Cửa ô là một trong những nét đặc trưng của kiến trúc đô thị Hà Nội, có từ thời còn là kinh thành Thăng Long và không có ở bất kỳ địa phương nào trên cả nước.
Theo các tài liệu sử lược, tên gọi “cửa ô” xuất hiện vào năm 1749, sau khi chúa Trịnh Doanh cho đắp lại vòng tường thành bằng đất dài 16km trên nền cốt tường lũy thời Mạc, bao bọc khu Hoàng Thành Thăng Long.
Trên tường thành này được mở 8 cổng (cửa) để người dân ra vào thành. Các cổng này được gọi là cửa ô, đều được xây dựng theo hình vuông, được canh phòng cẩn mật, ngày mở, đêm đóng và có rào, có lính tuần đi canh phòng nhằm ngăn ngừa đạo chích, báo động hỏa hoạn.
Từ “cửa ô” trong tiếng Việt vốn được dịch từ chữ “ổ môn” trong tiếng Hán, trong đó, “môn” nghĩa là cửa, “ổ” có nghĩa là ụ, lũy - một khu đất trũng, xung quanh đắp cao tạo thành vật che chắn (thôn ổ, trúc ổ). Từ “ô” còn có ý nghĩa là cửa giao tiếp từ bên trong với bên ngoài.
Các cửa ô của kinh thành Thăng Long xưa đều có điểm chung là thông ra sông Hồng và sông Tô Lịch. Dưới triều Nguyễn, Thăng Long-Hà Nội nhiều lần được điều chỉnh quy hoạch và số lượng cửa ô cũng thay đổi theo từng thời kỳ.
Theo “Bắc thành dư địa chí” soạn hồi đầu thế kỷ 19, Hà Nội có 21 cửa ô. Tuy nhiên, vào năm 1831, khi vua Minh Mạng cho thành lập “Tỉnh Hà Nội” thì khu vực “tỉnh thành” (tức nội thành Hà Nội) được vẽ bản đồ chỉ hiện thị 16 cửa ô. Đến năm 1866, thời vua Tự Đức, bản đồ “Tỉnh Hà Nội” chỉ có 15 cửa ô…
Sang thế kỷ 20, với những biến thiên của lịch sử, nhiều cửa ô dần biến mất. Hà Nội chỉ còn 5 cửa ô hay được nhắc tới và trở thành những địa danh nổi tiếng đi vào thơ ca, văn học, đặc biệt là trong khúc khải hoàn ca “Tiến về Hà Nội” của cố nhạc sỹ Văn Cao, với hình ảnh trở thành biểu tượng: “5 cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào” trong ngày chiến thắng 10/10/1954.
5 cửa ô của Hà Nội mà nhạc sỹ Văn Cao nhắc đến chính là các cửa ô: Ô Quan Chưởng, Ô Cầu Dền, Ô Đống Mác, Ô Cầu Giấy và Ô Chợ Dừa. Hiện tại, các cửa ô này đều là các nút giao thông hoặc khu vực quan trọng của Thủ đô.
Ô Quan Chưởng
Ô Quan Chưởng được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749) triều đại nhà Lê. Năm Cảnh Hưng thứ 46 (1785), cửa ô này được đại tu. Đến năm Gia Long thứ 3 (1804) thì được xây dựng lại, mở rộng quy mô như hiện tại.
Ban đầu, cửa ô này được gọi là Đông Hà môn (nghĩa là cửa phường Đông Hà), nhưng sau đó người dân lại gọi là Ô Quan Chưởng. Theo lịch sử lưu truyền, điều này là để tưởng nhớ công lao của một viên Chưởng cơ và đội quân 100 binh lính do ông chỉ huy đã anh dũng chiến đấu với quân Pháp để bảo vệ thành Hà Nội.
Trong số 5 cửa ô, chỉ duy nhất Ô Quan Chưởng còn giữ nguyên được dáng vẻ xưa cũ với cổng tam quan, trên nóc cửa chính có vọng lâu, bên trên cửa lớn có ba chữ Hán "Đông Hà môn;" tường phía trái cửa chính có gắn một tấm bia đá do Tổng đốc Hoàng Diệu cho dựng năm 1881 nghiêm cấm binh lính, quan nha không được sách nhiễu người dân qua cửa ô này vào thành.
Cửa ô Quan Chưởng được công nhận là di tích lịch sử năm 1994. Hiện nay, vị trí của Ô Quan Chưởng nằm trên phố Thanh Hà, quận Hoàn Kiếm, ngay ngã tư Hàng Chiếu-Đào Duy Từ.
Ô Cầu Dền
Ô Cầu Dền tên chữ là Yên Ninh, nằm sau thành Thịnh Yên xưa. Theo Đại Việt sử lược (quyển 2 và 3, Nhà xuất bản Sử học-Hà Nội năm 1960), địa danh Ô Cầu Dền tại Thăng Long đã xuất hiện trong sử sách thời Lý, tức là khoảng thế kỷ 11-12.
