Khung cảnh Nhà Hát Lớn xuất hiện trong bộ phim nổi tiếng "A Tourist's Guide to Love."
Khung cảnh Nhà Hát Lớn xuất hiện trong bộ phim nổi tiếng "A Tourist's Guide to Love."

Điện ảnh “chắp cánh” du lịch: Làm sao “mang chuông đi đánh xứ người” hiệu quả?

Theo các nhà quản lý, cơ chế chính sách đã cởi mở hơn cho sự hợp tác giữa du lịch và điện ảnh. Nhưng để xúc tiến du lịch Việt thông qua điện ảnh thành công ở "xứ người" lại là câu chuyện cần phải bàn.

Một trong những hoạt động quảng bá trọng tâm của ngành du lịch từ giờ tới cuối năm là chương trình xúc tiến du lịch-điện ảnh tại Mỹ. Tuy nhiên, để hành trình “mang chuông đi đánh xứ người” đạt hiệu quả, trước hết cũng cần “soi” lại thực tế, cơ chế, chính sách toàn ngành có tạo điều kiện giúp điện ảnh “chắp cánh” cho du lịch hay chưa; cần gỡ “nút thắt” nào để du lịch xúc tiến hiệu quả thông qua bộ môn nghệ thuật thứ bảy…?

Việt Nam học được gì từ những láng giềng Thái Lan, Philippines... trong việc dùng điện ảnh thúc đẩy du lịch và phát triển ngành công nghiệp điện ảnh?

Tạo cơ chế phát triển du lịch thông qua điện ảnh

Du lịch văn hóa được xác định trong “Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa. Vì thế, muốn tạo sức hút với các đoàn làm phim trong nước và quốc tế, chúng ta cũng cần có nhiều cơ chế, chính sách rộng mở hơn nữa.

Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, ông Đỗ Quốc Việt cho biết: “Chúng tôi đã tạo cơ chế phát triển du lịch thông qua lĩnh vực điện ảnh bằng cải cách thủ tục hành chính như cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục để từng bước xây dựng cơ chế ưu đãi, khuyến khích cho lĩnh vực điện ảnh. Từ 11 thủ tục hành chính trong giai đoạn 2006-2009 đến giờ còn 5 thủ tục hành chính trong lĩnh vực điện ảnh.

“Trước đây yêu cầu kịch bản toàn phần để thực hiện hồ sơ cấp phép, giờ chỉ còn kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung đối với bối cảnh quay phim tại Việt Nam. Hay như giảm thời gian tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục còn 20 ngày, bằng 2/3 thời gian so với trước đây,” ông Đỗ Quốc Việt thông tin.

bnb.jpg
Dự án "Love in Vietnam" - bộ phim hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam do Lãnh sự quán Ấn Độ hỗ trợ, khởi quay giữa tháng 9, công chiếu tại rạp vào năm sau, vừa chính thức công bố.

Bên cạnh đó, Cục Điện ảnh cũng đã tiến hành chuyển đổi số trong công tác hành chính, nâng cấp cấp độ 3 lên cấp độ 4; có giải pháp tạo điều kiện cho tất cả các bên, đặc biệt cho các nhà làm phim nước ngoài tại Việt Nam; xây dựng các khung liên quan đến ưu đãi, thuế, nguồn lực…

Đặc biệt, theo lãnh đạo Cục Điện ảnh, thời gian qua, liên quan đến cấp phép Cục này đã có nhìn nhận, đánh giá về những khác biệt với các quốc gia, cũng như tiếp nhận để có cái nhìn cởi mở hơn, sao cho hòa nhập nhưng không hòa tan. “Những gì cần điều chỉnh được chúng tôi đã điều chỉnh,” ông Đỗ Quốc Việt khẳng định.

“Khi xây dựng Luật Điện ảnh, chúng tôi đều có đánh giá tác động, tham khảo kinh nghiệm các quốc gia phát triển ở khu vực và thế giới như Pháp, Singapore… Trên cơ sở đó, chúng tôi tổng hợp và đưa ra các khung pháp lý để tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất, đồng thời xây dựng một số phương án để tham mưu, đề xuất khi xây dựng các chính sách liên quan về phát triển du lịch,” Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh nhấn mạnh.

Chính sách có thực sự cởi mở?

Theo khẳng định từ lãnh đạo Cục Điện ảnh, Luật Điện ảnh năm 2022 đã quy định các cơ chế, chính sách cởi mở hơn dành cho các đoàn làm phim quốc tế, vậy Việt Nam có cơ hội như thế nào và phải làm gì để trở thành một phim trường quốc tế trong tương lai?

“Khi làm một bộ phim chúng ta không nên du lịch hóa nó, có nghĩa là tìm mọi cách để đưa thông điệp du lịch vào trong tác phẩm, vì tác phẩm điện ảnh trước tiên phải có giá trị thì mới có sức lan tỏa và từ đó mới quảng bá được cho địa phương và điểm đến,” Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam, nguyên Cục Trưởng Cục Điện ảnh, bà Ngô Phương Lan chia sẻ.

lover4.jpg
Sông nước miền Tây Việt Nam xuất hiện trong bộ phim "L’amant" (1992).

