Đảo quốc Haiti và câu chuyện hậu trường của 'can thiệp nhân đạo'

Hiện trạng nghèo nàn hóa mang tính cấu trúc của Haiti là kết quả tương ứng của một chính sách can thiệp, sự phụ thuộc vào các khoản “viện trợ bên ngoài."
Đảo quốc Haiti và câu chuyện hậu trường của 'can thiệp nhân đạo' ảnh 1Người dân Haiti nhận hàng cứu trợ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trước những làn sóng biểu tình phản đối và xô xát đẫm máu những ngày qua tại Haiti, mạng tin celag.org (Trung tâm nghiên cứu chiến lược địa chính trị Mỹ Latinh) đã nhắc lại việc ông Jean Betrand Aristide- tổng thống được bầu một cách dân chủ đầu tiên của Haiti- bị lật đổ năm 2004.

Âm mưu đảo chính thứ 2 nhắm vào chính phủ của ông đã thành công với sự đồng lõa của “cộng đồng quốc tế,” bị ràng buộc bởi quyền lợi của Pháp (được Mỹ ủng hộ), khi Paris không chấp nhận yêu cầu “bù đắp lịch sử” mà vị nguyên thủ dân cử của Haiti đưa ra.

Tổng thống Aristide bị buộc phải rời khỏi đất nước và cuộc đảo chính đã gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và nhân đạo chưa từng có.

Sau cuộc can thiệp quân sự đưa Boniface Alexandre lên nắm quyền tạm thời, Phái bộ bình ổn Haiti của Liên hợp quốc (MINUSTAH) được Hội đồng Bảo an thành lập cùng năm 2004, với các mục tiêu: “Ổn định đất nước, tái thiết hòa bình và giải giáp vũ trang các nhóm du kích và tội phạm, thúc đẩy bầu cử tự do và thông tin đầy đủ, tạo điều kiện cho phát triển thể chế và kinh tế của Haiti.”

Kể từ khi đó, sự bất ổn chính trị tăng cao, sự yếu kém về thể chế - chủ yếu do sự can thiệp nước ngoài qua viện trợ nhân đạo gây ra - và khủng hoảng nghèo đói mang tính cấu trúc (ảnh hưởng tới 80% dân số) kéo dài mà không có tia hy vọng cải thiện.

“Viện trợ nhân đạo” đã gây ra một loạt tác động tại Haiti, ngày càng có nhiều tiếng nói nghi ngờ và lên án sự can thiệp của nước ngoài vào quốc gia đầu tiên giành độc lập tại Mỹ Latinh.

Một số báo cáo của Oxfam, trong đó có “Con đường chậm chạp tới tái thiết”, và loạt bài tường thuật “MINUSTAH, kẻ thù cũ của Haiti,” đã phơi bày thảm kịch tại đất nước này, nơi khoảng cách giàu nghèo vẫn đang khiến hàng triệu người dân sống trong cảnh cùng cực trong khi số lãnh đạo địa phương (và một số khác người nước ngoài) là những kẻ duy nhất hưởng lợi từ những gói viện trợ cho Haiti.

[Hôi đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi biểu tình hòa bình tại Haiti]

Hai năm sau trận động đất và sóng thần khủng khiếp năm 2010 (khoảng thời gian giải ngân phần lớn viện trợ nhân đạo cho Haiti trong những năm qua), tình trạng tại đảo quốc Caribe này vẫn là nỗi thất vọng: “519.000 gia đình Haiti sống trong các lều dã chiến, trải rộng trên 758 trại tập trung quanh thủ đô Port-au-Prince, và nửa lượng phế thải từ thảm họa sóng thần vẫn chưa được thu dọn và điều tệ hại hơn, đó là việc bùng phát dịch tả trên diện rộng.

Cho tới nay, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 10.000 người dân Haiti bắt nguồn từ sự ô nhiễm nước thải từ một căn cứ của MINUSTAH, một sự thật bị Liên hợp quốc che dấu trong một thời gian dài; Sau đó dịch tả còn tái bùng phát một lần nữa vào năm 2015, với số nạn nhân thiệt mạng vượt 18% so với lần đầu.

Trong những dữ liệu khác mà Oxfam thu thập về số phận các khoản viện trợ dành cho Haiti, có một vài chi tiết đáng chú ý: “Tính theo cá thể hoặc thể chế đơn lẻ, nơi tiếp nhận nhiều viện trợ từ Mỹ dành cho các nạn nhân sóng thần của Haiti lại chính là Chính phủ Mỹ, và tình trạng này cũng tương tự đối với các nước cấp viện trợ.

Hãng AP phát hiện rằng trong số 379 triệu USD viện trợ ban đầu quyên góp được từ Mỹ cho Haiti - tính tới tháng 1/2010 - có tới 33% trong tổng số tiền này quay trở lại Mỹ.

