Đâu là hồi kết của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Những chuyên gia kỳ cựu về tài chính phải công nhận rằng họ chưa từng trải qua một cuộc chiến tranh thương mại như cuộc chiến mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phát động.
(Nguồn: Sputnik)

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Washington (Mỹ), mới đây đăng bài phân tích về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung của hai chuyên gia Kevin Nealer và Tom Gallagher.

Nội dung bài viết như sau:

Những chuyên gia kỳ cựu về tài chính thường than phiền rằng những đồng nghiệp trẻ tuổi hơn họ chưa bao giờ trải qua giai đoạn “thị trường gấu,” nghĩa là thị trường đang trên đà đi xuống. Tuy nhiên, họ cũng phải công nhận rằng chưa có ai trải qua một cuộc chiến tranh thương mại như cuộc chiến mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phát động.

Mỹ đã đánh thuế một loạt sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc như tấm pin năng lượng Mặt Trời, máy giặt, thép và nhôm lá. Mặt hàng ôtô, trước mắt có thể là dòng xe ôtô sang trọng từ châu Âu và Nhật Bản, sẽ là đối tượng tiếp theo bị áp thuế vì bị cho là làm ảnh hưởng đến “an ninh quốc gia” của Mỹ, và nhiều khả năng Chính quyền Trump sẽ đưa ra động thái này trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.

Các cố vấn thương mại của Trump như Peter Navarro và Robert Lighthizer tin rằng họ biết điều gì cần làm dựa trên kinh nghiệm có được từ “cuộc chiến tranh ôtô” với Nhật Bản ở những năm 1980.

Khi Mỹ đề xuất Tokyo đàm phán về việc giới hạn số lượng ôtô xuất sang Mỹ, các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản đã chuyển hướng phát triển từ thế hệ ôtô nhỏ, giá rẻ sang phát minh ra những dòng xe sang trọng như Lexus và Acura.

Thực tế này dẫn tới 2 tác động. Thứ nhất, tình thế buộc các nhà sản xuất Nhật Bản phải “tự đào tạo” để cạnh tranh quyết liệt hơn với nhóm 4 nhà sản xuất ôtô hàng đầu của Mỹ, hay còn có tên gọi là nhóm “Big Four,” ngay tại phân khúc thị trường thu được nhiều lợi nhuận nhất. Thứ hai, Nhật Bản gia tăng sản lượng ôtô sản xuất trên lãnh thổ của Mỹ.

Quyết định của Tổng thống Trump khi đánh thuế vào các dòng xe ôtô sang trọng là dựa trên kinh nghiệm từ bài học trên. Tuy nhiên, thị trường ôtô hiện nay có tính toàn cầu hóa cao hơn rất nhiều so với thời điểm đó, nhất là xét từ góc độ chuỗi cung ứng. Điều này càng đúng trong bối cảnh khu vực Bắc Mỹ hiện tại, với sự hiện diện của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Theo hầu hết các nghiên cứu tính đến nay, Mỹ được xem là nạn nhân hứng chịu thiệt hại vì những bất công do thuế, một nhận thức mang tính rập khuôn và cứng nhắc. Nó giống như câu chuyện về một người tìm kiếm cái ví dưới ánh đèn đường, không phải vì đó là nơi cái ví bị mất mà vì đó là nơi có nhiều ánh sáng.

Chuyên gia kinh tế ở các viện nghiên cứu và các ngân hàng đầu tư lớn thường cho rằng tác động của việc áp thuế là giá cả hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng, bởi đơn thuần đó là điều duy nhất họ có thể tìm cách lý giải.

Những nghiên cứu đó không sai khi tính toán tác động mà một khoản thuế có thể gây ra, song chúng phản ánh không đúng bản chất những nguy cơ đối với không chỉ Mỹ, Trung Quốc mà còn cả hệ thống cung ứng, đầu tư tại châu Á vốn có mối liên hệ chặt chẽ với các hoạt động thương mại Mỹ-Trung.

