Phiên giao dịch 19/8 là phiên đáo hạn Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 nên thị trường có biến động mạnh. Những cổ phiếu vốn hóa lớn trong nhóm VN30 đã có sự đảo chiều ngoạn mục, bật tăng mạnh mẽ cuối phiên giao dịch.
Trước phiên hôm nay, Công ty cổ phần Chứng khoán Asean đã có khuyến cáo nhà đầu tư, ngày 19/8 là ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30 tháng 8/2021 nên những biến động mạnh có thể diễn ra về cuối phiên, nhà đầu tư cần lưu ý điều này.
Đáo hạn phái sinh là việc các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán phái sinh sẽ đưa ra quyết định cuối cùng với vị thế của mình khi đến ngày hiệu lực cuối cùng của những hợp đồng phái sinh.
Thực tế trong hầu hết thời gian giao dịch phiên hôm nay, thị trường diễn biến giằng co không rõ xu hướng, chỉ đến cuối phiên, các mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường mới bật tăng đã giúp VN-Index đảo chiều tăng mạnh.
Cụ thể, VIC bất ngờ bứt phá cuối phiên chiều với mức 6,2% lên 104.000 đồng/cổ phiếu. Đây là cổ phiếu vốn hóa lớn hàng đầu thị trường, vì vậy có tác dụng kéo chỉ số VN-Index tăng mạnh cuối phiên.
Ngoài ra, các cổ phiếu trong rổ VN30 khác như: SSI tăng tới 4,2%, GVR tăng 3,3%, VCB tăng 1,8%, SAB tăng 1,4%, MSN tăng 1,3%... cũng góp phần quan trọng vào đà tăng của chỉ số.
Thị trường chứng khoán diễn biến ngày càng sôi động với thanh khoản tăng cao giúp cho nhóm cổ phiếu chứng khoán được đà tăng theo.
Cụ thể, trong nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán, các mã WSS, VIX, PSI, HSB, DSC, CTS, APG tăng lên mức giá trần. Hàng loạt mã cổ phiếu trụ cột trong nhóm như: VND, VDS, HCM, SHS, MBS, FTS, VCI cũng có mức tăng rất tích cực.
Sắc xanh lan tỏa trong nhóm ngành cổ phiếu thép. Cụ thể, HSG, HPG, HMC, TLH, VIS, POM, VGS đồng loạt tăng giá.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu dầu khí và ngân hàng diễn biến tiêu cực với sắc đỏ lan rộng. Tại nhóm cổ phiếu dầu khí, các mã trụ cột như: BSR, PLX, PVB, PVC, PVD, PVS nhuộm đỏ.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng không khá hơn. Hàng loạt mã ở chiều giảm giá như: ABB, ACB, BAB, BID, BVB, CTG, EIB, LPB, MSB, OCB, NAB, NVB, PGB, SHB, SSB, TPB, VIB, VBB.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 13,91 điểm lên 1.374,85 điểm. Toàn sàn có 218 mã tăng, 161 mã giảm và 36 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 1,25 điểm lên 346,07 điểm. Toàn sàn có 131 mã tăng, 72 mã giảm và 64 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,23 điểm (0,24%) lên 94,71 điểm. Toàn sàn có 162 mã tăng giá, 126 mã giảm giá và 616 mã đứng giá.
[Đà tăng của VN-Index có dấu hiệu suy yếu trước áp lực chốt lời]
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với hơn gần 31.699 tỷ đồng. Dù vậy, khối ngoại bán ròng là điểm tiêu cực trong phiên này. Cụ thể, khối này bán ròng hơn 749 tỷ đồng trên HOSE và 8,74 tỷ đồng trên UPCOM, trong khi chỉ mua ròng 274,1 tỷ đồng trên HNX.
Trên thị trường chứng khoán thế giới, cụ thể là tại châu Á, các thị trường chứng khoán giảm điểm trong phiên 19/8, sau khi phố Wall đi xuống phiên thứ hai liên tiếp, do biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy ngân hàng này có thể bắt đầu rút lại các biện pháp hỗ trợ tài chính vào cuối năm.
Các thị trường Thượng Hải, Hong Kong (Trung Quốc), Seoul và Đài Bắc (Trung Quốc) đều giảm hơn 1%, trong khi các thị trường Tokyo, Sydney, Manila và Jakarta cũng trong xu hướng chung.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong chốt phiên giảm 2,13%, hay 550,68 điểm, xuống 25.316,33 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,57%, hay 19,73 điểm, xuống 3.465,55 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,1%, xuống 27.281,17 điểm./.