Các tài liệu và bản đồ cũ cho thấy vị trí của địa danh này cố định và tồn tại khá lâu. Dưới triều Nguyễn, cửa ô Cầu Dền là cửa ô chính quan trọng nối liền Thăng Long với các trấn và các tỉnh phía Nam (vào kinh đô Huế) qua những đồi cây cối rậm rạp và cả một rừng mai (nay thuộc khu vực Bạch Mai, Trương Định).
Theo lời kể của các vị bô lão, từ thời xa xưa đến tận những năm 1945-1954, vị trí Ô Cầu Dền hiện tại vốn có dòng sông chảy qua. Hai bên bờ là bãi đất phù sa với những luống rau màu tươi tốt quanh năm, trong đó nhiều nhất là rau dền. Chiếc cầu bắc qua sông do đó được gọi là Cầu Dền và tên gọi ô Cầu Dền cũng xuất phát từ đó.
Hiện tại, Ô Cầu Dền không còn dấu vết của quá khứ, vị trí của cửa ô xưa chính là nút giao thông ngã tư các phố Huế-Bạch Mai-Trần Khát Chân-Đại Cồ Việt ngày nay.
Ô Đống Mác
Ô Đống Mác nằm cách Ô Cầu Dền không xa. Vào thời chúa Trịnh Sâm (thế kỷ 18), Ô Đống Mác có tên là Ô Ông Mạc. Bản đồ Hà Nội năm 1831 gọi đây là cửa Ô Thanh Lãng. Đến năm 1866, bản đồ ghi tên cửa ô này là Lãng Yên. Sang thế kỷ 20, người dân quen gọi là Ô Đống Mác.
Cửa ô này là nơi có thể vào thành Thăng Long cả bằng đường bộ lẫn đường thủy, nên thường có quân lính canh gác khá nghiêm ngặt.
Trong "Thượng kinh ký sự," Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác khi về thăm quê ở Hải Dương đã đi qua lối này. Ông viết: “Ngày 10/9, từ sáng tinh mơ còn Trăng, tôi đi ra cửa Ô Ông Mạc, cửa thành chưa mở, lính canh thấy có thẻ 'Hành quân phù' (thẻ cấp cho đi đường của Phủ Chúa) mới mở cho đi.”
Ngày nay, Ô Đống Mác cũng chỉ còn là tên gọi của một địa danh lịch sử, dấu vết của cửa ô xưa nằm ở cuối phố Lò Đúc, đoạn giao nhau với đường Trần Khát Chân và đường Kim Ngưu, phía Đông Nam Hà Nội.
Ô Cầu Giấy
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, Ô Cầu Giấy là một cửa ô xẻ qua tòa thành đất bao quanh khu đông dân cư ở phía Tây kinh thành Thăng Long. Vị trí cửa ô này thuộc làng Thanh Bảo nên có tên là Ô Thanh Bảo.
Từ thế kỷ 19, để thuận tiện cho việc kinh doanh giấy bán cho người dân trong nội thành, dân làng giấy ở Yên Hòa đã dựng tại cửa ô những cái lán bày giấy để bán, thường gọi là những cái cầu hàng giấy. Do đó tên cửa ô Thanh Bảo cũng được gọi là Ô Cầu Giấy. Chữ “cầu” ở đây là cầu bán hàng (cầu chợ) chứ không mang nghĩa là cây cầu bắc qua sông.
Cửa ô Cầu Giấy đã bị phá bỏ từ năm 1891. Vị trí của cửa ô này hiện nay là điểm giao giữa phố Sơn Tây và phố Nguyễn Thái Học, trước mặt bến xe Kim Mã cũ.
Ô Chợ Dừa
Ô Chợ Dừa có hơn 760 năm lịch sử, xưa kia là một cửa ô rất lớn và là một trong những vị trí phòng thủ quân sự quan trọng ở phía Nam kinh thành Thăng Long. Gần cửa ô có một ngôi chợ nhỏ họp dưới hàng dừa rợp bóng mát, một phần đã giải thích cái tên gọi quen thuộc của cửa ô.
Các văn nhân-sỹ tử thời xưa thường đi qua cửa ô Chợ Dừa để đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Bên ngoài cửa ô Chợ Dừa còn có đàn Xã Tắc, đây là nơi mà hàng năm vào mùa xuân, các vua Lý, Trần thường đến hành lễ, tế thần đất và thần ngũ cốc.
Dấu vết của cửa ô Chợ Dừa xưa giờ nằm ở vị trí ngã 6 của các phố Đê La Thành, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Khâm Thiên, Xã Đàn và phố Ô Chợ Dừa mới./.
5 cửa ô Hà Nội - Những cổng thành của Kinh thành Thăng Long xưa
Tập podcast sẽ đưa chúng ta ngược thời gian tìm hiểu về 5 cửa ô lịch sử - những địa danh nổi tiếng đã đi vào thơ ca, văn học, đặc biệt là trong ca khúc nổi tiếng “Tiến về Hà Nội” của nhạc sỹ Văn Cao.