Cà Mau: Du lịch sinh thái thu hút nhiều du khách trải nghiệm

Du lịch sinh thái tại Cà Mau mang đến cho du khách những trải nghiệm tận hưởng không gian thiên nhiên rừng ngập mặn đẹp mắt, kết hợp với các hoạt động khám phá văn hóa phong phú của người dân nơi đây.

Khách du lịch trải nghiệm đặt lú bắt cua dưới vuông tôm tại điểm du lịch cộng đồng của ông Trần Văn Hướng (ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau). (Ảnh: Kim Há/ TTXVN)
Khách du lịch trải nghiệm đặt lú bắt cua dưới vuông tôm tại điểm du lịch cộng đồng của ông Trần Văn Hướng (ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau). (Ảnh: Kim Há/ TTXVN)

Những năm gần đây, loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở Cà Mau ngày càng thu hút được nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn.

Nhiều sản phẩm du lịch hút khách

Nhiều điểm du lịch sinh thái cộng đồng ở Cà Mau đã trở thành nơi lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước. Ở Cà Mau hiện đang phát triển mạnh mẽ mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, thu hút nhiều người dân, du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Em Lê Duy Đal (quê ở tỉnh Bạc Liêu) phấn khởi cho biết em cùng nhóm bạn trẻ có chuyến du lịch ở Cà Mau với những trải nghiệm khó quên. Phong cảnh ở Mũi Cà Mau rất hữu tình, tuy chưa có dịp ngắm trọn cảnh mặt trời mọc ở Biển Đông nhưng em được ngắm vẻ đẹp hoàng hôn, nhìn thấy mặt trời lặn ở biển Tây.

Tại Mũi Cà Mau, em rất thích thú khi xuống bãi bồi mò nghêu, sau đó thưởng thức món nghêu luộc nước dừa thơm lừng khó cưỡng do cả nhóm vừa tự tay bắt từ dưới biển. Đêm xuống đi trải nghiệm bắt ba khía trong rừng đước, dỡ lú bắt tôm, cua trong vuông nuôi tôm.

TTXVN_2310 Ca Mau du lich 2.jpg
Khách du lịch trải nghiệm bắt nghêu tại khu vực bãi bồi Mũi Cà Mau. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Ông Lê Văn Quế (79 tuổi, quê tỉnh Nam Định cho biết) lần đầu tiên được đến Đất Mũi Cà Mau - nơi ‘‘đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi’’, ông rất ấn tượng khi ngắm những cánh rừng đước nguyên sinh bạt ngàn xanh ngát và chiêm ngưỡng phong cảnh hữu tình của Mũi Cà Mau, chụp ảnh lưu niệm tại Mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001 (cây số 0) của Việt Nam...

Du khách đến đây được trải nghiệm ngồi trên những chiếc tàu canô uốn lượn, lướt sóng khám phá xuyên rừng ngập mặn, ngắm phong cảnh đẹp vùng biển, đảo thiêng liêng ở nơi địa đầu cực Nam của Tổ quốc.

Theo nhận xét của du khách, mỗi lần đến Cà Mau đều thấy có sự đổi mới, phát triển đẹp thêm, ẩm thực nơi đây rất phong phú về hương vị, mang đậm bản sắc văn hóa miền Tây, trong đó phải kể đến các món ăn đặc sản tôm, cua, nghêu, sò, vọp, ốc len, cá thòi lòi.

Nhiều sản phẩm du lịch mới mẻ đã tạo được sự thích thú, ấn tượng cho du khách. Nhiều du khách mong muốn khi có dịp sẽ quay trở lại để khám phá thêm nhiều điều mới lạ ở vùng đất, con người thân thiện, mến khách.

Cà Mau sở hữu nhiều điểm du lịch nổi bật như rừng ngập mặn Cà Mau - một trong những hệ sinh thái đất ngập nước của thế giới, mang lại giá trị sinh thái cao.

Những khu rừng đước, rừng tràm tự nhiên không chỉ là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật mà còn là khung cảnh lý tưởng cho các hoạt động khám phá, chụp ảnh và trải nghiệm.

Điểm du lịch sinh thái cộng đồng của gia đình ông Trần Văn Hướng ở ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển thường thu hút rất đông khách đến tham quan, trải nghiệm các sản phẩm du lịch vào những dịp lễ, Tết.

Ông Trần Văn Hướng chia sẻ phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với bảo vệ rừng là mô hình mang lại nhiều hiệu quả cho gia đình ông và các hộ dân nơi đây. Muốn phát triển du lịch bền vững thì trước tiên phải bảo vệ rừng, giữ cây rừng nguyên sinh, bởi vì hầu hết khách du lịch trong nước và quốc tế đến đây đều thích thú với trải nghiệm rừng đước, bắt ba khía, mò sò, giăng lưới bắt cá, đặt lú bắt thủy sản (tôm, cua, cá) trong vuông nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn.

TTXVN_2310 Ca Mau du lich 3.jpg
Khách du lịch thưởng thức những con nghêu luộc với nước dừa hấp dẫn do mình vừa tự tay bắt lấy ở bãi bồi Mũi Cà Mau. (Ảnh: Kim Há/ TTXVN)

Những hộ làm du lịch sinh thái cộng đồng ở Mũi Cà Mau còn góp phần giải quyết ổn định công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, từ đó đã hạn chế được tình trạng người dân chặt phá cây rừng.

Ông Trần Văn Hướng mong muốn cơ quan chức năng tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến với điểm du lịch bằng cả đường thủy và đường bộ; tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho những người tham gia làm du lịch cộng đồng để làm du lịch mang tính chuyên nghiệp hơn.

Điểm du lịch của hộ ông Trần Văn Sal (Sáu Sal) được thành lập chỉ trước một vài năm xảy ra đại dịch COVID-19, nhưng địa điểm du lịch này có lợi thế lớn do nằm ở khu vực Đầm Thị Tường (Đầm Bà Tường) có diện tích rộng khoảng 700ha, nằm giáp ranh giữa 3 huyện Phú Tân, Cái Nước và Trần Văn Thời.

Nhờ đó, điểm du lịch của hộ ông Sáu Sal đã được nhiều du khách trong nước tìm đến tham quan.

Ông Sáu Sal, chủ hộ du lịch sinh thái cộng đồng ở ấp Tân Lợi, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời cho biết, vì đam mê làm du lịch nên bản thân ông chịu khó đi tham quan tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi.

Việc phát triển mô hình nuôi thủy sản (cua, tôm) kết hợp du lịch nên nguồn thu nhập gia tăng đáng kể. Hiện gia đình ông đang thả nuôi nhiều loại thủy sản và trồng nhiều loại cây ăn trái để phục vụ du khách đến tham quan; đồng thời, dự định mở rộng điểm du lịch, đầu tư xây dựng nhà nghỉ, lưu trú để đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của người dân, du khách.

Liên kết, phát triển sản phẩm du lịch

Cà Mau có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch. Với 2 hệ sinh thái đặc trưng, đó là vùng ngọt và vùng mặn nên mỗi vùng, mỗi địa phương đều có lợi thế riêng biệt.

Theo ông Nguyễn Đức Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Cà Mau, để loại hình du lịch sinh thái cộng đồng có được chỗ đứng vững chắc thì đòi hỏi những người làm du lịch phải chú trọng xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn.

TTXVN_2310 Ca Mau du lich 4.jpg
Những căn nhà mái lá dưới tán rừng đước tại điểm du lịch sinh thái Hoàng Hôn (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau). (Ảnh: Kim Há/ TTXVN)

Đồng thời, hình thành các câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã để dễ dàng quản lý, thuận lợi trong khâu tổ chức, liên kết du lịch giữa các hộ làm du lịch, giữa các vùng, địa phương.

Trong xu thế phát triển du lịch xanh, bền vững, giải pháp trước mắt các hộ dân làm du lịch cộng đồng xây dựng sản phẩm du lịch phải thích ứng với thời tiết, biến đổi khí hậu và xây dựng sản phẩm du lịch mới lạ, đáp ứng nhu cầu và tạo được sân chơi cho du khách trong nước và quốc tế.

Ông Cao Tấn Dũng, đại diện doanh nghiệp lữ hành tại Cà Mau cho rằng điều quan trọng cần xây dựng sản phẩm du lịch đảm bảo tính phù hợp, có sự khác biệt, mang tính đặc thù để du khách vừa có thể trải nghiệm, vừa thưởng thức những loại đặc sản, ẩm thực ở địa phương một cách trọn vẹn.

Phía doanh nghiệp lữ hành sẽ là cánh tay nối dài trong việc kết nối, góp sức đẩy mạnh sản phẩm du lịch cho người dân ở địa phương.

Trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh đã xác định tập trung theo hướng khai thác loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là loại hình thế mạnh. Một số sản phẩm trải nghiệm như: các tuyến du lịch xuyên rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, giới thiệu đến du khách sản phẩm trải nghiệm về sự đa dạng đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn Mũi Cà Mau - Khu Ramsar thế giới gắn với trải nghiệm đời sống thường nhật của người dân dưới tán rừng, tìm hiểu các kinh nghiệm khai thác sản vật; trải nghiệm khám phá hệ sinh thái ngập ngọt Vườn quốc gia U Minh Hạ với các sản phẩm như: tham quan xuyên rừng tràm, trải nghiệm các hoạt động câu cá đồng, ăn ong, gác kèo ong.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng đã được nhiều nhà đầu tư quan tâm, thực hiện dưới hình thức mang đến cho du khách những trải nghiệm tận hưởng không gian thiên nhiên đẹp mắt kết hợp với các hoạt động khám phá văn hóa tại một số địa phương ven biển.

Tiếp xúc với thiên nhiên hoang sơ, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đất trời, hít thở bầu không khí trong lành, nơi không có khói xe, nhà cao tầng che tầm mắt, du khách dễ dàng cảm nhận sâu sắc hơn những chi tiết nhỏ trong cuộc sống, giúp chữa lành và cân bằng cuộc sống qua vị ngon ngọt của từng món ăn dân dã, ngắm nhìn những ngôi sao đêm, nghe những âm vang buổi đêm của miền biển Cà Mau.

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho rằng trong tương lai gần, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng chắc chắn sẽ trở thành là loại hình du lịch nổi trội của tỉnh, mang lại những trải nghiệm quý giá cho du khách cũng như thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp, góp phần tiếp cận thêm nhiều đối tượng khách du lịch trong và ngoài nước.

Cà Mau có nhiều tiềm năng, lợi thế phù hợp để khai thác, phát triển; trong đó ven biển Cà Mau có vùng đất ngập nước Mũi Cà Mau đã được Chính phủ công nhận là nơi có tầm quan trọng trong việc bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích lịch sử và bảo vệ an ninh quốc phòng.

Nơi đây được UNESCO công nhận nằm trong khu dự trữ sinh quyển thế giới, được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới và là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam.

Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cà Mau không chỉ đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế mà còn tạo môi trường sinh thái trong lành, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng và nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, tỉnh có chính sách ưu tiên phát triển du lịch như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp các khu, điểm du lịch; chú trọng quảng bá hình ảnh Cà Mau đến du khách trong nước và quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.