cảm nhận quen thuộc mà tôi đã chứng kiến đâu đó, chạm vào, tham gia, tạo dựng…

Khi làm việc với diễn viên, tôi không chỉ làm việc với tài năng của họ, mà còn rất thích những “biểu tượng" mà họ đem đến. Thùy Anh và Dương cũng sẽ tiếp tục góp mặt trong phim mới của tôi là “Câu chuyện buồn nhất thế gian” (hoặc có thể đặt tên là “Tuổi trẻ vĩnh cửu” ).

Vai diễn của cả hai có lẽ cũng sẽ không khác gì các vai trong những bộ phim trước đây của tôi. Nhưng một lần nữa, họ sẽ cho tôi cảm giác yên tâm mà mình có được khi nghĩ về phụ nữ. 

- Chị có cảm giác đó ở các nhân vật nam không?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Không, tôi kém hiểu biết về đàn ông nên khi xây dựng nhân vật nam tôi cũng... ít thấy thân quen. Họ trong suy nghĩ của tôi luôn xa lạ... và điều đó có khi cũng hay.

Trong kịch bản của tôi, các nhân vật nam thường yếu thế hơn so với nhân vật nữ. Phần nhiều cũng do cái sự định kiến trong đầu là: Ôi mình có hiểu gì về tụi con trai đâu, viết ít làm ít về họ thôi. Vì thế, tôi tự cho phép mình "bơn bớt" tìm hiểu về đàn ông, đôi khi còn xây dựng tường rào giữa mình và nhân vật nam trong phim mình nữa.

- Chị có lo gây dựng nhân vật kiểu này sẽ để lại dấu ấn một màu cho đạo diễn, kịch bản và diễn viên không?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Cũng có, nhưng số phim tôi làm thực ra là quá ít. Tôi không nghĩ vậy đã là đủ để mỗi khi nghĩ đến nhân vật nữ, biểu tượng nữ trên màn ảnh, người ta sẽ hình dung ra người nữ trong phim của Nguyễn Hoàng Điệp.

- Chị từng chia sẻ rằng chị thích vai diễn của nữ diễn viên Uma Thurman trong bộ phim "Kill Bill" (tựa Việt: "Cô dâu báo thù") đình đám của đạo diễn Quentin Tarantino. Có phải chị thích vì cô ấy là một tạo hình nữ mạnh mẽ?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Không. Khi thích một diễn viên, tôi không bận tâm nhiều tới giới tính. Tôi yêu thích một diễn viên bởi cái năng lượng trong diễn xuất của họ.

Nguyễn Hoàng Điệp trong một sự kiện tại không gian 'Ơ kìa Hà Nội.' (Ảnh: NVCC)

Họ tuyệt vời như thế nào thì mình sẽ nhớ mãi về họ trong cái khoảnh khắc họ đã từng hoá thân.

- Đã hơn 3 năm kể từ khi công bố về bộ phim tiếp theo của mình về những cuộc tấn công tình dục - “Chuyện buồn nhất thế gian" - chị lại chỉ dành thời gian đi sản xuất các phim độc lập, tổ chức sự kiện tại "Ơ kìa Hà Nội." Liệu công việc đạo diễn có dừng lại ở đây không, thưa chị?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Thực ra thì tôi không có cách nào để dừng. Có những giai đoạn tôi quá nhớ công việc này, nhưng điều kiện không cho phép, tôi phải giết thời gian bằng cách lao vào sản xuất hết dự án khó này đến dự án khó khác, khó từ nội dung đến tài chính, kiểm duyệt...

Bạn bè tôi cũng thắc mắc: Sao lúc nào cũng thấy kêu nghèo, không có tiền mà cứ thấy đổ tiền vào hỗ trợ làm phim ngắn, rồi tài trợ các kiểu, rồi loay hoay chiếu phim, đi chia sẻ, đi dạy phi lợi nhuận... hay là 'bị hâm' rồi? 

Tôi không hâm đâu, chỉ là khi chưa thể "on set" (lên phim trường) thì cần phải thực hành điện ảnh theo cách khác thôi. Nói về phim sắp tới thì vừa có tin buồn, vừa có tin vui.

Tin buồn là tôi mất quá nhiều thời gian để phát triển, tôi cũng đã tốn nhiều năng lượng. Trước đó, tôi bị nhà sản xuất giục liên tục vì bản thân cứ cảm thấy kịch bản chưa đủ hay.

Tin vui là khi tôi cắt đi khoảng 3/4 kịch bản - toàn bộ những cái phần tốn rất nhiều năng lượng ấy, tôi thấy rất hài lòng. Cái hài lòng đó sẽ giúp bộ phim đi tiếp, sự nghiệp đạo diễn của tôi được tiếp tục như đúng mong muốn của tôi, thay vì cứ dừng ở đó.

- Xin cảm ơn chị!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục