Dấu hỏi về khả năng biến thể Delta làm giảm hiệu quả của vaccine

Chủ tịch Hội đồng Tư vấn của Chính phủ Israel về dịch COVID-19 cảnh báo số ca mắc COVID-19 mức độ nặng ở những người đã tiêm chủng tại Israel có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Dấu hỏi về khả năng biến thể Delta làm giảm hiệu quả của vaccine ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân Israel tại Jerusalem ngày 9/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Số ca mắc mới COVID-19 gia tăng ở Israel, quốc gia mà phần lớn người dân đã tiêm vaccine của hãng Pfizer/BioNTech, là "tín hiệu ban đầu" cho thấy biến thể Delta có thể làm giảm hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh mức độ nhẹ.

Đây là cảnh báo của Chủ tịch Hội đồng Tư vấn của Chính phủ Israel về dịch COVID-19, ông Ran Balicer, đưa ra ngày 5/7.

Tuy nhiên, ông Balicer cũng cho rằng hiện còn quá sớm để đánh giá chính xác hiệu quả của vaccine trong việc chống lại biến thể Delta đang lây lan nhanh trên toàn cầu.

Ông giải thích nguyên nhân một phần do số ca mắc COVID-19 trong số những người Israel đã tiêm đủ liều nhìn chung còn thấp và chỉ tập trung ở một số nhóm dân cư, dẫn đến việc khó đưa ra kết luận khi phân tích dữ liệu. 

Israel triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 vào tháng 12/2020 và đây là một trong những chiến dịch tiêm chủng đạt tiến độ nhanh nhất trên thế giới.

[Israel khuyến cáo tiêm vaccine mũi thứ 3 đối phó biến thể Delta]

Nhờ đó, số ca mắc mới COVID-19 ở quốc gia này đã giảm xuống còn khoảng 5 ca/ngày. Tuy nhiên, trong những ngày qua, con số này đã tăng lên 300 ca/ngày do sự lây lan biến thể Delta.

Khoảng 50% số ca mắc mới ở Israel là trẻ em, số còn lại là người trưởng thành đã tiêm phòng.

Ông Balicer cảnh báo số ca mắc COVID-19 mức độ nặng ở những người đã tiêm chủng tại Israel có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Nếu trước kia hai ngày mới có một ca diễn biến nặng thì giờ đây mỗi ngày có 5 ca. Tuy nhiên, ông cho biết các chuyên gia hy vọng vaccine vẫn có hiệu quả cao ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh nặng do biến thể Delta như với biến thể Alpha. 

Ngày 4/7 vừa qua, Thủ tướng Israel Naftali Bennett cảnh báo Israel có thể phải tái áp đặt một số biện pháp hạn chế vừa được dỡ bỏ vào tháng trước để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch COVID-19.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể Delta còn được gọi là "đột biến kép" vì nó mang hai đột biến, có khả năng lây lan cao hơn 55% so với biến thể Alpha và sẽ nhanh chóng phổ biến cũng như "bao phủ" các ca bệnh trên toàn cầu.

WHO đã liệt biến chủng Delta vào nhóm gây quan ngại, cùng với các biến thể Alpha, Beta và Gamma./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục