Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần thứ 7 sẽ trở lại từ ngày 7-11/11 năm nay. Đây là chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội chỉ đạo; Cục Điện ảnh chủ trì và phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng một số đơn vị liên quan tổ chức.
Với khẩu hiệu được chọn là “Điện ảnh sáng tạo - cất cánh,” liên hoan phim năm nay đã thu hút 500 tác phẩm gửi về từ khắp thế giới. Ban giám khảo đã chọn ra 117 phim dài và ngắn từ 51 quốc gia và vùng lãnh thổ để chính thức tham gia chiếu tại liên hoan phim. Các phim này thuộc hai hạng mục lớn là tranh giải và không tranh giải (chỉ chiếu phim).
Theo thông tin ban đầu, hạng mục tranh giải sẽ có 11 phim dài và 19 phim ngắn. Các phim dài dự thi đến từ Thụy Sĩ, Liên bang Nga, Bỉ, Thụy Điển, Đức, Estonia, Hàn Quốc, Iran và một tác phẩm từ Việt Nam là “Ngày xưa có một chuyện tình”; phim ngắn thuộc các quốc gia Colombia, Trung Quốc, Iran, Serbia, Campuchia, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran và Hy Lạp.
Đại diện Việt Nam “Ngày xưa có một chuyện tình” là phim chiếu mở màn cho Liên hoan Phim vào ngày 7/11, tại Rạp Quốc gia (87 Láng Hạ) từ 15 giờ đến 17 giờ. Thông tin về vé xem phim sẽ được ban tổ chức công bố trước ngày chiếu.
Đây là tác phẩm được chuyển thể từ truyện dài cùng tên, ra mắt năm 2016 của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Phim được quay tại Phú Yên, xoay quanh “tam giác tình yêu” của 3 người bạn Vinh, Phúc và Miền từ thuở thơ ấu đến khi trưởng thành. Những tranh đấu về tình yêu, tình bạn và cả vẻ đẹp ở tâm hồn mỗi nhân vật hứa hẹn sẽ chiếm được cảm xúc của khán giả như thành công ở phiên bản truyện.
Trước khi chiếu trong khuôn khổ liên hoan phim, “Ngày xưa có một chuyện tình” cũng sẽ chính thức lên rạp từ ngày 1/11.
Giải thưởng cho phim dài xuất sắc nhất trị giá 125 triệu đồng, phim dài xuất sắc nhất nhận 75 triệu đồng. Các giải cho nam, nữ diễn viên xuất sắc nhất là 50 triệu đồng.
Ngoài ra, HANIFF năm nay tiếp tục có các hoạt động chiếu phim trong rạp và chiếu phim ngoài trời, tọa đàm chuyên đề, triển lãm về điện ảnh, tổ chức chợ dự án...
Sẽ có 2 tọa đàm chuyên đề, một về phát triển và sản xuất phim từ đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học, một về tiêu điểm điện ảnh Đức. Tiêu điểm điện ảnh là một hoạt động cố định của liên hoan phim nhằm nghiên cứu về các thành công của điện ảnh quốc tế, rút ra bài học cho điện ảnh nước nhà. Trong 2 mùa gần đây, HANIFF đã chọn điện ảnh Hàn Quốc (2022) và Vương quốc Anh (2020) để làm chương trình tiêu điểm.
Với Chợ dự án phim, đây là hoạt động đỡ đầu quan trọng trong các liên hoan phim quốc tế, nhằm đỡ đầu, hỗ trợ cho các dự án phim tiềm năng do Cục Điện ảnh phối hợp Công ty BHD thực hiện. Chợ dự án tiếp nhận không chỉ dự án phim Việt, mà còn cả phim khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.
Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần đầu được tổ chức năm 2010, diễn ra 2 năm một lần, nhằm quảng bá Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung đến bạn bè quốc tế, thông qua các hoạt động văn hóa mà cụ thể là điện ảnh. Đây là cơ hội để tăng cương giao lưu, hợp tác và tạo cơ hội mở rộng thị trường điện ảnh trong nước, gia tăng hội nhập thị trường điện ảnh quốc tế.
Liên hoan phim cũng là nơi phát hiện và vinh danh các tài năng mới của điện ảnh thế giới, giới thiệu các tác phẩm đặc sắc đến cho khán giả Thủ đô.