Hai cựu tổng thống George W.Bush và Bill Cliton đã công bố sáng kiến gây quỹ cho Haiti vào ngày 16/1/2010 và tới tháng 10/2011, các quỹ này đã nhận được 54 triệu USD tiền quyền góp, nhưng khoản giải ngân đáng kể nhất của họ thực hiện tại đảo quốc trên là 2 triệu USD cho việc xây dựng một khách sạn xa hoa tại Port-au-Prince có tổng số vốn 29 triệu USD.”

Tháng 4/2017, Hội đồng Bảo an quyết định chấm dứt sứ mệnh của MINUSTAH vào 6 tháng sau đó và kể từ đó, các thành phần quân đội của phái đoàn rút dần, làm giảm cả công tác trị an lẫn các nhiệm vụ dân sự.

Đồng thời, một phái đoàn tiếp nối có quy mô nhỏ hơn được lập ra, mang tên “Phái bộ Liên hợp quốc về hỗ trợ tư pháp Haiti” (MINUJUSTH), với nhiệm vụ củng cố “nhà nước pháp quyền, phát triển chính sách và nhân quyền, cũng như đảm bảo thực hành tốt và chức năng thúc đẩy để giúp Chính phủ Haiti củng cố các thành quả ổn định tình hình.”

Phái đoàn này ban đầu có thời hạn là 6 tháng (tới tháng 4/2018), nhưng sau đó được gia hạn tới năm 2019.

Trong bối cảnh sự tiếp nối của phái đoàn này - sau một đánh giá toàn diện mà một ủy ban đặc biệt của Liên hợp quốc tiến hành - những điều chỉnh của chính quyền Jovenel Moise để ứng phó với các khoản nợ từ các nhà cung cấp nước ngoài đã thổi bùng cơn giận dữ của người dân, những người yêu cầu quyền “được sống như con người.”

Còn cuộc khủng hoảng hiện tại xuất phát từ những phụ thuộc mang tính cấu trúc vào hỗ trợ nhân đạo nước ngoài - bắt đầu từ ngày 7/2 trong khuôn khổ kỷ niệm 27 năm ngày sụp đổ của chế độ độc tài cuối cùng Jean-Claude Duvalier năm 1986, một cột mốc lịch sử mang đầy tính chính trị.

Kể từ lúc đó, hàng loạt cuộc biểu tình đã diễn ra trên toàn quốc chống lại một tầng lớp chính trị mà người dân cho rằng thường xuyên đánh cắp của họ, với vụ bê bối mới nhất liên quan tới nghi án biển thủ 3,8 tỷ USD từ ngân sách cho các chương trình phát triển của dự án dầu khí đa quốc gia PetroCaribe trong thời kỳ cầm quyền của cựu Tổng thống Michel Martelly.

Hiện trạng nghèo nàn hóa mang tính cấu trúc của Haiti là kết quả tương ứng của một chính sách can thiệp được ngụy trang bằng viện trợ nhân đạo, tạo ra sự phụ thuộc của đảo quốc này vào các khoản “viện trợ bên ngoài.”

Dự báo bối cảnh sắp tới tại đảo quốc này là một nhiệm vụ khá phức tạp khi các diễn biến vẫn đang trong quá trình phát triển. Một bối cảnh khả thi là sự lớn mạnh của các vận động xã hội tại những vùng khác nhau trong nước.

Tình trạng này sẽ làm tăng hoạt động đàn áp của Chính phủ Moise và, rất có thể, làm leo thang bạo lực vốn đã ở mức nghiêm trọng: Theo các tổ chức xã hội, số người bị sát hại trong những ngày qua lên đến 60 người, trong khi Chính phủ chỉ thừa nhận 9 trường hợp, chưa kể 247 người bị thương và khoảng 600 người bị bắt giữ.

Sự đàn áp có thể bóp nghẹt các phong trào xã hội đơn lẻ, nhưng xét tới truyền thống tổ chức và cách mạng của Haiti, sự nổi dậy của quần chúng nói chung có thể sẽ trụ vững và đi đến việc thỏa hiệp giữa các lực lượng chính trị dẫn tới sự ra đi của Tổng thống Moise hoặc hướng tới một Quốc hội lập hiến để củng cố lại các cơ chế dân chủ.

Nhưng cho dù là bối cảnh nào thì căng thẳng chính trị vẫn đang hiện hữu. Những đề xuất của Tổng thống Moise về đối thoại và giảm giá lương thực là những nhượng bộ trước một quần chúng nhân dân ngoài việc đòi cải thiện điều kiện sống, còn yêu cầu độc lập khỏi các thế lực ngoại bang và cả các khoản “viện trợ nhân đạo.”

Những ngày này, nhân dân Haiti lại một lần nữa trở thành tấm gương kháng cự kiên cường tại một khu vực mà các thế lực đế quốc đang muốn áp dụng lại mô hình “chiếm đóng nhân đạo” tại Venezuela./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.