Khi những thay đổi về môi trường diễn ra nhanh hơn, hoạt động du lịch tìm kiếm cơ hội cuối cùng cũng gia tăng nhanh chóng, thu hút du khách khám phá những điểm đến đang có nguy cơ biến mất.
Với sự cường điệu của các phương tiện truyền thông xã hội, du lịch giờ đây không chỉ là đi nghỉ mà là tranh thủ khám phá những địa điểm trong danh sách mong muốn có thể sẽ không còn tồn tại lâu nữa.
Du lịch cơ hội cuối cùng là gì?
Du lịch cơ hội cuối cùng là sự kết hợp giữa thú vị và mạo hiểm. Tình trạng biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường đang định hình lại hành tinh, mọi người vội vã đến chiêm ngưỡng những kỳ quan thiên nhiên trước khi chúng biến mất.
Đó là các rạn san hô, sông băng, các khu rừng cổ đại - những khu vực vốn là chốn hẻo lánh bình yên bỗng nhiên trở thành những điểm du lịch cấp bách phải đến. Điều này mang đến cho khách du lịch cơ hội trải nghiệm cuộc phiêu lưu độc đáo chiêm ngưỡng vẻ đẹp đang biến mất của thiên nhiên. Tuy nhiên, cũng chính xu hướng này càng đẩy nhanh quá trình phá hủy các hệ sinh thái mong manh này.
Theo báo cáo năm 2021 của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, du lịch đóng góp khoảng 8-11% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Trớ trêu thay, số lượng khí nhà kính do du khách thải ra với mục đích đến thăm những điểm đến dễ bị tổn thương này thực sự có thể làm trầm trọng thêm những thay đổi đe dọa chúng.
Những điểm đến du lịch cơ hội cuối cùng
Khi nhiều kỳ quan thiên nhiên phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng, một số trong đó đã trở thành lựa chọn hàng đầu cho du lịch cơ hội cuối cùng.
1. Nam Cực
Biến đổi khí hậu đang nhanh chóng ảnh hưởng đến môi trường nguyên sơ này với tình trạng băng tan và động vật hoang dã đang gặp nguy hiểm. Các du khách đổ xô đến Nam Cực để được nhìn thoáng qua một hệ sinh thái độc đáo có khả năng chỉ tồn tại trong khoảng 6-10 năm nữa.
2. Maldives
80% diện tích quốc đảo này nằm trên mực nước biển chỉ 2m. Với tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng như hiện nay, những hòn đảo xinh đẹp này có nguy cơ biến mất trong lòng đại dương vào năm 2100.
Du khách đang vội vã tận hưởng thiên đường nghỉ dưỡng lý tưởng này trước khi nó chìm xuống biển.
3. Quần đảo Galápagos (Ecuador)
Quần đảo Galapagos được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên Thế giới và nổi tiếng với những loài động vật có một không hai. Được tạo thành từ 19 hòn đảo đẹp như tranh, đây là một trong những nơi nghỉ ngơi tuyệt vời nhất ở Nam Mỹ.
Tuy nhiên, chính sự phát triển du lịch quá mức cùng với những thay đổi về môi trường đang đe dọa các loài sinh vật độc đáo cũng như hệ sinh thái mỏng manh nơi đây. Những du khách tò mò đang tranh thủ khám phá các trải nghiệm lý thú tại di sản thiên nhiên này.
4. Venice (Italy)
Venice nổi tiếng là thành phố quyến rũ của những kênh đào, cây cầu và kiến trúc mang tính biểu tượng. Song, không thể bỏ qua thực tế khắc nghiệt rằng điểm đến được mệnh danh là thành phố tình yêu này đang bị chìm xuống biển do nước biển dâng, khiến việc trải nghiệm nét quyến rũ độc đáo của nơi này trở thành cuộc đua với thời gian.
5. Rừng nhiệt đới Amazon (Nam Mỹ)
Rừng nhiệt đới Amazon, được mệnh danh là "lá phổi của Trái đất," đóng vai trò quan trọng đối với quá trình điều hòa khí hậu toàn cầu và đa dạng sinh học. Tuy nhiên, nạn phá rừng và khai thác gỗ trái phép đang phá hủy phần lớn môi trường sống phong phú này.
Khi các chính phủ và các tổ chức hoạt động vì môi trường đang nỗ lực làm chậm thiệt hại, khách du lịch đổ về Amazon để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên và hệ động vật vô song của nơi này, mặc dù thực tế là một số khu vực của rừng nhiệt đới không bao giờ có thể phục hồi.
6. Biển Chết (Jordan và Israel)
Biển Chết là điểm thấp nhất trên hành tinh và là một trong những môi trường độc đáo nhất trên thế giới, nổi tiếng với nguồn nước cực kỳ mặn và giàu khoáng chất tốt cho sức khỏe.
Đáng tiếc là kỳ quan thiên nhiên đặc biệt này đã bị thu hẹp diện tích một cách đáng báo động và mực nước tiếp tục giảm mạnh do nước bị chuyển hướng từ nhánh sông Jordan.
Trong vòng 50 năm nữa, rất có thể du khách không còn cơ hội tham quan cũng như khám phá các công dụng chữa bệnh tuyệt vời của Biển Chết.
7. Rạn san hô Great Barrier (Australia)
Great Barrier là quần đảo san hô lớn nhất thế giới với hơn 7.000 loài san hô khác nhau, được công nhận là Di sản thiên nhiên Thế giới vào năm 1981.
Đây là một trong những điểm đến hàng đầu trên thế giới về lặn biển và du lịch sinh thái dưới nước. Tuy nhiên, sự gia tăng nhiệt độ của nước biển và nồng độ axit nước khiến cho phần lớn hệ thống san hô bị tẩy trắng và thiếu sức sống. Bên cạnh đó, nguồn nước bị ô nhiễm nên các rạn san hô tuyệt đẹp ở Great Barrier đang dần bị phá hủy.
Các chuyên gia dự đoán nơi đây sẽ mất khoảng 60% rạn san hô vào năm 2030, và nếu không có những biện pháp cứu vãn, kiệt tác 8.000 năm tuổi của thiên nhiên sẽ chẳng còn tồn tại được bao lâu nữa.
Chiêm ngưỡng và hủy diệt
Ngày càng có nhiều du khách cảm thấy nhu cầu cấp thiết phải đến thăm các sông băng đang tan chảy, những khu rừng đang chết dần và những rạn san hô tuyệt mỹ dưới đáy biển khi họ vẫn còn có thể.
Song, chúng ta càng vội vã ngắm nhìn những kỳ quan thiên nhiên trước khi chúng biến mất thì càng đẩy chúng đến bờ vực bị hủy diệt nhanh hơn.
Báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu(IPCC) rất đáng báo động, dự đoán rằng các sông băng có thể mất tới 80% khối lượng vào cuối thế kỷ này và hơn 90% các rạn san hô trên thế giới có thể bị tẩy trắng vào năm 2050.
Những con số này không chỉ là dự đoán, chúng là lời cảnh tỉnh. Điều đó đặt ra câu hỏi rằng liệu có nên du lịch tới những điểm đến cơ hội cuối cùng hay không khi chúng ta cố gắng nắm bắt vẻ đẹp thoáng qua của thiên nhiên nhưng đồng thời cũng tự tay đẩy nhanh sự biến mất của chúng? Theo đuổi những khoảnh khắc ích kỷ này, chúng ta vừa là nhân chứng vừa là thủ phạm góp phần hủy diệt những thứ đẹp đẽ kỳ diệu của thiên nhiên./.
Sông băng trở thành biểu tượng cho các điểm đến du lịch “cơ hội cuối cùng"
Biến đổi khí hậu đang thu hẹp các dòng sông băng trên thế giới và phát triển một hình thức du lịch được gọi là “cơ hội cuối cùng” để du khách có thể ngắm kỳ quan sông băng trước khi chúng biến mất.