Bàn về các chính sách của Việt Nam có thực sự cởi mở, thúc đẩy việc thu hút các đoàn làm phim tới Việt Nam, đưa Việt Nam thành một phim trường của thế giới trong tương lai chưa, tiến sỹ Ngô Phương Lan cho rằng Luật Điện ảnh 2022 rất mới, có nhiều tiền đề, khung pháp lý để tạo cơ chế.

Cụ thể, về thủ tục có đơn giản hơn. Bà Ngô Phương Lan nếu ví dụ như trước đây, nếu các phim nước ngoài chỉ quay 1/10 số phân cảnh ở Việt Nam, Nhà nước vẫn sẽ duyệt toàn bộ kịch bản, thì hiện nay chỉ cần tóm tắt kịch bản phần không quay ở Việt Nam, còn với phần quay chính ở Việt Nam mới kiểm duyệt 100% kịch bản để cấp phép.

Ngoài ra, về phần cơ chế tài chính, chính sách, vị chuyên gia này cho biết hoàn toàn ủng hộ Nghị định 41 với các cơ chế giảm thuế, ưu đãi thuế cho nhà làm phim. Chỉ có điều, khi áp dụng vào thực tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng như cơ quan thuế phải có những văn bản hướng dẫn dưới luật thật cụ thể để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nhà làm phim. Bởi yếu tố niều này quyết định lớn đến việc thu hút đoàn phim vào Việt Nam.

“Nếu chúng ta nhìn sang Thái Lan, một năm họ thu hút trên dưới 100 đoàn làm phim lớn nhỏ, nhưng ở Việt Nam, tính đi tính lại tôi thấy vẫn chưa hết 2 bàn tay. Như vậy chứng tỏ người ta đến quay cảnh Việt Nam nhưng họ không được ưu đãi thì họ sẽ sang nơi có cảnh quan tương tự như Thái Lan, Philipinnes hoặc các nước chào đón họ. Do đó, chúng ta mất nhiều khách hàng. Đó là những điều chúng ta cần xem xét và suy ngẫm,” tiến sỹ Ngô Phương Lan chia sẻ.

Cần quy chế phối hợp đa chiều

Có thể nói những thay đổi trong cơ chế, chính sách nêu trên nhằm tạo điều kiện thu hút các nhà sản xuất tới Việt Nam quay phim, góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến quốc gia mới chỉ là những “bước đi chập chững” như các chuyên gia nhận định.

maxresdefault.jpg
Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long xuất hiện hoành tráng trong trailer phim "Kong: Skull Island."

Vẫn cần phải có một chiến lược lâu dài cho sự phát triển bền vững giữa du lịch và điện ảnh trong thời gian tới, đặc biệt là việc tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp du lịch - nhà hoạt động điện ảnh - địa phương - cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với điện ảnh để thu hút các nhà làm phim thế giới và du khách quốc tế đến Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, chiến lược phát triển từng ngành đã có, hành lang pháp lý đã xây dựng, tới đây Thủ tướng Chính phủ sẽ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các ngành để tham mưu xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045.

“Chúng tôi thấy nhiều vấn đề cần tháo gỡ như chính sách về thuế, chính sách về các luật pháp liên quan nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển. Cùng với đó, cần có những quy chế phối hợp đa chiều, phù hợp giữa cơ quan Nhà nước với các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và các hiệp hội điện ảnh, hiệp hội du lịch, các ngành với các địa phương nhằm tạo ra mối liên kết lâu dài, bền vững. Mặt khác, phải có lộ trình mang tính chiến lược bài bản, kết hợp từ xây dựng sản phẩm đến quảng bá xúc tiến đến các chính sách rất cần thiết,” Thứ trưởng nói.

Lãnh đạo ngành du lịch cũng cho rằng xúc tiến không chỉ là đi đến các trung tâm điện ảnh quốc tế để quảng bá mà có thể tổ chức các cuộc xúc tiến điện ảnh kết hợp du lịch ở ngay Việt Nam, mời các đạo diễn, đoàn làm phim từ các nước đến nghe "chủ nhà" chia sẻ để hiểu nhau muốn gì, làm thế nào cho phù hợp...

“Tôi nghĩ rằng mỗi bộ phim ‘bom tấn’ họ đầu tư từ 10 triệu đến 30 triệu USD, quay ở địa phương nào sẽ góp phần phát triển vùng đất đó. Bởi kinh phí đầu tư sẽ đổ vào các doanh nghiệp, trong nhân dân, thuế và chúng ta hưởng lợi rất nhiều từ dự án phim quốc tế, trong đó vô giá nhất là mặt truyền thông, thương hiệu, giới thiệu điểm đến...” Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh./.

MV5BYzIwZGQzYzItMTViMi00MGFlLWI1NDktMDYzZGI4YmMxZGIzXkEyXkFqcGdeQXVyMTI3MDk3MzQ@._V1_.jpg
Một cảnh trong phim "Indochine"(1992) đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục