Dassault Rafale - Nhân tố giúp Ấn Độ thay đổi cuộc chơi?

Lô hàng đầu tiên gồm 5 trong tổng số 36 chiếc Dassault Rafale được chuyển tới Ambala đánh dấu một thương vụ lịch sử của ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ.
Dassault Rafale - Nhân tố giúp Ấn Độ thay đổi cuộc chơi? ảnh 1Máy bay chiến đấu Dassault Rafale. (Nguồn: thedrive.com)

Theo trang mạng eurasiareview.com, cuối tháng 7/2020, Ấn Độ đã nhận được lô hàng máy bay chiến đấu Dassault Rafale do Pháp sản xuất.

Lô hàng đầu tiên gồm 5 trong tổng số 36 chiếc Dassault Rafale được chuyển tới Ambala đánh dấu một thương vụ lịch sử của ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ.

Số máy bay này là một phần trong thỏa thuận trị giá 8,78 tỷ USD mà New Delhi ký với Pháp từ năm 2016, với mục tiêu nâng cấp các chiến lược tác chiến, tấn công và phòng thủ cho Không quân Ấn Độ.

[Ấn Độ tiếp nhận 5 máy bay tiêm kích Rafale mua từ Pháp]

Loại máy bay chiến đấu Rafale (trong lô hàng chuyển Ấn Độ lần này có 3 chiếc là phiên bản ghế ngồi đơn và 2 chiếc có ghế ngồi đôi) với cánh tam giác hiện đang được phiên chế cho lực lượng hải quân và không quân Pháp. Qatar và Ai Cập cũng đã mua loại máy bay này và đã tiến hành bay thử.

Là loại máy bay đa nhiệm, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ trong một hành trình, Rafale là máy bay chiến đấu thế hệ 4.5 có khả năng do thám, dù không chuyên nghiệp như máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35.

Rafale có thể mang theo các vũ khí như tên lửa hành trình đa nhiệm tầm xa SCALP/Storm, loại tên lửa dẫn đường bằng hệ thống đo lường quán tính và có khả năng tiếp cận mục tiêu chính xác dù trong hoàn cảnh và thời điểm nào, với tầm bắn lên tới 300km.

Rafale cũng có thể được trang bị tên lửa METEOR, thế hệ tên lửa tiếp theo có hệ thống điều khiển ngoài tầm nhìn (BVRAAM), và có khả năng tạo ra “khu vực không thể trốn thoát” lớn nhất.

Với năng lực này, Rafale hoàn toàn có thể bắn hạ máy bay của Trung Quốc ở tầm xa hoặc tấn công các căn cứ quân sự của Pakistan trong phạm vi 600km mà không cần phải vượt qua Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) hay bị theo dõi.

Các máy bay cũng được trang bị hệ thống truyền dẫn vô tuyến (FSO), miễn nhiễm với các thiết bị gây nhiễu radar.

Rafale phiên bản bán cho Ấn Độ được thay đổi một số chi tiết để phù hợp với nhu cầu và tiêu chuẩn của Không quân Ấn Độ.

Những đặc trưng tiêu biểu của dòng máy bay chiến đấu Rafale khiến chúng có tầm quan trọng chiến lược với Ấn Độ nói chung cũng như Không quân Ấn Độ nói riêng, đồng thời phản ánh nhu cầu ngày càng tăng của New Delhi về loại công nghệ này.

Trong vài tháng trở lại đây, khu vực Đông Nam Á đã chứng kiến những căng thẳng leo thang trong đó có xung đột lâu năm giữa Ấn Độ và Pakistan cũng như những vụ đụng độ mới nhất giữa quốc gia này và Trung Quốc ở vùng biên giới.

Hơn thế nữa, sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc tại nhiều nước láng giềng như Maldives và Sri Lanka cũng là một mối đe dọa an ninh đặc biệt nghiêm trọng với Ấn Độ.

Thương vụ mua máy bay chiến đấu Rafale phản ánh khá rõ nét những lo ngại về an ninh và nhu cầu của Ấn Độ, cũng như đem đến động lực cho những cải tổ cần thiết về công nghệ mà các cơ quan quốc phòng đòi hỏi.