Chiến tranh thương mại bùng phát với nền tảng ý tưởng cho rằng thương mại là cuộc chơi “một mất một còn." Tuy nhiên, việc xem thương mại là cuộc đấu tiêu cực như thế đã dẫn đến những rủi ro như thuế tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các cấu trúc liên minh thương mại và khiến tăng trưởng toàn cầu nói chung và của Mỹ nói riêng trở nên vô cùng bấp bênh.

Chưa có nghiên cứu nào đánh giá tổng thể về nguy cơ gián đoạn dòng vốn, các rủi ro đối với chuỗi cung ứng sản phẩm, phản ứng của thị trường tiền tệ, những hệ lụy đối với ngành bảo hiểm và các nguy cơ khác. Nói một cách trung thực, những tác động này rất khó đánh giá. Rõ ràng, ảnh hưởng đối với các cấu trúc liên minh về thương mại, đánh giá về môi trường đầu tư tại Mỹ hay quan hệ giữa khu vực tư nhân với các nhà cung ứng và khách hàng là điều không dễ đong đếm được một cách cụ thể.

Yếu tố quan trọng nhất và cũng thường là thách thức lớn nhất là hợp tác và lòng tin mà các nhà đầu tư nước ngoài đã xây dựng với đối tác. Xung đột thương mại sẽ đặt lợi ích của quốc gia lên trên lợi ích của các thành phần tư nhân, một thực tế cho thấy những mối quan hệ này hoàn toàn phụ thuộc vào các chính sách của chính phủ, những chính sách có thể thay đổi mà không hề được cảnh báo trước.

Những ảnh hưởng của việc áp thuế không chỉ giới hạn ở những bên trực tiếp tham gia cuộc chiến.

[Vai trò của WTO trong tranh chấp thương mại Mỹ-Trung Quốc]

Một nghiên cứu gần đây của TD Securities - ngân hàng đầu tư của Canada - cho thấy thuế nhằm vào các mặt hàng của Trung Quốc cũng gây thiệt hại cho các nước và vùng lãnh thổ châu Á, nhất là Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Thiệt hại sẽ ngày càng gia tăng nếu toàn bộ các khoản thuế mà Trung Quốc bị Mỹ đe dọa có hiệu lực.

Cũng có ý kiến cho rằng việc đánh thuế chỉ kéo dài trong thời gian nhất định và là công cụ để giành lợi thế trong đàm phán. Trump không cần sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ khi quyết định áp các khoản thuế mới, và cuộc chiến này chỉ kết thúc khi Trump thấy cần phải làm thế hoặc Quốc hội Mỹ đạt đủ số phiếu cần thiết để phủ quyết các chính sách của tổng thống. Ít có khả năng Trung Quốc sẽ rút lui sớm hoặc EU và Nhật Bản sẽ đầu hàng Mỹ trong trận chiến đánh thuế ôtô.

Quần áo sản xuất tại Trung Quốc được bày bán tại cửa hàng ở New York, Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN)

Điều đó có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách khôn ngoan cần phải chuẩn bị tâm lý đối phó với thực tế là các khoản thuế này sẽ tiếp tục tồn tại trong một thời gian dài và việc kỳ vọng rằng mọi chuyện sẽ sớm kết thúc là điều rất không khôn ngoan. Nếu không có sự chuẩn bị trước, cái giá mà các doanh nghiệp phải trả sẽ rất cao.

Các nhà đầu tư, cung cấp, xuất-nhập khẩu cần đẩy mạnh những chiến lược nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, xem xét lại những lựa chọn về nguồn gốc sản phẩm để tránh tác động của hàng rào thuế quan. 

Lịch sử các cuộc xung đột thương mại và mục tiêu chính trị của cả Mỹ và Trung Quốc khiến người ta cho rằng cuộc chiến này không thể sớm đi vào hồi kết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục