Đâu là những "giải pháp mới" của Mỹ trong vấn đề Triều Tiên?

Giới chuyên gia cho rằng Mỹ giờ đây có thể cân nhắc đến những "giải pháp mới" khi cả Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc đang tìm cách giảm quy mô các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.
Đâu là những "giải pháp mới" của Mỹ trong vấn đề Triều Tiên? ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết trong chuyến công du kéo dài một ngày tới Bình Nhưỡng hôm 7/10 vừa qua, ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đạt được những kết quả ngoài sức tưởng tượng hướng tới vấn đề phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.

Cùng đi với ông Pompeo đến Bình Nhưỡng có Stephen Biegun, tân đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên và Andrew Kim, Trưởng bộ phận nghiên cứu về Triều Tiên của CIA.

Chuyến đi của ông Pompeo tới Bình Nhưỡng lần này được cho là nhằm phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên. Chuyến thăm lần trước đã không đạt được kết quả như mong đợi khi Triều Tiên chỉ trích ông Pompeo liên tục đưa ra những đòi hỏi mang tính ép buộc.

Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bày tỏ sự lạc quan sau khi chia tay ông Mike Pompeo, người đã có chuyến thăm một ngày tại Bình Nhưỡng trong ngày 7/10 để thảo luận về tiến trình phi hạt nhân hóa cũng như về khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai.

Theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bày tỏ tin tưởng rằng đối thoại và đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ dựa trên lòng tin giữa hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục phát triển thuận lợi trong tương lai cũng như một chương trình tốt cho cuộc gặp thượng đỉnh Triều-Mỹ thứ hai sẽ sớm được thu xếp.

KCNA khẳng định nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng bày tỏ "ý chí" và "lòng tin" rằng sẽ đạt được tiến triển trong những vấn đề mà cả Washington và Bình Nhưỡng cùng quan tâm.

Ông Kim Jong-un cũng đã giải thích chi tiết về những đề xuất của Bình Nhưỡng nhằm giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa và các vấn đề liên quan khác. Theo đó, ông Kim Jong-un và ông Mike Pompeo đã có các cuộc trao đổi quan điểm mang tính "xây dựng" về những vấn đề liên quan.

Hai bên cũng đã nhất trí tổ chức các cuộc gặp cấp chuyên viên để thu xếp cho cuộc gặp thượng đỉnh Triều-Mỹ lần thứ hai.

Trong khi đó, hãng tin AP ngày 8/10 cho biết ông Pompeo đã có các cuộc gặp kéo dài trong khoảng 3 giờ rưỡi với ông Kim Jong-un, sau đó bay tới Seoul vào cuối ngày để chia sẻ kết quả chuyến thăm với lãnh đạo Hàn Quốc.

Trong cuộc gặp kín với Tổng thống nước chủ nhà Moon Jae-in, ông Pompeo cho biết ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai “sớm nhất có thể” và hai bên sẽ tiếp tục thảo luận về thời gian và địa điểm cụ thể.

[Bình Nhưỡng nhất trí sớm tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên]

Bên cạnh đó, hai bên cũng đã thảo luận về các bước phi hạt nhân hóa bổ sung mà Bình Nhưỡng có thể thực hiện, cũng như sự giám sát của Washington đối với tiến trình này và "các biện pháp tương ứng" của Mỹ.

Tuy nhiên, kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore, con đường dẫn tới mối quan hệ nồng ấm đã không "xuôi chèo mát mái" như kỳ vọng. Cả Washington và Bình Nhưỡng đều hiểu sai về các khái niệm cũng như lộ trình đã nêu trong tuyên bố chung. Mỹ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt cũng như gây sức ép đối với Triều Tiên cho đến khi đạt được "phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn, không thể đảo ngược và có kiểm chứng."

Trước khi tới Bình Nhưỡng, ông Pompeo đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Tokyo, trong đó nhấn mạnh rằng chính quyền Donald Trump sẽ phối hợp và thống nhất chiến lược về phi hạt nhân hóa Triều Tiên với các đồng minh.

Tuy nhiên, trong cuộc gặp này, ông Pompeo đã liên tục từ chối đề cập đến nội dung chi tiết của các cuộc thảo luận, bao gồm cả quan điểm của Washington trước đề nghị của Bình Nhưỡng liên quan đến việc ra tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên cũng như đề xuất của Seoul liên quan đến tuyên bố đóng cửa cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên.

Cả Mỹ và Nhật Bản đều yêu cầu Triều Tiên cần công khai chi tiết số lượng các cơ sở hạt nhân sẽ được đóng cửa trong bước tiếp theo của tiến trình phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên đề xuất này đã không được chính quyền Bình Nhưỡng chấp nhận.

Theo bản tin của KCNA đề cập đến chuyến thăm của ông Pompeo, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cám ơn những nỗ lực chân thành của ông Donald Trump trong việc đưa ra Tuyên bố Singapore.

Cụ thể, "nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đánh giá cao những tiến triển trên bán đảo Triều Tiên và giải thích một cách chi tiết những đề xuất của Bình Nhưỡng trong tiến trình phi hạt nhân hóa."

Ông Kim Jong-un cũng đã mời các thanh sát viên quốc tế tới bãi thử nghiệm hạt nhân Punggye đã được Bình Nhưỡng đóng cửa từ tháng 5 vừa qua để "khẳng định rằng nó đã được phá hủy hoàn toàn."

Một quan chức tháp tùng ông Pompeo tới Triều Tiên lần này nhận định rằng chuyến thăm "tốt hơn lần trước" nhưng cũng nhấn mạnh thêm rằng "đó sẽ là một chặng đường dài."

Giới chuyên gia cho rằng Washington giờ đây có thể cân nhắc đến những "giải pháp mới" khi cả Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc đang tìm cách giảm quy mô các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.

Giáo sư Yang Moo-jin của Đại học Triều Tiên tại Seoul nhận xét: "Triều Tiên đã có những bước đi tiến tới phi hạt nhân hóa. Vì vậy, Mỹ sẽ phải đối mặt với những chỉ trích của cộng đồng quốc tế nếu tiếp tục yêu cầu phi hạt nhân hóa hoàn toàn mà không gỡ bỏ lệnh trừng phạt. Chúng ta không thể loại trừ khả năng Washington có thể theo hướng gỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt trên cơ sở những tiến triển của quá trình phi hạt nhân hóa."

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha mới đây cũng đã bóng gió đề cập đến cái gọi là một "cuộc mặc cả lớn" giữa Mỹ và Triều Tiên. Trả lời phỏng vấn của tờ Bưu điện Washington (the Washington Post), bà Kang Kyung-wha đã nói rằng Triều Tiên có thể đồng ý phá hủy tổ hợp Yongbyon, cơ sở hạt nhân chính của họ.

Đổi lại, Mỹ sẽ tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) vốn mới được tạm dừng bằng một Thỏa thuận đình chiến chứ chưa phải một Hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, kèm với điều đó, Bình Nhưỡng cũng cần phải đưa ra một danh sách đầy đủ về các cơ sở hạt nhân của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.