So với máy bay Thành Đô J-20 (Chengdu J-20) của Trung Quốc, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, giới chức Trung Quốc cho rằng Rafale không có nhiều thay đổi về chất lượng.

Tuy nhiên, thực tế năng lực của J-20 hiện vẫn là dấu hỏi lớn trong khi Rafale đã gây được tiếng vang khi được vận hành trong các chiến dịch tại Afghanistan, Libya, và Mali.

Hơn thế nữa, dù được đánh giá là có nhiều điểm tương đồng với mẫu máy bay chiến đấu F-16 của Pakistan, Rafale phiên bản Ấn Độ đã được điều chỉnh cho phù hợp với kinh nghiệm chiến đấu của không quân Ấn Độ cũng như được trang bị năng lực hạt nhân, một đặc tính mà F-16 không có.

Chi tiết này đem đến cho Rafale lợi thế đặc biệt hơn so với các đối thủ và củng cố không lực cho Ấn Độ, điều đặc biệt cần trong bối cảnh hiện nay.

Ấn Độ đã trở thành một trong những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất trên thế giới. Giới chức Ấn Độ đã thúc đẩy nhiều hợp đồng mua sắm và đầu tư các công nghệ cũng như trang thiết bị hiện đại phục vụ quân đội và các mục tiêu quốc phòng.

Nhiều người xem đây là nỗ lực đáp trả năng lực quân sự ngày càng gia tăng mạnh mẽ của Trung Quốc, cũng như mối quan hệ liên tục được củng cố giữa Trung Quốc và Pakistan - thực tế dẫn tới những gia tăng đáng kể trong năng lực quân sự và chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan.

Tốc độ phát triển năng lực quân sự của các nước láng giềng và sự hình thành một liên minh quân sự mạnh là bối cảnh an ninh tiến thoái lưỡng nan cổ điển, buộc Ấn Độ phải có những hành động tương tự và tăng cường khía cạnh an ninh.

Dù hiện tượng này là vấn đề dễ thấy trong trật tự quốc tế, và càng dễ xuất hiện trong bối cảnh hiện nay giữa Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc, nguy cơ xung đột ở viên giới và khả năng các đối thủ tìm cách xâm chiếm lãnh thổ ngày càng gia tăng.

Giáo sư Robert Jervis, làm việc tại Viện các Vấn đề Quốc tế, Đại học Columbia, bình luận: “Khiến một kẻ thù bất an hơn luôn là cách làm cho họ có xu hướng bành trướng bởi bành trướng thường đồng nghĩa với việc đảm bảo an ninh.”

Nói cách khác, nhu cầu ngày càng gia tăng trong việc đảm bảo an ninh có thể khiến một đối thủ có cách hành xử tương tự thông qua các công cụ, và một trong số đó là tìm cách thâu tóm thêm lãnh thổ hay các nguồn tài nguyên.

Đối với Ấn Độ, đó đồng nghĩa với nguy cơ tranh chấp lãnh thổ với hai nước láng giềng là Pakistan với Trung Quốc.

Lô Rafale đầu tiên vừa nhận được là yếu tố thay đổi cục diện cuộc chơi cho Ấn Độ, phản ánh sự tăng trưởng và cơ hội cho cả quân đội cũng như quốc gia này. Hơn thế nữa, lô hàng được chuyển tới “đúng thời điểm,” phát đi một thông điệp mạnh mẽ cho các đối thủ của Ấn Độ, một sự kiện mang tính biểu tượng hơn là thực tế, trong bối cảnh quốc gia này có những quan ngại ngày càng nghiêm trọng về mặt an ninh.

Vết sẹo từ xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn còn mới, trong khi tranh chấp với Pakistan về vấn đề Kashmir vẫn tiếp diễn, những lo ngại về an ninh của mỗi quốc gia sẽ tiếp tục leo thang.

Để tìm cách đảm bảo an ninh, các nước sẽ dấn thân vào con đường trang bị, mua sắm và phát triển các công nghệ quân sự mới, và trong quá trình đó, vô hình chung họ đang tự tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.